/ 289
882

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 195

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm chín mươi sáu:

 

  (Sớ) Nhược khảo A Di Đà Phật, thành Phật dĩ tiền nhân địa, bất

đản Pháp Tạng nhất nhân, hữu đa chủng nhân, như chư kinh trung thuyết.

  (疏)若考阿彌陀佛,成佛以前因地,不但法藏一因,有多種因,如諸經中說。

(Sớ: Nếu khảo sát về nhân địa của A Di Đà Phật trước khi Ngài thành Phật thì không chỉ là một thời kỳ tu nhân của tỳ-kheo Pháp Tạng, mà còn có nhiều nhân như trong các kinh đã nói).

 

  Đoạn này nói rõ về những sự tích (dấu tích ứng hiện nơi mặt Sự) của A Di Đà Phật trước khi Ngài thành Phật, còn đang tu nhân. Thông thường, chúng ta giới thiệu [nhân địa của A Di Đà Phật] chỉ dựa theo kinh Vô Lượng Thọ. Thật ra, trong nhiều kinh điển Đại Thừa, đức Phật đã từng nói đến chuyện tu nhân chứng quả của A Di Đà Phật. Nếu chúng ta gộp chung các kinh luận ấy để xem, sẽ biết: Lần này, A Di Đà Phật thị hiện thành Phật trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng phải là lần đầu tiên thành Phật, mà là thị hiện thành Phật giống như Thích Ca Mâu Ni Phật đã thị hiện trong thế gian này. Chúng ta đọc kinh điển Đại Thừa, như kinh Phạm Võng có nói: “Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật trong thế giới Sa Bà lần này là lần thứ tám ngàn”. Vì thế, chẳng phải là Ngài ba mươi tuổi thành đạo dưới cội Bồ Đề, trong đêm thấy sao Mai bèn hoảng nhiên đại ngộ. Đó là diễn tuồng cho chúng ta xem, diễn tuồng giống như vậy lần này là lần thứ tám ngàn, chẳng phải là Ngài thành Phật trong một đời này, mà là đã thành Phật nhiều đời nhiều kiếp. Do vậy có thể biết, A Di Đà Phật thị hiện trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng khác đức Bổn Sư cho mấy. Thật ra, Ngài cũng đã sớm thành Phật từ kiếp lâu xa!

 

(Sao) Pháp Tạng nhân giả.

(鈔)法藏因者。

  (Sao: Cái nhân của ngài Pháp Tạng).

 

  Kinh Vô Lượng Thọ nói nhân địa của A Di Đà Phật là tỳ-kheo Pháp Tạng, chúng ta vẫn dùng danh xưng này.

 

  (Sao) Đại Bổn vân: Định Quang Phật tiền ngũ thập tam Phật, danh Thế Tự Tại Vương, Pháp Tạng thời vi quốc vương, xả vị xuất gia, phát tứ thập bát nguyện, kim A Di Đà Phật thị Pháp Tạng sở thành chi Phật dã.

  (鈔)大本云:定光佛前五十三佛,名世自在王,法藏時為國王,捨位出家,發四十八願,今阿彌陀佛,是法藏所成之佛也。

(Sao: Kinh Đại Bổn chép: Trước Định Quang Phật năm mươi ba vị Phật, có một vị tên là Thế Tự Tại Vương. Khi ấy, ngài Pháp Tạng làm quốc vương, bỏ ngôi, xuất gia, phát ra bốn mươi tám nguyện, A Di Đà Phật hiện nay chính là vị Phật do Pháp Tạng tu thành).

 

  Đây là nói Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật trong hiện tại chính là do tỳ-kheo Pháp Tạng tu thành. Sự tu thành này giống như Thái Tử Tất Đạt Đa tu thành Thích Ca Mâu Ni Phật, chư vị phải hiểu sự thật này. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta đều đã đọc thấy những chuyện này, rất quen thuộc! Chuyện này đáng để nhắc tới, cũng là nhắc nhở bản thân chúng ta, đánh thức chính mình. Đối với các pháp thế gian như tiếng tăm, lợi dưỡng, người thế gian tham luyến, chẳng nỡ buông xuống, tỳ-kheo Pháp Tạng đã nêu gương, Ngài thảy đều buông xuống. Nếu chẳng thể buông xuống, nói thật ra, sẽ là lục đạo luân hồi! Đã luân hồi trong lục đạo thì quan hệ với hết thảy chúng sanh trong thế gian sẽ là quan hệ ân oán. Nói thật ra, kết ân huệ với chúng sanh cực ít, kết cừu oán với chúng sanh chiếm đại đa số, bản thân chúng ta khéo phản tỉnh đôi chút sẽ biết ngay. Kết thù oán nhiều ngần ấy, càng kết càng sâu, mai sau giải quyết bằng cách nào? Vì thế, người thật sự có trí huệ nêu gương cho chúng ta thấy, mong chúng ta thảy đều buông xuống.

  Người thế gian tranh danh trục lợi! Thuở ấy, ngài Pháp Tạng mang thân phận là quốc vương. Nói theo phương diện danh vọng, lợi dưỡng, Ngài phú quý tột bậc, thường nói là “quý vi thiên tử, phú hữu tứ hải” (thiên tử sang quý, giàu có khắp bốn biển), ngũ dục, lục trần trong thế gian này Ngài đều đạt được. Vì sao lại bỏ sạch để đi xuất gia? Đạt được danh lợi thế gian là một đời này, quý vị có thể hưởng thụ trong một thời gian hết sức ngắn ngủi, tạm bợ! Trong khi hưởng thụ, sẽ tạo vô lượng tội nghiệp; trong tương lai, nhất định sẽ phải đền trả những việc đã làm, tuyệt đối chẳng có chuyện may mắn [tránh né, khỏi phải trả nợ]. Sát nghiệp càng nặng, giết chết chúng sanh, đó là thiếu nợ mạng. Thiếu mạng thì phải đền mạng, thiếu nợ thì phải đền tiền, chẳng có kẻ nào may mắn thoát khỏi! Nếu chúng ta thật sự nhìn vào nhân trước, quả sau, sẽ chẳng dám dấy khởi một vọng niệm, chẳng dám khởi một ác niệm, chẳng dám làm chuyện xấu, nhân quả thông suốt ba đời mà! Kẻ mê hoặc điên đảo chỉ nhìn chuyện trước mắt, chẳng biết quả báo tương lai đáng sợ. Ngài (Pháp Tạng) thấy nhân quả mai sau, quốc vương cũng chẳng muốn làm, biết pháp thế gian chẳng có gì không rỗng tuếch, đúng là “tay trắng đến, tay trắng ra đi”. Đó gọi là “muôn thứ chẳng mang được, chỉ có nghiệp theo thân!” Tạo một thân đầy tội nghiệp, vô cùng đáng sợ! Do đó, người ta làm quốc vương, ngôi vua cũng bỏ phứt, theo Phật xuất gia. Đấy là sự thị hiện của A Di Đà Phật trong giai đoạn này nhằm cảnh tỉnh, răn nhắc chúng ta. Tiếp theo đây, [đại sư] giới thiệu các kinh, dẫn ra tám bộ kinh luận:

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289