/ 289
429

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 207


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm mười lăm:


(Sớ) Hựu nguyện chi vi lực, bất khả tư nghị, bỉ Phật Tịnh Độ diệc diêu nguyện cố. Lâm chung vãng sanh, duy trượng nguyện cố. Tam giới nhân quả, tất tùy nguyện cố. Chư đại Bồ Tát giai nguyện sanh cố.

(疏)又願之為力,不可思議,彼佛淨土,亦繇願故;臨終往生,惟仗願故;三界因果,悉隨願故;諸大菩薩,皆願生故。

(Sớ: Nguyện lại có sức mạnh chẳng thể nghĩ bàn. Cõi Tịnh Độ của đức Phật ấy cũng do nguyện mà có. Lâm chung vãng sanh chỉ cậy vào nguyện. Nhân quả trong ba cõi đều tùy thuộc nguyện. Các đại Bồ Tát đều do nguyện mà vãng sanh).


Đoạn Sớ này nêu rõ nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn. Nguyện lực là niệm lực, tức là ý niệm trong cái tâm của chúng ta. Trong kinh Đại Thừa, đức Phật thường nói tới y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Nói cách khác, tận hư không khắp pháp giới do đâu mà có? Đều sanh từ trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh. Chúng ta biết nguyên lý này, khẳng định nguyên lý ấy, sẽ biết: Đối với chuyện trong thế gian này, có lắm chuyện kỳ quái; nếu chúng ta hỏi: “Có chuyện ấy hay không?” Đương nhiên là có! Vì sao? Tâm có thể biến, có thể sanh, hết thảy vạn vật là cái được biến, cái được sanh. Sức mạnh của cái tâm có thể biến ấy (năng biến tâm) chẳng có cùng tận; do vậy, biến ra vô lượng vô biên các hiện tượng. Tịnh Độ cũng chẳng ra ngoài lệ ấy, cũng chẳng rời lìa tâm tưởng. Chúng ta xem đoạn giải thích dưới đây:


(Sao) Bỉ Phật Tịnh Độ giả.

(鈔)彼佛淨土者。

(Sao: Cõi Tịnh Độ của đức Phật ấy).


Nói tới Tây Phương Cực Lạc thế giới Tịnh Độ.


(Sao) Pháp Tạng dĩ nhân trung tứ thập bát nguyện, kim thành Phật đạo, quảng độ chúng sanh, tắc Như Lai vô tận công đức, giai tùng nguyện sanh, cố vân bất khả tư nghị.

(鈔)法藏以因中四十八願,今成佛道,廣度眾生,則如來無盡功德,皆從願生,故云不可思議。

(Sao: Do ngài Pháp Tạng đã phát ra bốn mươi tám nguyện trong lúc tu nhân, nay thành Phật đạo độ chúng sanh rộng khắp, vô tận công đức của Như Lai đều sanh từ nguyện, nên nói là “chẳng thể nghĩ bàn”).


Điều này xuất phát từ Đại Kinh, tức là kinh Vô Lượng Thọ. Nói thật ra, tinh vi, đẹp đẽ nhất, tinh hoa nhất, thù thắng nhất trong toàn thể Phật pháp, không gì hơn bốn mươi tám nguyện. Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng, tâm tưởng nơi bốn mươi tám nguyện ấy, niệm nào cũng đều là “chỉ ư chí thiện” (止於至善), nghĩa là đức Phật đã nghĩ tới chỗ tốt đẹp tột bậc, tốt lành đến tận cùng, niệm niệm trụ nơi chí thiện! Vì thế nói “bốn mươi tám nguyện thù thắng, tinh vi đẹp đẽ nhất, và cũng là tinh hoa nhất”. Chúng ta niệm bốn mươi tám nguyện, phải biến bốn mươi tám nguyện trở thành tư tưởng của chính mình, biến chúng thành tâm tưởng của chính mình. Phật Di Đà có thể tạo ra thế giới Cực Lạc, lẽ đâu chúng ta chẳng thể tạo thành thế giới Cực Lạc? Thế giới Cực Lạc do chúng ta tạo và thế giới Cực Lạc do A Di Đà Phật đã tạo chẳng hai, chẳng khác, hoàn toàn tương ứng, do điều này bèn quyết định vãng sanh! Không chỉ là vãng sanh, mà thật sự là vãng sanh trong bậc thượng, quyết định là vãng sanh trong ba phẩm thượng. Bốn mươi tám nguyện của Phật Di Đà, nguyện nào cũng phổ độ chúng sanh, làm sao chúng ta có thể đối lập với chúng sanh? Làm sao có thể đối địch với chúng sanh? Không chỉ là đừng nên đối địch nơi hành vi, mà trong tâm hơi có đôi chút ngăn cách thì đã sai mất rồi. Sai không ở nơi cảnh giới, mà là do tư tưởng và kiến giải của chính chúng ta đã sai. Vì sao? Chẳng phải là chí thiện. Dẫu là thiện, nhưng thiện chưa đạt tới viên mãn, chẳng thể coi là chí thiện. Vì lẽ đó, kinh Vô Lượng Thọ xác thực là “chỉ ư chí thiện”, hãy dùng bản kinh này để uốn nắn tư tưởng, kiến giải và hành vi của chúng ta sao cho đích xác là viên mãn bậc nhất. Đấy là lý do vì sao chúng tôi phải đặc biệt đề xướng bộ kinh này. Trong kinh Pháp Diệt Tận[1], Thích Ca Mâu Ni Phật có dạy: Trong tương lai, toàn thể Phật pháp đều tiêu diệt hết, kinh này còn lưu lại trong thế gian một trăm năm. Trong kinh Vô Lượng Thọ cũng có đoạn kinh văn ấy. Đức Phật bảo: Trong tương lai, Phật pháp sẽ diệt mất, bộ kinh bị tiêu diệt đầu tiên là kinh Lăng Nghiêm, kinh bị diệt cuối cùng là kinh Vô Lượng Thọ. Do vậy, điều khẩn yếu là phải biến nguyện của A Di Đà Phật thành bổn nguyện của chính chúng ta. Trong mỗi niệm, chúng ta đều phải giúp đỡ hết thảy chúng sanh, tin tưởng và yêu thích pháp môn này, phát nguyện cầu sanh. Nếu chẳng thể giúp họ phát nguyện cầu sanh, tối thiểu cũng là làm cho họ biết có pháp môn này. Biết có pháp môn này thì gọi là “gieo chủng tử thù thắng bậc nhất trong A Lại Da Thức”. Nhiều đời nhiều kiếp sau trong tương lai, khi chủng tử ấy gặp duyên bèn dấy lên hiện hành, người ấy có thể thành tựu. Ý nghĩa này hết sức sâu rộng, hy vọng chúng ta có thể lãnh hội cặn kẽ!

/ 289