/ 289
519

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 209

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm mười chín:

 

  (Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh vạn thiện đồng quy, thị đồng hội nhất xứ nghĩa.

  (疏)稱理,則自性萬善同歸,是同會一處義。

  (Sớ: Xứng Lý thì tự tánh vạn thiện đồng quy là ý nghĩa “ở cùng một chỗ”).

 

“Tự tánh vạn thiện đồng quy” là gì, sách Diễn Nghĩa có chú giải:

 

  (Diễn) Vạn thiện đồng quy giả, hằng sa Tánh Đức bất ly Chân Như, thị tánh thiện đồng quy dã.

(演)萬善同歸者,恆沙性德不離真如,是性善同歸也。

(Diễn: Vạn thiện đồng quy: Hằng sa tánh đức chẳng lìa Chân Như chính là cùng quy vào các điều thiện nơi tánh).

 

  Câu này giải thích đơn giản, rõ ràng, xác đáng, giải thích hết sức hay! Tánh là nói tới Chân Như bản tánh của chính mình. Trong Phật pháp thường nói “tự tánh”, tự tánh là tự thể, “Tánh” cũng có thể hiểu là Thể. Nhà Thiền nói “diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra” chính là nói đến tự tánh. Tìm cho ra cái mà ta sẵn có trước khi được cha mẹ sanh ra chính là gì vậy? Tánh là con người thật sự, là Chân Ngã của chúng ta. Phật pháp nói “vô ngã”, vô ngã chính là nói “thân này chẳng phải là Ta”, tánh mới là Chân Ngã. Tánh là cái Ngã (cái Ta) thật sự, “bất sanh, bất diệt, chẳng đến, chẳng đi, bất cấu, bất tịnh”, đó là Chân Ngã. Tự tánh vốn có vô lượng trí huệ, vô lượng năng lực, vô lượng đức năng, vô lượng tài nghệ. Vì vậy, dùng hai chữ “hằng sa” (恆沙) để tỷ dụ. “Hằng sa” là nói [gọn của] “Hằng hà sa số” (恆河沙數: số cát trong sông Hằng). Thuở đức Phật tại thế, Ngài thường giảng kinh, hoằng pháp trong lưu vực (drainage basin) sông Hằng. Sông Hằng là một con sông rất lớn tại Ấn Độ, giống như Trường Giang và Hoàng Hà của Trung Hoa, sông dài đến mấy ngàn dặm, lại còn có bề rộng rất lớn. Cát trong sông Hằng hết sức mịn, gần giống như bột mì, mịn hơn các loại cát chúng ta thường thấy rất nhiều. Quý vị nói xem một giải sông Hằng có bao nhiêu cát! Vì vậy, hễ nói đến số lượng nhiều, đức Phật thường dùng “Hằng hà sa” (cát sông Hằng) để tỷ dụ. Đức năng sẵn có trong bản tánh của chúng ta nhiều như cát sông Hằng; trí huệ, năng lực, tài nghệ nhiều như vậy chẳng hề rời lìa bản tánh. Chân Như là bản tánh, [những thứ như trí huệ, năng lực, tài nghệ v.v…] chẳng rời khỏi bản tánh. Do vậy, bản tánh khởi tác dụng, [các tác dụng ấy] trở về bản tánh, trở về chính là ý nghĩa “đồng quy”, “vạn thiện đồng quy”.

 

  (Diễn) Tùng tánh khởi tu, toàn tu tức tánh, tắc tu thiện diệc đồng quy hỹ.

(演)從性起修,全修即性,則修善亦同歸矣。

(Diễn: Từ tánh khởi tu, toàn thể tu chính là tánh, nên tu thiện cũng đồng quy vậy).

 

  Hai câu này thoạt nhìn thì thấy dễ dàng, thực hiện chẳng dễ dàng. Vì sao chẳng dễ dàng? Do quý vị chẳng kiến tánh. Chẳng kiến tánh tức là tâm quý vị chẳng “minh”, Thiền gia nói “minh tâm kiến tánh”, tâm chúng ta chẳng minh. Vì sao tâm chẳng minh? Tâm có ô nhiễm; hễ có ô nhiễm sẽ chẳng minh. Giống như một tấm gương, gương bị nhuốm bẩn, soi vào sẽ không thấy. Ô nhiễm gì vậy? Có Vô Minh ô nhiễm, có Trần Sa ô nhiễm, có Kiến Tư ô nhiễm. Hơn nữa, có thể nói là những thứ ô nhiễm ấy hết sức nghiêm trọng. Chúng ta có thể “từ tánh khởi tu” hay không? Đây là một vấn đề rất lớn! Trong Phật pháp, không chỉ riêng Thiền Tông yêu cầu minh tâm kiến tánh, mà bất cứ tông phái nào cũng đều nhắm đến mục đích “minh tâm kiến tánh”. Nếu chẳng minh tâm kiến tánh, sẽ chẳng phải là Phật pháp, sẽ không gọi là Phật giáo. Chỉ là phương cách để đạt tới minh tâm kiến tánh [trong mỗi tông phái] khác nhau, chứ mục tiêu quyết định là nhất trí. “Minh tâm kiến tánh” trong nhà Thiền nói theo Giáo Hạ sẽ là “đại khai viên giải”. Nói bằng những danh từ khác nhau, thật ra vẫn là cùng một chuyện. Chư vị hãy ngẫm xem, nếu không minh tâm kiến tánh, làm sao có thể đại khai viên giải cho được? “Hằng sa Tánh Đức bất ly Chân Như”, đó mới là đại khai viên giải, nói theo Tịnh Độ Tông sẽ là Lý nhất tâm bất loạn. Cách nói khác nhau, danh xưng khác nhau, phương pháp tu hành khác nhau, thật ra là cùng một chuyện.

  Do vậy có thể biết kiến tánh rất trọng yếu. Không chỉ là học Phật là phải nhấn mạnh kiến tánh, xưa kia, học sách Khổng Tử cũng nhấn mạnh kiến tánh. Trẻ nhỏ đi học, học Tam Tự Kinh: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện; tánh tương cận, tập tương viễn” (Con người thoạt đầu tánh vốn lành, tánh thì gần giống nhau, do được dạy dỗ mà trở thành khác xa nhau). “Tánh” là nói đến chân tánh, chân tánh tương cận, [nghĩa là] chân tánh tương đồng. Tập tánh tương viễn (khác xa nhau), tập tánh là ô nhiễm. Do mức độ ô nhiễm của quý vị dầy hay mỏng khác nhau, nên tập tánh sẽ chẳng giống nhau. Chư vị phải biết: “Tập” (習) là ô nhiễm, nên nó mới càng ngày càng xa. Làm như thế nào để bỏ sạch tập tánh, khôi phục bản tánh? Nho gia cũng nói đạo lý này. Dùng phương pháp gì? Nói thật thà, phương pháp được Nho gia sử dụng và phương pháp được sử dụng trong Tịnh Độ Tông của Phật môn đại đồng tiểu dị (xét theo đại cương là giống nhau, khác nhau ở những điểm nhỏ nhặt): Trước hết là tu tâm thanh tịnh, chớ nên có vọng tưởng. Vọng tưởng là tập tánh. Do tập tánh đã quá lâu, nên trở thành thân thuộc. Học Phật chẳng có gì khác, [chỉ là] đổi chỗ sống sít thành chỗ chín rục, lại đổi chỗ chín rục thành chỗ sống sít, sẽ thành công. Hằng ngày dấy vọng tưởng, đó là chín rục; niệm Phật thì niệm niệm bèn đứt đoạn, quên khuấy. Vì sao? Quá xa lạ! Làm thế nào để có thể biến cái xa lạ thành cái thân thuộc, biến cái thân thuộc thành điều xa lạ, quý vị sẽ thành công.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289