/ 289
1.603

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 208

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm mười sáu.

 

  (Sao) Nhược tri bản thể bất ly đương xứ, tắc phi sanh bỉ quốc, nãi sanh thử quốc nhĩ.

(鈔)若知本體不離當處,則非生彼國,乃生此國耳。

(Sao: Nếu biết bản thể chẳng lìa đương xứ thì chẳng phải là sanh về cõi kia mà là sanh trong cõi này).

 

  Trong đoạn kinh văn này, điều cần chú ý nhất là quyết định đừng nên hiểu lầm ý nghĩa. Hiểu lầm ý nghĩa, sẽ phạm lỗi quá lớn. Hiểu lầm ý nghĩa bèn đả phá Tịnh Độ, vậy là không được rồi! “Bản thể” là nói tự tánh; tận hư không khắp pháp giới là vật do tự tánh biến hiện. Các cõi Phật trong mười phương, kể cả thế giới Cực Lạc, chẳng có gì là ngoại lệ, đều ở trong tự tánh. Vì lẽ đó, ở đây, đại sư nói “nhược tri” (nếu biết), [hàm ý] giả sử quý vị thật sự hiểu rõ: Bản thể là tự tánh, “bất ly đương xứ” (chẳng lìa đương xứ), ở ngay nơi đây trong hiện tiền là do tự tánh biến ra, mà mười phương pháp giới cũng do tự tánh biến ra. Tây Phương Tịnh Độ vẫn do tự tánh biến ra. Đó gọi là “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”. Tâm tánh là một, không hai, đều là vật được biến hiện bởi tâm tánh. Nói theo tự tánh, có vãng sanh hay không? Chúng tôi nêu một thí dụ. Chúng ta ví giảng đường này như phạm vi của tự tánh; nay quý vị đi từ cái bàn này sang cái bàn khác, tôi hỏi quý vị nhé: Quý vị có vãng sanh hay không? Chẳng rời khỏi tự tánh! Đấy là ý nghĩa [của đoạn kinh văn] này. Do đó, phải hiểu: Vạn pháp duy tâm, vạn pháp duy thức. Kinh Đại Thừa thường nói: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, đó là dạy chúng ta chân tướng sự thật.

  Do vậy, người thật sự kiến tánh, người thật sự giác ngộ, sẽ chẳng có quan niệm tương đối. Tương đối là gì? Đây kia là tương đối. Thế giới Sa Bà là cõi này, cõi kia là thế giới Cực Lạc. Đây kia là hai pháp, hai pháp chẳng phải là Phật pháp. Vì sao chẳng phải là Phật pháp? Phật pháp là pháp triệt để giác ngộ, hiểu rõ; “chẳng phải là Phật pháp” tức là quý vị còn chưa hiểu rõ, còn chưa giác ngộ, vẫn là pháp mê hoặc, điên đảo. Chỉ trong mê hoặc, điên đảo mới có hai, ba. Thật sự giác ngộ, quyết định chẳng rớt vào hai, ba. Pháp giới là Nhất Chân, tâm tánh như một, đó là chân tướng sự thật. Sau khi đã minh tâm kiến tánh, há còn có đây kia? Chẳng có quan niệm đây kia, chẳng phân biệt, chấp trước có thế giới Sa Bà và thế giới Cực Lạc.

  Chúng ta hỏi: Những vị minh tâm kiến tánh có còn vãng sanh hay không? Vẫn vãng sanh! Văn Thù và Phổ Hiền đều phát nguyện vãng sanh; vì thế mới nói: “Sanh thì quyết định sanh, đi thì thật sự chẳng đi”. Giống như quý vị ở trong giảng đường này, từ cái bàn này sang cái bàn kia, quý vị đến nơi đó, diệt từ nơi đây, sanh từ nơi đó. Sanh thì quyết định sanh; đi thì thật sự chẳng đi. [Bởi lẽ], quý vị chẳng rời khỏi căn phòng này, vẫn ở nơi đây! Đừng nói là thế giới Cực Lạc và mười vạn ức cõi Phật chẳng rời khỏi tâm tánh, tận hư không khắp pháp giới cũng chẳng rời khỏi tự tánh! Vì lẽ này, Thiền Tông mới nói “nếu ai hiểu cái tâm, đại địa không tấc đất”. “Tấc đất” là gì? Là phân biệt, chấp trước của quý vị. “Không có tấc đất” là chẳng có mảy may phân biệt, chấp trước, nói lên ý nghĩa này, chẳng phải là nói một tấc đất trọn chẳng có!

Chớ nên hiểu lầm chỗ này, chớ nên nhìn bề ngoài của văn tự. “Tắc phi sanh bỉ quốc, nãi sanh thử quốc” (Tức là chẳng sanh về cõi kia, mà là sanh trong cõi này). Tu tập cả buổi, chúng ta vẫn chẳng đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, vẫn ở trong thế giới Sa Bà; [hiểu kiểu] này sẽ sanh ra hiểu lầm rất lớn, khiến cho tín tâm đối với chuyện vãng sanh bị dao động, trở thành lỗi lầm to tát. Câu này được chú giải dưới đây [như sau]:

 

  (Diễn) “Bất ly đương xứ” giả, cổ vân: “Bất ly đương xứ thường trạm nhiên, mịch tức tri quân bất khả kiến”.

  (演)不離當處者,古云:不離當處常湛然,覓即知君不可見。

(Diễn: “Chẳng lìa đương xứ”: Cổ nhân nói: ‘Chẳng lìa đương xứ thường tĩnh lặng, tìm tòi liền biết chẳng thể thấy’).

 

  Câu này rất khó hiểu. Vì sao khó hiểu? Điều này thật sự là Phật tri Phật kiến. Kinh Bát Nhã nói “Thật Tướng của các pháp”, tức là chân tướng của hết thảy các pháp. Chân tướng là gì? Những câu kinh hình dung chân tướng rất nhiều. Chẳng hạn như Tâm Kinh nói: “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc, Sắc chính là Không, Không chính là Sắc”, hình dung chân tướng. Đó chính là “bất ly đương xứ thường trạm nhiên”, cách nói khác nhau, nhưng ý nghĩa y hệt, cảnh giới như nhau. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận” (Sanh ra ở chỗ nào, diệt tận ngay chỗ đó) cũng là ý nghĩa này. Lại nói “đương thể tức không” (ngay nơi bản thể chính là Không), vẫn là ý nghĩa này. Kinh Kim Cang nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, cũng là ý nghĩa này. Quý vị tham cứu thấu suốt, [sẽ thấy] xác thực là đương xứ thường tĩnh lặng. Phật ở chỗ nào? Ở chính ngay nơi đây. Thế giới Cực Lạc ở chỗ nào? Cũng chính là ngay nơi đây. Thế giới Hoa Tạng ở đâu? Cũng chính là ở ngay nơi đây. Tiếp đó nói: “Mịch tức tri quân bất khả kiến”, [nghĩa là] nếu quý vị muốn tìm kiếm, chắc chắn sẽ tìm chẳng thấy, vì sao? Tìm kiếm tức là quý vị khởi tâm động niệm! Đó gọi là “mở miệng liền trật, động niệm liền sai”. Quý vị khởi tâm động niệm, đến nơi đâu để tìm? Khởi tâm động niệm tức là quý vị đã biến chân tâm thành vọng tâm. Chẳng khởi tâm, không động niệm, đó là chân tâm. Do chân tâm bèn thấy cảnh giới chân thật, vọng tâm bèn thấy vọng cảnh, chẳng phải là cảnh giới chân thật. Vì lẽ đó, nói thật thà, Phật pháp chẳng thể xen tạp mảy may vọng!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289