/ 289
572

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 194


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm chín mươi lăm:


(Sao) Linh minh đỗng triệt, quang tuyệt nhai sĩ, trạm tịch thường hằng, thọ hà trù toán? Thường hằng nhi phục đỗng triệt, cố tức thọ nhi quang, đỗng triệt nhi diệc thường hằng, cố tức quang nhi thọ. Như thị, tắc A Di Đà Phật, tuy quá thập vạn ức sát chi ngoại, nhi thật ư thử Sa Bà thế giới chúng sanh tâm trung, kết già phu tọa, nghiễm nhiên bất động.

(鈔)靈明洞徹,光絕涯涘,湛寂常恆,壽何籌算,常恆而復洞徹,故即壽而光,洞徹而亦常恆,故即光而壽。如是,則阿彌陀佛,雖過十萬億剎之外,而實於此娑婆世界眾生心中,結跏趺坐,儼然不動。

(Sao: Linh giác sáng suốt, thấu triệt rỗng rang, sáng ngời chẳng có ngằn mé. Trong trẻo, tĩnh lặng, thường hằng, làm sao có thể tính toán thọ lượng cho được? Thường hằng mà lại rỗng rang thấu triệt, nên thọ chính là quang. Rỗng rang thấu triệt mà cũng thường hằng, nên quang chính là thọ. Như vậy thì tuy A Di Đà Phật ở ngoài mười ức cõi, mà thật sự ở trong tâm của chúng sanh, Ngài ngồi kết già, nghiễm nhiên, bất động).


Trong đoạn này, Liên Trì đại sư bổ sung những ý chưa được nói hết trong đoạn trước. Ba câu đầu trong đoạn này nói về tác dụng to lớn của Tánh Đức, cũng chính là “xứng tánh khởi dụng” như kinh điển Đại Thừa thường nói. Trong tu học, điều này được gọi là “xứng tánh khởi tu, toàn tu tức tánh”. Mấy câu ở đây đều nhằm nêu rõ ý nghĩa này. Nay chúng ta mê thì chính là mê mất những điều này, chư Phật, Bồ Tát ngộ chính là ngộ những chuyện này.

Bản tánh cũng là chân tâm, vốn là “linh minh đỗng triệt” (linh giác sáng suốt, thấu triệt rỗng rang), nên nó là Tánh Đức, chẳng phải là Tu Đức. Chính là như Lục Tổ đã nói: “Nào ngờ tự tánh, vốn trọn đủ”. Nó vốn là như vậy. “Linh” (靈) nghĩa là chẳng mê muội, Minh là hiểu rõ. Đức dụng của bản tánh là đối với hết thảy sự vật trong vũ trụ, không gì chẳng hiểu rõ. Không chỉ hiểu rõ, lại còn thấu triệt rỗng rang, chẳng phải chỉ là hiểu rõ nơi hình tướng. Chúng ta thường nói là “hiểu rõ lẽ đương nhiên, nhưng chẳng biết rõ nguyên do”. “Đỗng triệt” (洞徹) là đối với căn nguyên, hiện tượng, biến hóa, quy túc, chẳng có gì không hiểu rõ đến lý tột cùng. Câu này chính là câu khen ngợi “Thượng Đế toàn tri toàn năng” của các tín đồ tôn giáo. Bốn chữ [toàn tri toàn năng] ấy có nghĩa là “không gì chẳng biết, không gì chẳng thể”. Nói thật ra, Thượng Đế trọn chẳng phải là toàn năng, mà cũng chẳng phải là toàn tri. Ông ta cũng là phàm phu, cũng mê hoặc, điên đảo giống như chúng ta. Có thể là có chỗ nào đó ông ta mê nhẹ hơn chúng ta đôi chút, chúng ta mê nặng hơn ông ta. Vì lẽ đó, ông ta tỏ lộ dáng vẻ rất có trí huệ, nhưng hoàn toàn chẳng phải là toàn tri toàn năng. Thật sự có toàn tri toàn năng, đức Phật nói mỗi cá nhân chúng ta đều trọn đủ [toàn tri toàn năng], chẳng có tí ti hiếm hoi, lạ lùng gì, đó là năng lực sẵn có của chính mình. Nay bảo chúng ta là mê, nói thật ra là mê mất bản năng của chính mình; kinh bảo là “kẻ đáng thương xót”, rất đáng thương! Mê mất, chẳng biết chính mình có trí huệ và đức năng viên mãn như vậy. “Quang tuyệt nhai sĩ” (Quang minh chẳng có ngằn mé), “nhai sĩ” (涯涘) là bờ mé. Trí huệ và đức năng chẳng có ngằn mé, đúng là toàn tri toàn năng.

“Trạm tịch thường hằng”: Trong phần trước đã nói là đức dụng của năng lực sẵn có, còn “trạm tịch thường hằng” là nói về thể tánh. Câu này vô cùng quan trọng. Nếu chẳng có câu này, đức năng trong phần trước sẽ chẳng thể hiển lộ. “Trạm” (湛) là giống như nước hết sức thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Dẫu nước sâu đến mấy, từ trên mặt nước có thể nhìn thấy đáy nước, thấy rõ ràng, rành rẽ. Chữ này nhằm hình dung sự sạch sẽ, chẳng bị nhiễm ô. “Tịch” (寂) là tịch tĩnh, chẳng dao động, tỷ dụ chân tâm của chúng ta. Tâm giống như nước; vì thế, tâm chớ nên động, hễ động sẽ chẳng tĩnh. Tâm chớ nên nhiễm ô, hễ nhiễm ô sẽ mất tánh chất “trạm” (trong trẻo). “Trạm” là chẳng nhiễm. “Tịch” là bất động. Bí quyết tu hành ở ngay nơi đây. “Thường hằng” là công phu. Nơi phàm phu, Trạm và Tịch có thể tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng chẳng thể giữ được một thời gian dài. Dẫu là thời gian rất ngắn ngủi, tạm bợ, cũng phải huấn luyện. Chẳng trải qua sự huấn luyện, dẫu trong một thời gian ngắn ngủi nhất, cũng chẳng thể xuất hiện.

Trong chú giải Liễu Phàm Tứ Huấn có nói về chuyện vẽ bùa: Trong sát-na vẽ bùa ấy, trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, tâm người vẽ một niệm chẳng sanh, cũng là có công phu trạm tịch, đạo bùa chú do người ấy vẽ bèn thiêng. Vẽ bùa thì phải vẽ theo cách như vậy. Niệm chú cũng phải niệm theo cách đó. Có người niệm chú rất linh, có người niệm chú chẳng linh, do nguyên nhân gì vậy? Bất luận chú dài hay ngắn, hễ đã niệm chú thì trong tâm chẳng khởi một tạp niệm, dùng cái tâm trạm tịch để niệm bài chú ấy, chú ấy sẽ linh. Vì thế, chú càng dài càng khó linh nghiệm, vì sao? Có thể dấy lên vọng tưởng. Chú càng ngắn càng dễ linh, [vì] trong thời gian rất ngắn có thể giữ cho chính mình chẳng sanh một niệm. Nói thật ra, câu A Di Đà Phật là thần chú vô thượng, là thần chú ngắn nhất. Kinh dạy chúng ta phải nhất tâm xưng niệm, nhất tâm là trạm tịch, trạm tịch là nhất tâm. Trong tâm chẳng có nhiễm ô, chẳng có tạp niệm, chẳng có dao động, đó là nhất tâm. Trong tâm dấy động vọng niệm, khởi lên ý niệm, tâm ấy chẳng phải là chân tâm. Vì thế, một niệm tương ứng một niệm Phật, người ấy có cảm ứng. Chúng ta niệm câu Phật hiệu, trong Phật hiệu xen tạp vọng tưởng, khi niệm Phật vẫn bị ngoại cảnh lay động, đó là chẳng tương ứng. Không tương ứng, dẫu niệm nhiều đến mấy, vẫn chẳng có tác dụng! Giống như Hàn Sơn, Thập Đắc đã nói: “Niệm toạc cổ họng, cũng uổng công!” Tức là mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, rách toạc cổ họng cũng uổng công, nguyên nhân ở chỗ nào? “Chẳng có một niệm” chính là vận dụng công phu trạm tịch. Dùng trạm tịch thì mới có cảm ứng, mới có hiệu quả.

/ 289