/ 289
447

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 204

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm lẻ sáu:

 

  (Sớ) Thừa thượng bất độc kiến tại bỉ quốc, vô phi hiền thánh, đản hữu sanh giả, tất giai bất thoái dã.

  (疏) 承上不獨見在彼國,無非賢聖,但有生者,悉皆

不退也。 

(Sớ: Tiếp nối ý trong phần trên: Kkông chỉ những người đang ở trong nước ấy, không ai chẳng phải là hiền thánh, mà chỉ cần sanh về cõi ấy, thảy đều là bậc Bất Thoái).

 

  Lần trước đã giảng đến chỗ này, nay chúng ta xem tiếp.

 

  (Sớ) Chúng sanh giả, thống nhiếp nhất thiết.

  (疏)眾生者,統攝一切。

  (Sớ: Nói “chúng sanh” là gồm chung hết thảy).

 

  Giải thích câu “chúng sanh sanh giả” trong kinh văn. “Nhất thiết” (Hết thảy) là trên từ Đẳng Giác Bồ Tát, dưới tới chúng sanh trong ác đạo đều được bao gồm. Ý nghĩa gốc của chữ Chúng Sanh là “các duyên hòa hợp mà sanh”, bèn gọi là Chúng Sanh. Do vậy có thể biết, chúng sanh có phạm vi hết sức rộng lớn. Không riêng gì hết thảy động vật hữu tình là do các duyên hòa hợp mà sanh. Chúng ta chẳng thể nói tỉ mỉ, bèn nói đại lược thì hữu tình chúng sanh giống như con người là do Tứ Đại và Ngũ Uẩn hòa hợp sanh ra. Thực vật và khoáng vật cũng do các duyên hòa hợp sanh ra. Có thể nói: Hết thảy các pháp hữu vi đều do các duyên hòa hợp. Vì lẽ đó, hai chữ Chúng Sanh có phạm vi hết sức rộng lớn, nhưng ở đây, [chữ Chúng Sanh] chuyên chỉ hữu tình chúng sanh, tức là chúng sanh có tình thức, cũng là động vật như chúng ta nói trong hiện thời; nhưng “động vật” ở đây bao hàm [ý nghĩa] còn rộng hơn từ ngữ “động vật” thông thường. Vì động vật như chúng ta đã nói chỉ giới hạn trong địa cầu, chúng sanh được nói ở đây bao gồm chư thiên, A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát. Trong hàng Bồ Tát, từ sơ phát tâm cho đến Đẳng Giác đều là chúng sanh. Thành Phật bèn chẳng gọi là chúng sanh, chưa thành Phật thì đều gọi là chúng sanh. Dưới thì cho đến súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục đều là chúng sanh. Vì thế, “chúng sanh sanh giả” được nói ở đây là chỉ chung hữu tình chúng sanh trong chín pháp giới.

  Hữu tình chúng sanh trong chín pháp giới không chỉ là thế giới Sa Bà, mà là chúng sanh thuộc chín pháp giới trong mười phương ba đời vô lượng vô biên các cõi Phật, một câu này đã bao gồm toàn bộ. Vì thế, câu này có phạm vi rất lớn. Thông thường, khu vực giáo hóa của một đức Phật là một đại thiên thế giới, chỉ riêng khu vực giáo hóa của A Di Đà Phật là hết thảy các cõi Phật tận hư không khắp pháp giới đều thuộc vào phạm vi giáo hóa của đức Di Đà, chẳng thể nghĩ bàn! Hữu tình chúng sanh trong chín pháp giới sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là A Bệ Bạt Trí, điều này chẳng thể nghĩ bàn. Trong chín pháp giới, Bồ Tát và A La Hán bất bình đẳng, A La Hán và chư thiên bất bình đẳng, chư thiên và nhân loại cũng chẳng bình đẳng, nhân loại và ba ác đạo cũng chẳng bình đẳng; đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, thảy đều bình đẳng, đều là A Bệ Bạt Trí. Vì vậy, thế giới ấy là một thế giới bình đẳng. A Bệ Bạt Trí là bất thoái chuyển.

 

  (Sớ) A Bệ Bạt Trí giả, thử vân Bất Thoái Chuyển Địa, như Đại Bổn cập luận sở minh.

(疏)阿鞞跋致者,此云不退轉地,如大本及論所明。

(Sớ: A Bệ Bạt Trí: Cõi này dịch là Bất Thoái Chuyển Địa (địa vị chẳng lui sụt) như kinh Đại Bổn và Vãng Sanh Luận đã nói rõ).

 

  Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ, vì kinh Di Đà nói đơn giản, kinh Vô Lượng Thọ nói tỉ mỉ. “Luận” là Vãng Sanh Luận. Vãng Sanh Luận của Thiên Thân Bồ Tát cũng nói rất minh bạch.

 

  (Sớ) Phục hữu đa chủng nhân duyên, cố đắc bất thoái.

  (疏)復有多種因緣,故得不退。

  (Sớ: Lại do có nhiều thứ nhân duyên nên được Bất Thoái).

 

  Nhiều thứ nhân duyên như đức Phật đã giảng trong kinh Vô Lượng Thọ, hoặc Thiên Thân Bồ Tát đã giảng trong Vãng Sanh Luận. Dưới đây, nêu đại lược một thứ.

 

  (Sớ) Như Thập Nghi ngũ chủng, Thông Tán thập thắng, Quần Nghi tam thập ích đẳng.

  (疏)如十疑五種,通讚十勝,群疑三十益等。

  (Sớ: Như năm thứ trong sách Thập Nghi, mười điều thù thắng trong sách Thông Tán, ba mươi lợi ích trong sách Quần Nghi v.v…).

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289