/ 289
497

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 206


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm mười hai:


(Sớ) Vấn: Bỉ xứ Quán Âm, thứ đương bổ Phật, thứ nãi Thế Chí. Thế Chí chi hậu, bất văn bổ giả. Kim ngôn “Bổ Xứ thậm đa”, hà nhật đương bổ? Hựu Bổ Xứ giả, Bồ Tát địa tận, trụ Đẳng Giác vị, như tinh trung nguyệt, hà đắc thậm đa, nhi tại bỉ quốc?

(疏)問:彼處觀音,次當補佛,次乃勢至,勢至之後,不聞補者,今言補處甚多,何日當補;又補處者,菩薩地盡,住等覺位,如星中月,何得甚多,而在彼國。

(Sớ: Hỏi: Trong cõi ấy, ngài Quán Âm sẽ kế tiếp bổ xứ làm Phật, rồi đến ngài Thế Chí. Sau ngài Thế Chí, chẳng nghe nói có vị Bổ Xứ nào! Nay nói “Bổ Xứ thật nhiều”, đến khi nào sẽ được bổ nhiệm? Lại nữa, Bổ Xứ là trọn hết địa vị Bồ Tát, trụ trong địa vị Đẳng Giác, như vầng trăng giữa các ngôi sao, cớ sao có thể hiện diện thật nhiều trong nước ấy?)


Đoạn này nêu ra hai nghi vấn:

- Thứ nhất là hoài nghi thế giới Tây Phương có Bổ Xứ Bồ Tát nhiều ngần ấy, tới năm nào, tháng nào họ mới được bổ làm Phật?

- Vấn đề thứ hai là hoài nghi số lượng. Thông thường, trong kinh điển chúng ta thấy trong một thế giới Phật, Hậu Bổ Phật là một vị, hai vị thì quá lắm rồi! Cớ sao thế giới Tây Phương có Hậu Bổ Phật đông đảo như thế?

“Bỉ xứ” là nói đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tây Phương Cực Lạc thế giới Quán Thế Âm Bồ Tát là Hậu Bổ Phật trong thế giới Cực Lạc. Trong tương lai, A Di Đà Phật nhập Bát Niết Bàn, Quán Âm Bồ Tát liền thị hiện thành Phật trong thế giới Tây Phương. Sau khi đã thành Phật, Quán Âm Bồ Tát cũng có ngày nhập diệt. Sau khi Ngài nhập diệt, Đại Thế Chí Bồ Tát liền hậu bổ thành Phật. Sau Đại Thế Chí, [vị Bồ Tát nào sẽ được bổ làm Phật], trong kinh, Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng nói tới! [Đoạn kinh nói tới] chuyện Quán Âm và Thế Chí hậu bổ thành Phật được chúng tôi đưa vào Tịnh Độ Ngũ Kinh Độc Bản, chư vị xem sẽ biết. Người ta có nghi vấn ở chỗ này: Sau ngài Đại Thế Chí, chẳng nghe nói thế giới Tây Phương có Hậu Bổ Phật. Nay kinh nói thế giới Tây Phương có Hậu Bổ Phật nhiều ngần ấy, bèn hoài nghi: Vậy thì họ phải đến lúc nào mới tới phiên? A Di Đà Phật thọ mạng vô lượng vô biên, Quán Âm Bồ Tát thành Phật thọ mạng cũng là vô lượng vô biên, tuyệt đối chẳng kém A Di Đà Phật. Thọ mạng dài như vậy mà nói “đến cõi kia bèn chứng đắc Hậu Bổ Phật”, cũng chẳng biết tới ngày nào mới được bổ nhiệm?

Vấn đề hoài nghi thứ hai là “Bồ Tát địa tận”, đây là địa vị tột đỉnh trong hàng Bồ Tát. Địa vị tột đỉnh là địa vị Hậu Bổ Phật, chúng ta gọi địa vị ấy là Đẳng Giác Bồ Tát, giống như mặt trăng giữa các ngôi sao. Đây là tỷ dụ, ví Phật như thái dương, ví Hậu Bổ Phật như vầng trăng. Địa cầu của chúng ta chỉ có một vầng trăng, chẳng phải là rất nhiều. Đương nhiên cách nói này là nói theo phía chúng sanh trên địa cầu. Đức Phật thuyết pháp ở nơi này, nhất định ứng với căn cơ của chúng sanh nơi đây, không thể nói theo thế giới khác hoặc tinh cầu khác. Chúng ta biết tinh cầu khác có đến mười mấy mặt trăng, chẳng phải là không có, nhưng địa cầu chỉ có một vầng trăng, chỉ có một vệ tinh. Vì sao Tây Phương Cực Lạc thế giới có nhiều Hậu Bổ Phật ngần ấy? Giống như có nhiều vầng trăng dường ấy! Đó là hai vấn đề, chúng ta xem lời giải đáp như dưới đây.


(Sớ) Đáp: Bổ Xứ bất tất định bổ Di Đà chi xứ. Thập phương thế giới vô tận, chư Phật Niết Bàn vô tận, Bổ Xứ Bồ Tát diệc vô tận, trụ bỉ quốc trung, nhi đãi Bổ Xứ, hề vi bất khả!

(疏)答:補處不必定補彌陀之處,十方世界無盡,諸佛涅槃無盡,補處菩薩亦無盡,住彼國中,而待補處,奚為不可。

(Sớ: Đáp: Bổ Xứ không nhất định phải bổ làm Phật nơi chỗ Phật Di Đà. Mười phương thế giới vô tận, chư Phật nhập Niết Bàn vô tận, Bổ Xứ Bồ Tát cũng vô tận, họ ở trong cõi ấy để đợi Bổ Xứ, có gì là không thể được?)


Trong hết thảy các cõi Phật, chỉ riêng thế giới Tây Phương là rốt ráo viên mãn. Do vậy có thể biết, từ đoạn kinh văn này, chúng ta có thể suy tưởng: Hậu Bổ Phật trong mười phương thế giới ở chỗ nào? Thảy đều đến Tây Phương Cực Lạc thế giới; do vậy, Tây Phương Cực Lạc thế giới có Hậu Bổ Phật đông đảo! Đông đến mức độ nào? Kinh nói là chẳng có cách nào tính toán, vô lượng vô biên! Những vị Đẳng Giác Bồ Tát ấy vốn còn nhiều hơn số người vãng sanh. Đó gọi là “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ” (các vị thượng thiện nhân ở chung một chỗ), chúng ta đã được chứng minh. Câu này có nghĩa là: Hậu Bổ Phật trong mười phương vô lượng vô biên các cõi Phật đều tụ hội trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tây Phương Cực Lạc là câu lạc bộ của các vị Hậu Bổ Phật trong mười phương cõi nước, các Ngài đều đến đó. Đương nhiên là thế giới ấy thập phần viên mãn, hiếm có, khó gặp! Do vậy, những vị Bổ Xứ Bồ Tát hoàn toàn chẳng phải là ở nơi đó để chờ được bổ nhiệm vào ngôi vị Phật của A Di Đà Phật, chẳng phải vậy! Mười phương thế giới, nơi nào có Phật nhập Niết Bàn, vị Bổ Xứ Bồ Tát nào có duyên với thế giới ấy, đáng nên dùng thân Phật để độ, bèn đến đó thị hiện tám tướng thành đạo, thị hiện thành Phật độ chúng sanh. Chuyện là như thế đó. Vì thế, đối với chuyện Phật, Bồ Tát ứng thế, kinh Hoa Nghiêm đã nói rất thấu triệt: “Do chúng sanh cơ cảm”, [nghĩa là] chúng sanh có cảm, những vị Bổ Xứ Bồ Tát bèn có ứng. Vì lẽ đó, khi chúng ta tu hành nơi nhân địa, phải kết pháp duyên rộng rãi với chúng sanh. Vì sao? Chẳng có duyên với chúng sanh thì trong tương lai quý vị thành Hậu Bổ Phật, đạt đến Đẳng Giác Bồ Tát, mười phương chúng sanh đều chẳng có cảm, quý vị cũng vĩnh viễn chẳng làm Phật. Vì sao? Chẳng ai cầu quý vị. Có thể thấy là kết pháp duyên rất trọng yếu. Vấn đề thứ nhất đã được giải quyết! Lại xem phần giải đáp cho vấn đề thứ hai.

/ 289