A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 211
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm hai mươi mốt:
(Diễn) Tam giả phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả, độc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả.
(演)三者發菩提心,深信因果,讀誦大乘,勸進行者。
(Diễn: Ba là phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả).
Đây là điều thứ ba trong tam phước được nói trong Quán Kinh. Phước thứ ba có tất cả bốn câu, câu đầu tiên là “phát Bồ Đề tâm”. Điều thứ nhất [trong tam phước] là phước nhân thiên, điều thứ hai là phước của Nhị Thừa và Quyền Giáo Bồ Tát, điều thứ ba là phước của Đại Thừa Bồ Tát. Phước của Đại Thừa Bồ Tát khá khó khăn. Không chỉ là [phước của] Đại Thừa Bồ Tát, [mà phước của] nhân thiên và Nhị Thừa đều chẳng dễ dàng, tức là nói đến“hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng” thì hiện thời có mấy ai làm được? Đây là lý do vì sao người học Phật đông đảo, kẻ thành tựu ít ỏi! Nói gọn một câu là “thiếu phước!” Chư vị ngẫm xem, có vị Phật nào chẳng có phước hay không? Chẳng có! Phật là Nhị Túc Tôn, điều thứ nhất trong Nhị Túc Tôn là phước đức. [Nhị Túc Tôn là] phước đức viên mãn và trí huệ viên mãn. Không chỉ riêng Phật là phước đức viên mãn, mà phước báo của Tiểu Thừa A La Hán cũng rất tuyệt diệu. Điều này nêu rõ căn cơ của phước đức là “hiếu thuận cha mẹ, tôn kính sư trưởng”.
“Phát Bồ Đề tâm”: Chúng ta đã phát tâm Bồ Đề hay chưa? Nếu chư vị đọc kinh Kim Cang hoặc Đại Thừa Khởi Tín Luận, sẽ biết: Hễ phát Bồ Đề tâm, bèn là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Vì thế, xếp nó (phát Bồ Đề tâm) vào điều [phước] thứ ba là có lý. A La Hán và Bích Chi Phật chưa minh tâm kiến tánh; nói cách khác, tâm các Ngài chẳng phải là Bồ Đề tâm. Bồ Đề tâm là chân tâm. Bồ Đề (Bodhi) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là giác. Chân tâm mới giác, vọng tâm bất giác. Chư vị bèn hiểu, trong kinh luận, đức Phật thường dạy: A La Hán, Bích Chi Phật, và Quyền Giáo Bồ Tát vẫn là bất giác. Vì sao? Các Ngài dùng tám thức và năm mươi mốt Tâm Sở. Hễ dùng tám thức và năm mươi mốt Tâm Sở thì đều là bất giác, tiêu chuẩn [giác và bất giác] được kiến lập từ chỗ này. Ắt cần phải phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân thì mới là thật sự giác ngộ, giác chứ không mê. Đối với ba môn bất thoái, Tịnh Độ Tông chẳng nói theo kiểu này, nói theo các pháp môn thông thường thì người ấy vừa mới chứng đắc ba môn bất thoái, đấy là phát Bồ Đề tâm. Có thể thấy là phát Bồ Đề tâm chẳng dễ dàng; nhưng muốn thành Phật mà chẳng có Bồ Đề tâm, chắc chắn là chẳng thể thành Phật được. Chư vị nhất định phải biết điều này.
Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát giảng Bồ Đề tâm là trực tâm, thâm tâm, và đại bi tâm. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, đức Phật dạy [Bồ Đề tâm] là chí thành tâm, thâm tâm, và phát nguyện hồi hướng tâm. Hợp chung kinh và luận để xem, [sẽ thấy] ý nghĩa của Bồ Đề tâm vô cùng rõ rệt, hết sức rành rẽ. Nói theo kiểu người Hoa, sẽ là “chân thành đến tột bậc”, đó là chân tâm, chẳng có mảy may hư vọng nào! Có lúc chúng ta cảm thấy cái tâm của chính mình rất kiền thành, rất chân thật, tâm ta luôn chân thành! Chỉ cần quý vị có một niệm “tâm ta rất chân thành”, sẽ là vọng tâm, vì sao? Chân tâm ly niệm! Chân tâm ly niệm tức là chẳng có ý niệm. Hễ có ý niệm thì đều là vọng niệm, lấy đâu ra chân tâm? Có thể thấy chân thành thật sự chẳng dễ dàng. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư nói “vốn chẳng có một vật”. Vốn chẳng có một vật thì ngay cả câu nói ấy cũng chẳng có, [tức là] ngay cả câu “vốn chẳng có một vật” cũng chẳng có. Nói thật ra, Lục Tổ ở Hoàng Mai chính vì Ngài đã phát Bồ Đề tâm, tâm chân thành hiển lộ, cho nên Ngũ Tổ truyền pháp cho Ngài, chẳng truyền cho Thần Tú. Vì sao? Thần Tú dùng tám thức và năm mươi mốt Tâm Sở, vẫn là “thân thị Bồ Đề thụ, tâm như minh kính đài” (thân là cội Bồ Đề, tâm như đài gương sáng), vẫn rớt vào thức thứ sáu, tức là trong Ý Thức, nên sư Thần Tú chẳng đủ tư cách được [Ngũ Tổ] truyền pháp. Nói theo Nho gia, Bồ Đề tâm là “thành ý, chánh tâm”. Nói theo Phật môn thì là thâm tâm và đại bi tâm, tức là đã tách chánh tâm của Nho gia [thành hai tâm] để nói, chánh chứ chẳng tà. Phật pháp tách ra để nói, đối với chính mình thì là thâm tâm, đó là Chánh như Nho gia đã nói. Đối với người khác sẽ là đại từ đại bi, Nho gia cũng gọi điều này là Chánh. Nho gia hợp hai điều này lại để nói, nói gộp lại thành “chánh tâm”. Phật pháp tách chánh tâm của Nho gia thành hai tâm, một là đối với chính mình, hai là đối với người khác.