/ 289
397

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 193

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm chín mươi bốn:

 

  (Sớ) Hựu thọ mạng, quang minh giả, ước nhi ngôn chi, thiểu nhiếp đa cố. Nhị bộ danh đề, chỉ viết Vô Lượng Thọ giả, ước chi hựu ước, Thể nhiếp Dụng cố. Nhược cụ thuyết giả, y báo, chánh báo, tất giai vô lượng.

(Sao) Ước ngôn giả.

(疏)又壽命光明者,約而言之,少攝多故。二部名題,止曰無量壽者;約之又約,體攝用故;若具說者,依報正報,悉皆無量。

(鈔)約言者。

(Sớ: Lại nữa, thọ mạng và quang minh là nói ước lược, dùng ít để bao gồm nhiều. Tựa đề của hai bộ kinh chỉ nói là Vô Lượng Thọ, tức là đã ước lược lại còn ước lược hơn, vì dùng Thể để thâu nhiếp Dụng vậy. Nếu nói đầy đủ, y báo và chánh báo thảy đều vô lượng.

  Sao: Nói ước lược…)

 

  Nói ước lược.

 

  (Sao) Phật cụ vạn đức, kim chỉ cử thọ mạng, quang minh giả, như Hoa Nghiêm Bát Địa, ngôn thân tướng vô lượng, trí huệ vô lượng, phương tiện vô lượng, quang minh vô lượng, thanh tịnh âm thanh vô lượng đẳng. Tắc tri cử nhị sự giả, dĩ thiểu nhiếp đa dã.

  (鈔)佛具萬德,今止舉壽命光明者。如華嚴八地,言身相無量,智慧無量,方便無量,光明無量,清淨音聲無 量等。則知舉二事者,以少攝多也。

(Sao: Phật có đủ vạn đức, nay chỉ nêu lên thọ mạng và quang minh, như kinh Hoa Nghiêm nói bậc Bát Địa Bồ Tát thân tướng vô lượng, trí huệ vô lượng, phương tiện vô lượng, quang minh vô lượng, âm thanh thanh tịnh vô lượng v.v… cho nên biết nêu ra hai chuyện chính là dùng ít để thâu nhiếp nhiều vậy).

 

  Danh hiệu của Phật Di Đà là A Di Đà Phật. Bốn chữ A Di Đà Phật là phiên âm tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Vô Lượng. A là Vô, Di Đà là Lượng, Phật là Giác. Danh hiệu Vô Lượng có ý nghĩa hết sức sâu rộng. Trong sự sâu rộng vô hạn, đức Phật chỉ nói hai chuyện: Một là thọ mạng, hai là quang minh, tức là vô lượng thọ và vô lượng quang. Đây chính là ý nghĩa của chữ “ước ngôn” (約言), tức là nói đơn giản nhất, nói tóm tắt nhất. Cổ đức nói: Trong hết thảy các thứ vô lượng, coi thọ mạng là bậc nhất. Chúng ta suy nghĩ thấy rất có lý. Nếu chẳng có thọ mạng, hết thảy các thứ vô lượng đều rỗng tuếch. Dẫu là vô lượng, chúng ta chẳng thể thọ dụng, chẳng thể hưởng thụ được. Vì thế, thọ mạng trọng yếu bậc nhất. Có thể nói là hết thảy các thứ vô lượng đều lấy thọ mạng vô lượng làm Thể, những điều khác đều là đức dụng của nó. Trong hết thảy các đức dụng, đương nhiên coi “trí huệ quang minh” là bậc nhất. Vì sao? Có trí huệ thì mới có vui sướng thật sự; có trí huệ, sẽ chẳng có phiền não. Vì sao nhiều phiền não? Vì chẳng có trí huệ. Do mê, nên mới có phiền não; hễ ngộ, sẽ chẳng có phiền não. Vì lẽ đó, trong hết thảy các thọ dụng, trí huệ là bậc nhất. Chẳng có trí huệ, dẫu có phước báo, tục ngữ thường nói là “giàu mà chẳng vui”. Người ấy rất giàu có, nhưng chẳng sung sướng. “Quý mà chẳng vui sướng”, Quý (貴) là có địa vị trong xã hội, địa vị rất cao, làm hoàng đế, làm Tổng Thống, suốt một đời chẳng sung sướng, đó là vì thiếu trí huệ. Nếu có trí huệ, dẫu nghèo hèn, tuy nghèo mà vui, người ấy vẫn hết sức sung sướng. Do vậy có thể biết, trong hết thảy các đức dụng, trí huệ hết sức trọng yếu. Vì lẽ đó, trong hết thảy các thứ vô lượng, Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng nêu lên những điều khác, chỉ nêu ra hai thứ này: Một là nêu lên thọ mạng, hai là nêu ra quang minh.

  Ở đây, đại sư dùng một trường hợp trong kinh Hoa Nghiêm để thuyết minh, nêu rõ đức Phật đề ra hai thứ quang minh và thọ mạng là nói theo ý nghĩa tỉnh lược, chứ trên thực tế là nói chẳng thể cùng tận! Ngài nhắc tới bậc Bát Địa Bồ Tát trong Hoa Nghiêm, Bát Địa là Bất Động Địa (Achala-bhūmi). Hoa Nghiêm là Viên Giáo, Tịnh Tông gọi bậc Bát Địa của Viên Giáo là A Bệ Bạt Trí. Chúng ta biết: Chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, quả báo sẽ giống như Bát Địa Bồ Tát. Thầy Lý chú giải kinh đã ghi là “từ Thất Địa trở lên”, từ Thất Địa trở lên là Bát Địa. Đó là A Bệ Bạt Trí, là Bất Thoái Chuyển Bồ Tát, thật sự chẳng thoái chuyển. Thất Địa là Viễn Hành Địa (Duramgama-bhūmi), Bát Địa mới là Bất Động Địa.

  Khen ngợi Bát Địa Bồ Tát “thân tướng vô lượng”, câu này rất khó hiểu, thân tướng vô lượng cách nào? Dẫu lớn cách mấy, cũng còn có hạn lượng. Như trong bài kệ Tán Phật đã mô tả thân lượng Phật to lớn: “Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di, cám mục trừng thanh tứ đại hải”, năm Tu Di, bốn đại hải, vẫn là có hạn lượng! Vì cớ nào nói Bát Địa Bồ Tát thân tướng vô lượng? Nói thật ra, Bát Địa Bồ Tát thật sự đoạn sạch phân biệt, chấp trước. Từ Thất Địa trở xuống là phục đoạn (chế ngự phiền não), chẳng phải là diệt đoạn (đoạn hết), các Ngài dùng sức Định Huệ để chế ngự, khiến cho chúng chẳng dấy lên hiện hành, chẳng khởi tác dụng, còn Bát Địa Bồ Tát là diệt đoạn. Nay chúng ta nói là hữu lượng, do đâu mà có hữu lượng? Do từ vọng tưởng, chấp trước mà có. Nếu chẳng có vọng tưởng, chấp trước, sẽ giống như cảnh giới khai ngộ trong Thiền Tông: “Tận hư không khắp pháp giới là một con mắt của sa-môn”. Các vị hãy suy nghĩ: Thân tướng này là hữu lượng hay vô lượng? Phải thật sự đoạn sạch phân biệt và chấp trước thì mới có thể thấy cảnh giới ấy. Nói theo Lý thì nói thật ra, cũng chẳng khó lãnh hội, tận hư không khắp pháp giới là một Chân Như bản tánh, là một chân tâm.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289