A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 200
Chư vị đồng tu, chúng ta mở xem trang giấy in lại [chương kinh có tựa đề] là Bồ Tát Công Đức Phần Đệ Tam Thập Tứ trong bản hội tập kinh Đại Bổn của ông Vương Long Thư. Liên Trì đại sư trích dẫn hai mươi ba tỷ dụ trong chương kinh này; lần trước, chúng tôi đã giảng tám tỷ dụ, hôm nay bắt đầu từ tỷ dụ thứ chín:
Như lôi âm chấn hưởng xuất pháp âm cố.
如雷音震響出法音故。
(Thốt ra pháp âm như tiếng sấm vang rền).
Tiếng sấm nghe vang xa, tỷ dụ âm thanh thuyết pháp của đức Phật như sấm dội vào tai, mang ý nghĩa này. Sấm có thể khiến cho vạn vật kinh động, cũng nhằm tỷ dụ âm thanh thuyết pháp của đức Phật có thể chấn động những kẻ đang hôn mê, thường nói là “phá mê, khai ngộ”, có thể kinh động, đánh thức hết thảy chúng sanh trong đêm dài vô minh. Tỷ dụ thứ mười là...
Như vân ái đãi, giáng pháp vũ cố.
如雲靉靆降法雨故。
(Như mây đen dầy, tuôn xuống mưa pháp).
Tỷ dụ đức Phật thuyết pháp như tuôn mưa móc, nhuần thấm hết thảy chúng sanh. Đổ mưa thì chúng ta biết nhất định là có mây rất dầy, chứa rất nhiều hơi nước thì mới có thể tuôn mưa lai láng. Đức Phật dùng chuyện này để tỷ dụ việc thuyết pháp.
Như phong động thụ, trưởng Bồ Đề nha cố.
如風動樹長菩提芽故。
(Như gió lay cây, tăng trưởng mầm Bồ Đề).
Đối với gió, chúng ta thường nói tới gió Xuân. Đến mùa Xuân, tất cả thực vật đều nẩy mầm, có ý nghĩa này. “Như phong động thụ”, “phong” là nói tới Xuân phong hoặc gió nhẹ thổi hây hẩy. Khi ấy, vạn vật bắt đầu sanh trưởng, tỷ dụ đức Phật thuyết pháp giống như gió nhẹ thổi hây hẩy, đó gọi là “như mộc xuân phong” (如沐春風: như được tưới gội bởi gió Xuân). Trước kia, để ca ngợi thầy, [bèn nói] học trò dưới tòa của thầy “như mộc xuân phong”, tăng trưởng trí huệ, có ý nghĩa này.
Như ngưu vương thanh dị chúng ngưu cố.
如牛王聲異眾牛故。
(Như tiếng trâu chúa, chẳng giống tiếng của các con trâu khác).
Hiện thời, tạp âm quá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình cảm trong cuộc sống của con người. Trước kia, hoàn cảnh rất yên tĩnh, vì sao? Những thứ máy móc chưa được phát minh. Tạp âm lớn nhất là tiếng trâu kêu, vì trong gia đình luôn nuôi các loài gia súc. Trong các loài gia súc, tiếng trâu kêu to nhất. Xưa kia, người xuất gia tu hành trụ tại A Lan Nhã (Araṇya). A Lan Nhã là tiếng Ấn Độ, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Tịch Tĩnh Chi Xứ Sở (nơi chốn vắng lặng). A là Vô, Lan Nhã là âm thanh. Nơi ấy rất an tĩnh, chẳng nghe âm thanh ồn ào. Lấy gì làm tiêu chuẩn? Chẳng nghe thấy tiếng trâu kêu bên ngoài, nơi ấy rất an tĩnh. Hiện thời, tiếng xe cộ còn nghiêm trọng hơn tiếng trâu kêu rất nhiều, hiện nay tìm một hoàn cảnh an tĩnh chẳng dễ dàng. Đây là tỷ dụ âm thanh lớn nhất, “dị chúng ngưu cố” (chẳng giống các con trâu khác), vua của loài trâu mà!
Như long tượng oai nan khả trắc cố.
如龍象威難可測故。
(Như long tượng oai thế khó thể suy lường).
“Long tượng” có oai đức. Chúng ta chưa thấy rồng, nhưng đã thấy voi. Quý vị thấy voi dáng dấp rất an tường, giống như nó luôn ở trong Định, tỏ lộ oai đức của nó. Trong kinh, đức Phật thường dùng điều này để tỷ dụ Thiền Định, như câu nói: “Na Già thường nhập Định, không lúc nào chẳng định”. Thiền Định thật sự là đi, đứng, nằm, ngồi đều ở trong Định. Na Già là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là “long tượng”. Chúng ta nhất định phải giống như voi, không lúc nào, không chỗ nào, đi, đứng, nằm, ngồi mà chẳng an tường, chẳng an định, có ý nghĩa này. “Nan khả trắc cố” (Khó thể suy lường): Như Lai và các vị đại Bồ Tát nhập Thiền Định rất sâu, xác thực là chúng ta chẳng thể tưởng tượng được!
Như lương mã hành thừa vô thất cố.
如良馬行乘無失故。
(Như ngựa giỏi kéo xe chẳng sai sót).
Thời cổ, phương tiện giao thông tốt nhất là xe ngựa. Ngựa giỏi kéo xe có thể khiến cho quý vị đến mục tiêu bình yên, an ổn. Vì thế, coi chuyện đức Phật thuyết pháp hướng dẫn hết thảy chúng sanh hướng đến đại đạo Vô Thượng Bồ Đề giống như ngựa giỏi. So với các pháp môn khác, pháp môn Tịnh Tông thù thắng nhất. Nương theo môn này tu học thì mới có thể viên mãn Bồ Đề trong một đời.