/ 289
576

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 210


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm hai mươi mốt:


(Diễn) Nhị giả, thọ trì Tam Quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi.

(演)二者受持三皈,具足眾戒,不犯威儀。

(Diễn: Hai là thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi).


Trong phần trước, đại sư đã dạy chúng ta phương pháp tu hành trong Tịnh Tông, khai thị minh bạch: “Thiện căn, phước đức, nhân duyên” ắt phải trọn đủ. Chúng ta thực hiện từ chỗ nào? Đại sư dựa theo Quán Kinh để chỉ ra: Tam phước là chánh nhân của Tịnh nghiệp. Ở đây, chúng tôi đã từng thưa trình cùng chư vị, ba điều này không chỉ là cơ sở để tu Tịnh Độ, mà nói thật ra, tất cả các tông phái và vô lượng pháp môn trong Đại Thừa Phật pháp đều chẳng lìa khỏi cơ sở này. Do vậy có thể biết, ba điều gồm mười một câu này vô cùng trọng yếu. Nếu sơ sót đoạn văn này, dẫu siêng khổ tinh tấn tu học, vẫn chẳng có cách nào thành tựu. Vì sao? Nhân và quả không tương ứng, chúng ta phải đặc biệt chú ý chuyện này.

Thật ra, Phật pháp được kiến lập trên cở sở hiếu đạo, do hiếu đạo mà sau đó mới có sư đạo. Mong kẻ bất hiếu với cha mẹ sẽ tôn kính sư trưởng là chuyện không thể được! Lẽ đâu kẻ chẳng tôn kính người thân yêu nhất của chính mình mà lại tôn kính người ngoài ư? Nếu có chuyện ấy, kẻ đó nhất định là có mưu đồ. Chẳng có mưu đồ thì nói theo tình lẫn lý đều chẳng thông! Điều này cho thấy “hiếu thảo cha mẹ, tôn trọng thầy” chính là căn cội to lớn trong tu hành. Nếu muốn đạt thành tựu nơi pháp thế gian và xuất thế gian, phải cậy vào sư đạo. Trong kinh, đức Phật thường nói, cha mẹ có ân sanh ra nhục thân chúng ta. Thân thể này là do cha mẹ mà có. Thầy có ân đức sanh trưởng Pháp Thân huệ mạng của chúng ta. Pháp Thân huệ mạng do thầy mà có. Tại Trung Hoa, vào thời cổ, thầy và cha mẹ được coi trọng như nhau. Chư vị đọc Lễ Ký, đọc cổ lễ, sẽ biết: Cha mẹ qua đời, con thủ hiếu (để tang) ba năm. Thầy qua đời, trò giữ tâm tang ba năm, chẳng có hình thức, chẳng cần mặc hiếu phục (tang phục). Đó chính là học trò coi thầy chẳng khác cha mẹ. Còn một điều rõ rệt nữa là gọi tên. Vào thời cổ, chỉ có đối với trẻ thơ hoặc người chưa trưởng thành là có thể gọi thẳng tên, có thể gọi kẻ đó bằng tên. Sau khi đã trưởng thành, nếu vẫn gọi thẳng tên tức là rất thiếu cung kính, rất thiếu lễ phép đối với người ấy, nhất là gọi đủ cả tên lẫn họ, càng chẳng có đạo lý ấy. Đó là nhục mạ đến tột cùng!

Nam tử hai mươi tuổi trưởng thành bèn hành lễ gia quan (hoặc nhược quan)[1], [tức là] đội mũ. Đội mũ nhằm biểu thị “đã là người lớn, chẳng còn là trẻ nhỏ”. Quý vị thấy người ấy bèn tôn trọng, chẳng thể gọi kẻ ấy bằng tên. Nữ nhân mười sáu tuổi bèn làm lễ cài trâm[2], tức là bới tóc lên, cô ta đã trưởng thành rồi. Ngày hôm ấy, bậc trưởng thượng, người ngang vai vế, anh chị em của người ấy phải tặng cho người ấy tên tự[3], [thường gọi là] tên chữ. Từ ngày ấy trở đi, mọi người gọi kẻ ấy bằng tên tự, chẳng còn gọi tên. Sau đấy, ai sẽ gọi tên? Chỉ có cha mẹ, cha mẹ suốt đời gọi người ấy bằng tên. Người thứ hai là thầy, thầy suốt đời gọi quý vị bằng tên thật. Trừ hai hạng người ấy ra, ông bà nội, bác, chú, người nhà, quyến thuộc đều gọi quý vị bằng tên tự. Ông bà nội do cách quý vị một đời, nên tôn kính quý vị. “Trưởng ấu hữu tự” (Lớn nhỏ có tôn ty trật tự). Quý vị làm quan trong triều đình, hoàng đế cũng gọi quý vị bằng tên tự. Nếu hoàng đế gọi thẳng tên tức là quý vị có tội, phải chịu hình phạt, chẳng giữ được chức quan. Nếu hoàng đế gọi cả họ lẫn tên, chỉ sợ bị chặt đầu, khó giữ được cái đầu! Vì thế, trong xưng hô, thầy và cha mẹ giống nhau. Từ cổ lễ, có thể thấy rất rõ điều này: Hiếu đạo và sư đạo chẳng thể tách rời. Nay chúng ta chẳng nói tới hiếu đạo, nên sư đạo cũng chẳng có. Chẳng có sư đạo, làm sao có thể thành tựu cho được? Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Hiện thời, nói thật thà, mấy ai hiểu hiếu đạo? Mấy ai hiểu sư đạo? Trong pháp thế gian đã hoàn toàn vứt bỏ [sư đạo], mà trong Phật pháp hiện thời cũng chẳng tồn tại, cũng chẳng có. Nhìn bề ngoài, dường như tốt đẹp hơn pháp thế gian đôi chút, nhưng chỉ có hình thức, thiếu hẳn nội dung!

/ 289