/ 289
427

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 196

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm chín mươi tám:

 

  (Diễn) Như thượng sở dẫn chư nhân, hoặc vi quốc vương, vương tử, hoặc vi Luân Vương, hoặc vi tỳ-kheo, hoặc vi pháp sư, hoặc cúng dường Phật, hoặc thuyết pháp lợi nhân, hoặc phát Tứ Hoằng Thệ, hoặc hành Lục Độ, sở vị căn thâm quả mậu, nguyên viễn lưu trường, đạo bất lãng giai, tùy công thiệp vị nhĩ.

(演)如上所引諸因,或為國王王子,或為輪王、或為比丘,或為法師,或供養佛,或說法利人,或發四宏誓,或行六度,所謂根深果茂,源遠流長,道不浪階,隨功涉位耳。

(Diễn: “Các nhân đã dẫn như trên đây”: Hoặc làm quốc vương, vương tử, hoặc làm Luân Vương, hoặc làm tỳ-kheo, hoặc làm pháp sư, hoặc cúng dường Phật, hoặc thuyết pháp lợi người, hoặc phát Tứ Hoằng Thệ, hoặc hành Lục Độ. Đó gọi là “rễ sâu, quả xum xuê, do nguồn xa, dòng chảy sẽ dài”, đạo chẳng vượt cấp, tùy theo công hạnh mà đạt quả vị vậy).

 

  Đoạn này vẫn là giải thích chuyện tu hành nơi nhân địa của A Di Đà Phật đã được nhắc đến trong lời Sao. Trong lời Sao đã dẫn một đoạn kinh văn trong kinh Nhất Hướng Xuất Sanh Bồ Tát; ở đây, nêu ra một tổng kết. Lời tổng kết ấy có ý nghĩa hết sức rộng rãi: A Di Đà Phật không chỉ tu hành nhân địa trong một đời, mà Ngài đã đời đời kiếp kiếp tu hành nhân địa. Bồ Tát ứng thế do thuận theo cơ duyên của chúng sanh, như trong phẩm Phổ Môn đã nói: “Đáng nên dùng thân gì để đắc độ, bèn thị hiện thân phận như thế ấy”. Ở đây đã nêu ra [các thân phận] quốc vương, vương tử, Luân Vương, đều là sự thị hiện của Bồ Tát. Do vậy có thể biết, trong quá trình Ngài thị hiện, đời đời kiếp kiếp đều phát Bồ Đề tâm, phát Tứ Hoằng Thệ Nguyện, tu Lục Độ, vạn hạnh. Kế đó là lời tổng kết: “Căn thâm, quả mậu” (Rễ sâu, quả xum xuê). Những chuyện này chúng ta đều phải làm theo, phải học tập. Người ta đời đời kiếp kiếp tu hành, chẳng phải là thành tựu trong một đời một kiếp, tùy theo công phu mà quả vị tăng tấn, mãi cho đến khi viên mãn thành Phật.

  (Diễn) Kim nhân nhất hạnh bất tu, dục hy thắng quả, kỳ do quyền thạch vị biện, dục lũy thất tằng bảo tháp, kỳ khả đắc hồ?

(演)今人一行不修,欲希勝果,其猶拳石未辦,欲累七層寶塔,其可得乎。

(Diễn: Người đời nay chẳng tu một hạnh nào cả, cứ mong muốn quả thù thắng, ví như một hòn đá bé tí còn chưa lo liệu mà đã toan dựng tháp báu bảy tầng, há có được chăng?)

 

  Nói tới chúng ta trong hiện tại; đây cũng là răn nhắc chúng ta rất sâu! Đương nhiên, trong quá khứ, chúng ta cũng là đời đời kiếp kiếp tu hành cái nhân, nhưng bản thân chúng ta phản tỉnh bèn biết: Đời đời kiếp kiếp tu hành, nay vẫn là phàm phu, vẫn là nghiệp chướng, phiền não trùng trùng, chẳng được giải thoát, tuyệt đối chẳng phải là Bồ Tát thừa nguyện tái lai. Nếu là Bồ Tát thừa nguyện tái lai, tâm địa sẽ thanh lương tự tại, biết quá khứ, hiện tại, vị lai, chúng ta chẳng có năng lực ấy. Chúng ta phải ghi nhớ lời giáo huấn ở chỗ này. Chúng ta tu hằng ngày, nhưng trọn chẳng có gì là tu tập nghiêm túc, tu tập thật thà. Nếu muốn cầu đạt được quả báo thù thắng, sẽ là chuyện khó khăn. Kế đó là một tỷ dụ: “Quyền thạch” (拳石) là hòn đá nhỏ chừng bằng nắm tay. Một hòn đá bé tẹo như vậy mà còn chẳng có, làm sao quý vị có thể dựng tháp báu bảy tầng cho được? Tỷ dụ này ngụ ý: Quả địa Phật, Bồ Tát là phải do tích công lũy đức thì mới có thể tu thành, tuyệt đối chẳng phải là do chụp giật, lươn lẹo mà hòng đạt được!

 

(Diễn) Vi diệu pháp môn giả, vị tâm pháp diệu, Phật pháp diệu, chúng sanh pháp diệu.

(演)微妙法門者,謂心法妙,佛法妙,眾生法妙。 

(Diễn: “Vi diệu pháp môn” là tâm pháp diệu, Phật pháp diệu, và chúng sanh pháp diệu).

 

  Kinh Pháp Hoa giảng ba thứ diệu này rõ ràng nhất. Quy nạp lại, “diệu” chẳng ngoài ba pháp:

1) Thứ nhất là “tâm pháp diệu”. Tâm có thể hiện hết thảy vạn pháp, nhưng chẳng nhiễm hết thảy vạn pháp. Nó diệu là diệu ở chỗ này! Nếu hiện hết thảy vạn pháp, lại nhiễm hết thảy vạn pháp, tâm ấy chẳng diệu! Tâm phàm phu chẳng diệu, vì sao? Suốt ngày từ sáng đến tối khởi tâm động niệm toàn là dấy vọng tưởng. Tuy giống chư Phật, Bồ Tát biến hiện y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, nhưng bị nhuốm bẩn, bị trói buộc bởi hết thảy các pháp, nên chẳng diệu! Họ chẳng biết muôn pháp không có tự tánh, hết thảy vạn pháp vốn không tịch, chẳng hiểu chân tướng sự thật này, nên nhiễm trước hết thảy vạn pháp, đánh mất diệu tâm, mê mất diệu tâm.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289