/ 289
382

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 203


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm lẻ năm:


(Sao) Nguyện giả, Đại Bổn Pháp Tạng nguyện vân: “Ngã tác Phật thời, sát trung Bồ Tát, thần thông, trí huệ, biện tài, tướng hảo, oai thần, tất giai như Phật”, kim lai thành Phật, đắc toại sở nguyện dã. Hạnh giả, Đại Bổn ngôn: “Nhĩ thời Pháp Tạng giáo hóa chúng sanh, tu hành Lục Độ, quảng hành giáo hóa, trí vô lượng chúng sanh phát Bồ Đề tâm”, hạnh kim thành tựu, hữu tư trang nghiêm dã.

(鈔)願者,大本法藏願云:我作佛時,剎中菩薩,神通智慧辯才,相好威神,悉皆如佛,今來成佛,得遂所願也。行者,大本言:爾時法藏教化眾生,修行六度,廣行教化,致無量眾生,發菩提心,行今成就,有斯莊嚴也。

(Sao: “Nguyện”: Theo kinh Đại Bổn, ngài Pháp Tạng nguyện rằng: “Khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong cõi nước thần thông, trí huệ, biện tài, tướng hảo, oai thần thảy đều như Phật”, nay đã thành Phật, sở nguyện đã toại. “Hạnh”: Kinh Đại Bổn chép: “Khi ấy, Pháp Tạng giáo hóa chúng sanh, tu hành Lục Độ, giáo hóa rộng rãi khiến cho vô lượng chúng sanh phát Bồ Đề tâm”. Nay hạnh đã thành tựu, nên có sự trang nghiêm như vậy).

Đoạn này nhằm giảng rõ nguyện và hạnh được đề cập trong lời Sớ. Kinh chép: “Thành tựu như thị công đức trang nghiêm” (Thành tựu công đức trang nghiêm như thế), công đức trang nghiêm được thành tựu như thế nào? A Di Đà Phật tu nhân, chứng quả là do đại nguyện và đại hạnh từ vô lượng kiếp đến nay tạo thành. Vì sao phải cầu sanh Tây Phương? Chẳng cầu sanh Tây Phương, chúng ta có thể thành tựu hay không? Nói theo lý luận, chẳng cầu sanh Tây Phương vẫn có thể thành tựu; nhưng nói theo thực tế, đúng là rất khó thành tựu, nhất định phải có hoàn cảnh kha khá làm Tăng Thượng Duyên cho sự tu học. Trong các cõi Phật, chỉ có Tây Phương Cực Lạc thế giới là nơi chốn tu hành lý tưởng nhất; nguyên nhân hết sức nhiều, chúng ta nhất định phải nhận biết rõ rệt điều này! Các vị Pháp Thân đại sĩ trong mười phương thế giới đều cầu sanh Cực Lạc, chúng ta thường thấy chuyện này [được đề cập] trong kinh Đại Thừa. Kinh Hoa Nghiêm cũng chẳng phải là ngoại lệ. Chúng ta thấy trong kinh Hoa Nghiêm, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong thế giới Hoa Tạng đều tuân thủ lời khuyên dạy của Phổ Hiền Bồ Tát mà cầu sanh Tây Phương, chính Phổ Hiền và Văn Thù cũng tự cầu sanh Tây Phương. Chúng ta cũng nên suy nghĩ cho kỹ! Văn Thù và Phổ Hiền là Đẳng Giác Bồ Tát trong Viên Giáo, vì sao vẫn phải cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới? Các vị Đại Bồ Tát còn phải sanh về thế giới Tây Phương là do hai nguyên nhân:

1) Một là đến Tây Phương Cực Lạc thế giới để chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì Đẳng Giác Bồ Tát vẫn còn là Chánh Đẳng Chánh Giác, chưa chứng đắc Vô Thượng. Trừ điều này ra, các Ngài còn cầu mong chi nữa? Đẳng Giác Bồ Tát mong cầu thành Phật.

2) Hai là các vị thượng thiện nhân ở cùng một chỗ, nhân duyên này quá hy hữu! Nay chúng ta tu hành trong thế giới này khó khăn, khó ở chỗ nào? Khó ở chỗ mọi người bất hòa, mỗi người có ý kiến riêng! Vì thế nói “làm việc khó, làm người càng khó hơn”. Xử sự khó khăn, cư xử với người khác càng khó hơn nhiều! Thế giới Tây Phương là nơi các vị thượng thiện nhân đều ở chung một chỗ, chẳng phải là “thiện” bình phàm, mà là “thượng thiện”. “Thượng thiện” là Đẳng Giác Bồ Tát, Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền là những vị như vậy, hằng ngày ở chung một chỗ với các Ngài. Mười phương thế giới chẳng có chuyện này, chỉ riêng thế giới Tây Phương là có!

Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ. [Thời Liên Trì đại sư], kinh Vô Lượng Thọ có sáu bản, trừ năm bản dịch gốc ra, có một bản hội tập do cư sĩ Vương Long Thư biên soạn, đặt tên là Đại A Di Đà Kinh. Sớ Sao của Liên Trì đại sư trích dẫn kinh văn [kinh Vô Lượng Thọ] thì đại đa số trích từ bản hội tập của cư sĩ Long Thư, cũng có chỗ trích dẫn nguyên văn [từ năm bản dịch gốc]. Trong phần lời nguyện, đã nói hết sức rõ ràng: Thế giới Tây Phương là một thế giới bình đẳng. A Di Đà Phật phát nguyện (Pháp Tạng là đức hiệu của A Di Đà Phật khi Ngài còn là Bồ Tát): “Ngã tác Phật thời, sát trung Bồ Tát” (Khi tôi làm Phật, các Bồ Tát trong cõi nước), Tây Phương Cực Lạc thế giới toàn là Bồ Tát. Chúng ta từ cõi này niệm Phật, hạ phẩm hạ sanh tới đó cũng là Bồ Tát. Trong thế giới này có mười pháp giới, Tây Phương Cực Lạc thế giới chỉ có một pháp giới là Bồ Tát pháp giới. Do đó, [nhân dân trong cõi Cực Lạc] đều là Bồ Tát. “Thần thông, trí huệ, biện tài, tướng hảo, oai thần” chẳng khác A Di Đà Phật. Điều này chẳng thể nghĩ bàn, là pháp khó tin. Chúng ta một thân đầy nghiệp chướng, đới nghiệp vãng sanh, sanh sang Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn nghiễm nhiên giống như Phật. Không chỉ là giống như Phật, mà thần thông, trí huệ, biện tài, oai thần cũng giống như Phật. Quý vị nói xem người nào có thể tin tưởng được [điều này]? Do đó, pháp môn này được gọi là “pháp khó tin”, nhưng chắc chắn đức Phật chẳng nói dối. Trong kinh Kim Cang, đức Phật đã nói rất hay: “Như Lai là bậc Chân Ngữ”, Chân là chẳng giả; “là bậc Thật Ngữ”, Thật (實) là chẳng hư dối, “là bậc Như Ngữ”, Như Ngữ (如語) là vừa đúng, chẳng tăng, chẳng giảm, hoàn toàn là sự thật; “là bậc chẳng Vọng Ngữ, là bậc Bất Cuống Ngữ”, Bất Cuống (不誑) là chẳng khoe khoang quá lố. Chẳng vọng ngữ thì trọn chẳng lừa gạt kẻ khác. Lời này do chính A Di Đà Phật tự nói, Thích Ca Mâu Phật nhắc lại. Thích Ca Mâu Ni Phật kể lại, khác nào A Di Đà Phật đích thân tự bảo chúng ta. Nay Ngài đã thành Phật ở Tây Phương, lại còn đã thành Phật mười kiếp; do đó, mỗi nguyện trong bốn mươi tám nguyện đều được thực hiện. Chúng ta mong cầu sanh về Tây Phương thì điều quan trọng nhất là tâm chúng ta phải giống như A Di Đà Phật, nguyện của chúng ta cũng phải giống như A Di Đà Phật, giải hạnh cũng phải giống như A Di Đà Phật thì sẽ quyết định vãng sanh.

/ 289