387

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 201

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm lẻ bốn:

 

  (Sớ) Như Hoa Nghiêm vân: “Như Lai sở đô, chư thanh tịnh chúng, ư trung chỉ trụ”, chánh đồng thử nghĩa.

(疏)如華嚴云:如來所都,諸清淨眾,於中止住,正同此義。

(Sớ: Như kinh Hoa Nghiêm nói: “Chỗ trụ của Như Lai, các vị thanh tịnh trụ ở trong đó” chính là có cùng một ý nghĩa này).

 

  Liên Trì đại sư lại trích dẫn kinh văn từ kinh Hoa Nghiêm để chứng minh. Trong các phần trước, tôi đã thưa trình cùng quý vị ý nghĩa của việc trích dẫn kinh Hoa Nghiêm. Thuở Liên Trì đại sư tại thế, Tịnh Độ Tông hết sức suy vi, phong khí Thiền Tông trong Phật môn vô cùng hưng thịnh. Tuy rất hưng thịnh, nói thật ra, rất ít người thành tựu! Học Thiền mà học chẳng đúng pháp, rất dễ đọa vào cuồng huệ, bèn kiêu căng, ngã mạn, đặc biệt khinh rẻ Tịnh Độ, coi thường pháp môn Tịnh Độ. Liên Trì đại sư cũng từng học Thiền, và cũng từng học Giáo, môn gì Ngài cũng đều thông, đến cuối cùng, Ngài phát hiện Tịnh Độ Tông xác thực là vô cùng thù thắng, nhưng muốn hoằng dương Tịnh Tông thì phải bài trừ thành kiến của nhiều kẻ như vậy, nói thật ra là chuyện khá khó khăn. Vì thế, giảng kinh A Di Đà, chú giải kinh A Di Đà, Ngài bèn tận hết sức vận dụng kinh văn trong kinh Hoa Nghiêm để giải thích. Bởi lẽ, đối với kinh Hoa Nghiêm, bất luận là Tông Môn hay Giáo Hạ, mọi người đều hết sức tôn sùng kính trọng kinh ấy là “căn bản pháp luân” của Như Lai.

  Dùng kinh Hoa Nghiêm để giải thích kinh A Di Đà, chính là đề cao thân phận của kinh A Di Đà. Đấy là một phen khổ tâm của lão nhân gia. Có miễn cưỡng hay không? Ở đây, chúng ta thấy đích xác là chẳng miễn cưỡng, xác thực là giáo nghĩa Tịnh Tông và Hoa Nghiêm tương đồng. Do đó, cổ nhân gọi kinh Vô Lượng Thọ là Trung Bổn Hoa Nghiêm, gọi kinh A Di Đà là Tiểu Bổn Hoa Nghiêm là có đạo lý. Ta thấy trong Sớ Sao của Liên Trì đại sư, kinh Hoa Nghiêm được trích dẫn với một số lượng lớn, ta cảm thấy cổ nhân nói lời ấy là hữu lý, xác thực là có căn cứ.

  Đối với đoạn kinh văn của kinh Hoa Nghiêm này, chúng tôi có ghi

chú bằng chữ cỡ nhỏ bên dưới: “Thập Hồi Hướng phẩm, Vô Tận Công Đức Tạng, cập Thiện Căn Hồi Hướng sơ phần pháp môn” (Phẩm Thập Hồi Hướng, phần đầu của pháp môn Vô Tận Công Đức Tạng và Thiện Căn Hồi Hướng), Liên Trì đại sư trích dẫn đoạn này. Lời Sao đã chép bổ sung nguyên văn.

 

  (Sao) Hoa Nghiêm nhị thập ngũ kinh vân.

  (鈔)華嚴二十五經云。

  (Sao: Kinh Hoa Nghiêm, quyển thứ hai mươi lăm nói).

 

  Kinh Hoa Nghiêm gồm tám mươi quyển, phần này trích từ quyển thứ hai mươi lăm.

 

  (Sao) Nhất thiết chư Phật quốc độ trang nghiêm, Như Lai sở đô, bất khả tư nghị, đồng hạnh túc duyên chư thanh tịnh chúng, ư trung chỉ trụ, vị lai thế trung, đương thành Chánh Giác.

  (鈔)一切諸佛國土莊嚴,如來所都,不可思議,同行宿緣諸清淨眾,於中止住,未來世中,當成正覺。

(Sao: Các cõi nước trang nghiêm của hết thảy chư Phật là chỗ trụ của Như Lai, chẳng thể nghĩ bàn, chúng thanh tịnh cùng hạnh, hữu duyên trong đời trước bèn trụ nơi đó, trong đời vị lai sẽ thành Chánh Giác).

 

  Cho đến chỗ này [là nguyên văn trích dẫn] từ kinh Hoa Nghiêm. Trong chín câu kinh văn này, có ba món viên mãn.

 

  (Diễn) Nhất thiết chư Phật quốc độ trang nghiêm, chỉ sở y công đức, y báo viên mãn dã.

  (演)一切諸佛國土莊嚴,指所依功德,依報圓滿也。

  (Diễn: “Các cõi nước trang nghiêm của hết thảy chư Phật” là nói do nương tựa vào công đức mà y báo được viên mãn).

 

  “Sở y công đức” là nhân, “y báo viên mãn” là quả. Công đức của ai? Từ Đại Kinh, chúng ta đọc thấy A Di Đà Phật trong khi tu nhân đã tu hành năm kiếp, thành tựu vô lượng công đức, công đức ấy do chính A Di Đà Phật tự tu. Trừ chính mình ra, mười phương thế giới chư Phật, Bồ Tát xưng dương, tán thán, đó là công đức do chư Phật, Bồ Tát đã tu. Những chúng sanh tiếp nhận sự giáo huấn của Phật, Bồ Tát, ai nấy niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Cầu sanh Tịnh Độ thì tâm địa phải thanh tịnh, tâm tịnh thì cõi nước tịnh. Đó là công đức được thành tựu bởi người vãng sanh. Có thể thấy nhân duyên của người trong cõi ấy cũng là vô lượng vô biên, chẳng phải là [một nhân duyên] đơn thuần. A Di Đà Phật là chánh nhân, chư Phật, Bồ Tát và hết thảy đại chúng vãng sanh là trợ nhân. Do nhân duyên như vậy mà thành tựu y báo trang nghiêm trong thế giới Cực Lạc chẳng thể nghĩ bàn, tức là “quốc độ trang nghiêm”. “Trang nghiêm” là tốt đẹp, đẹp đẽ tột bậc! Đối với chúng sanh trong mười phương thế giới, kinh thường nói là “chúng hữu tình trong chín pháp giới” cũng chẳng thể nghĩ bàn. Đó là nói tới vẻ đẹp nơi hình tướng của Tây Phương Cực Lạc thế giới.

Nguồn: www.niemphat.net