A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 205
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm lẻ tám:
(Sao) Hựu Di Lặc Vấn Kinh vân: “Tự phần kiên cố danh bất thoái, thắng tấn bất hoại danh bất chuyển”. Kim dĩ “Đại Thừa, dĩ đắc, vị đắc” tam nghĩa tham chi, tắc tiền nhị đồng hồ tự phần, hậu nhất đồng hồ thắng tấn dã.
(鈔)又彌勒問經云:自分堅固名不退,勝進不壞名不轉。今以大乘已得未得三義參之,則前二同乎自分,後一同乎勝進也。
(Sao: Lại nữa, kinh Di Lặc Sở Vấn có nói: “Tự phần kiên cố thì gọi là bất thoái, thắng tấn bất hoại gọi là bất chuyển”. Nay dùng [đoạn kinh văn trên đây] để xét ba nghĩa “Đại Thừa, đã đắc, chưa đắc” thì hai nghĩa trước giống như tự phần, một nghĩa sau giống như thắng tấn).
Phối hợp với ý nghĩa bất thoái và bất chuyển trong kinh Di Lặc Sở Vấn[1], Đại Thừa bất thoái và “đã đắc bất thoái” trong phần trước tương đương với kiên cố bất thoái trong kinh Di Lặc Sở Vấn, “chưa đắc bất thoái” tương đương với thắng tấn bất thoái.
(Sớ) Hựu đồng danh bất thoái, nhi hữu thiển thâm, như Khởi Tín, Diệu Tông, cập Từ Chiếu sở thuyết đẳng.
(疏)又同名不退,而有淺深,如起信、妙宗及慈照所說等。
(Sớ: Lại nữa, tuy cùng gọi là bất thoái, nhưng mức độ có cạn hay sâu như các thuyết được nói trong Khởi Tín Luận, Diệu Tông Sao và thuyết của pháp sư Từ Chiếu).
Tuy nói là bất thoái chuyển, nhưng quả thật là có cạn hay sâu sai khác. Ở đây, nêu ra mấy thí dụ, như [những nghĩa bất thoái] được nói trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Diệu Tông Sao và thuyết của pháp sư Từ Chiếu.
(Sao) Khởi Tín Luận vân: “Sanh bỉ quốc giả, thường kiến Phật cố, chung đắc bất thoái”.
(鈔)起信論云:生彼國者,常見佛故,終得不退。
(Sao: Khởi Tín Luận nói: “Người sanh trong cõi ấy, do thường thấy Phật nên trọn được bất thoái”).
Ba câu này là nguyên văn trong Khởi Tín Luận. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, do chẳng lìa A Di Đà Phật, A Di Đà Phật thường ở cạnh chúng ta. Có Phật chiếu cố thì đương nhiên chẳng bị thoái chuyển.
(Sao) Sớ minh bất thoái hữu tam vị.
(鈔)疏明不退有三位。
(Sao: Sớ giải [Khởi Tín Luận] nói bất thoái có ba địa vị).
“Sớ” (疏) là chú giải, trong phần chú giải của Khởi Tín Luận có nói [điều này].
(Sao) Nhất giả tín hạnh vị bị, vị đắc bất thoái, dĩ vô thoái duyên, danh bất thoái.
(鈔)一者信行未備,未得不退,以無退緣,名不退。
(Sao: Một là tín và hạnh chưa đầy đủ, chưa đạt được bất thoái, do chẳng có duyên thoái chuyển, nên gọi là bất thoái).
Nói tới thứ tự sâu cạn khác nhau. Như bọn lục đạo phàm phu chúng ta cầu vãng sanh, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, xác thực là tín, hạnh chưa đầy đủ. Tín và hạnh chưa đầy đủ, cớ sao có thể vãng sanh? Vãng sanh nhất định phải trọn đủ ba điều kiện Tín, Nguyện, Hạnh thì mới có thể vãng sanh. Dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, ắt cũng cần phải trọn đủ các điều kiện ấy. Tuy có Tín, Nguyện, Hạnh, nhưng chưa hoàn toàn đạt đến một mức độ kiên cố nhất định, nên gọi là “vị bị” (未備: chưa đầy đủ). Vì sao chưa đạt tới? Vì đối với hai công phu đoạn Hoặc và chứng Chân (chứng Chân là kiến tánh), chúng ta đều chưa thể đạt tới tiêu chuẩn. Ví như trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, kẻ có trình độ giống như chúng ta vãng sanh, một phẩm phiền não cũng chẳng đoạn, một phần bản tánh cũng chẳng chứng đắc, nên gọi là “tín và hạnh chưa đầy đủ”. Nếu trong thế gian này, hiện thời ba món tư lương Tín, Nguyện, Hạnh đầy đủ, vãng sanh sẽ chẳng thành vấn đề, nhưng sau hai ba năm liền ngã lòng. Có thể thấy là tín tâm của chúng ta có thật sự thanh tịnh kiên cố hay không, chính mình cũng không dám bảo đảm! Bao nhiêu người niệm Phật đến lúc lâm chung bèn thoái chuyển, chẳng muốn về Tây Phương Cực Lạc thế giới, chúng tôi thấy [các trường hợp như vậy] rất ư là nhiều. Vì vậy, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, do công phu chẳng đạt tới một trình độ nhất định, vẫn có thể bị thoái chuyển, nhưng vì Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có duyên gây thoái chuyển, nên quý vị chẳng có chỗ nào lui sụt, sẽ chẳng bị ngã lòng. Đấy là sự thù thắng nơi hoàn cảnh bên cõi ấy. “Duyên” (緣) là nói tới hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất, đều có thể giúp quý vị tu trì tinh tấn, chẳng bị thoái chuyển. Đây là nói theo phương diện nông cạn.