/ 289
302

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 192

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm chín mươi hai:

 

  (Diễn) Phật bổn bất di, cơ tự dị giả, Pháp Thân khởi dụng, như không cốc truyền thanh, minh kính tả ảnh, tùy thanh cao hạ, tùy tướng nghiên xi, động nhược hành vân, chỉ do cốc thần, vân vân tự bỉ, ư ngã hà vi da?

(演)佛本不移,機自異者,法身起用,如空谷傳聲,明鏡寫影,隨聲高下,隨相妍媸,動若行雲,止猶谷神,紜紜自彼,於我何為耶。

(Diễn: Phật vốn chẳng đổi dời, do căn cơ mà tự thấy sai khác. Pháp Thân khởi tác dụng như hang trống dội lại tiếng vọng, như gương sáng in hình ảnh, tùy theo âm thanh cao hay thấp, tùy theo hình tướng đẹp hay xấu, động thì như mây bay, ngưng lặng thì giống như chính giữa hang núi, lăng xăng tự nó, can dự gì đến ta?)

 

Đoạn này tổng kết thân tướng do Phật đã hiện, thân tướng xác thực là có khác biệt, nhưng sở dĩ Phật hiện tướng là vì chúng sanh có cảm, Phật tự nhiên ứng hiện Tướng Phần. Hoàn toàn chẳng phải là Phật cố ý muốn hiện các thứ tướng, mà thật ra là do chúng sanh có các thứ tâm, nên Phật tự nhiên hiện các thứ tướng. Tuy ở đây nói đến Phật Thích Ca và Phật Di Đà để làm thí dụ; thật ra, Tướng Phần do mỗi người chúng ta đã hiện cũng là do cảm ứng đạo giao. Chúng ta đọc kinh, ắt cần phải chú ý điều này, vì những điều được nói trong kinh chính là cảnh giới hiện tiền của bản thân chúng ta, mà cũng là chuyện thuộc về bổn phận của chính mình. Nói tới Phật là nói đến tự tánh, nói tới Pháp Thân, nói tới bản thể, chúng sanh và Phật chẳng hai! Mười pháp giới hiện tướng khác nhau, đó là vì bản tánh tùy duyên khác nhau, chúng ta gọi duyên ấy là “cơ duyên”.

  “Phật bổn bất di” (Phật vốn chẳng đổi dời), câu này nói về Chân Như bản tánh. Chúng sanh và Phật chẳng khác, nói tới Phật Thích Ca, nói đến Phật Di Đà, hay nói đến chư Phật là nói về chính mình. “Cơ tự dị giả” (Do căn cơ mà tự sai khác), cơ cảm không giống nhau. Cũng có lẽ chúng ta lý giải chuyện “trong tâm chúng sanh có cảm, Phật tự nhiên có ứng” khá dễ dàng; còn đối với Chân Như bản tánh của chính chúng ta, làm sao chính mình có thể cảm ứng đạo giao cùng chính mình? Nói thật ra, chính mình cảm ứng chân tánh bằng ý niệm. Chúng ta một niệm niệm Phật bèn tương ứng với Phật, một niệm niệm Bồ Tát bèn tương ứng với Bồ Tát. Chúng ta từ sáng đến tối khởi tâm động niệm chẳng giống nhau, tướng được biến hiện sẽ khác nhau. Tương đối dễ nhận biết là ví như hôm nay có chuyện rất vui vẻ, quý vị sẽ hiện tướng vui sướng, ngày hôm nay gặp chuyện trái ý, quý vị sẽ hiện tướng rất khó coi. Chẳng phải là tướng biến đổi theo tâm ư? Trọn chẳng khó hiểu! Thầy bói xem tướng nói: “Tướng chuyển theo tâm”, tâm ấy là khởi tâm động niệm, khởi tâm động niệm là cơ cảm. Hiện các thứ tướng bất đồng, đó là Phật ứng, Phật ở đây là Tự Tánh Phật. Nếu hiểu rõ đạo lý này, quý vị sẽ biết chúng sanh thành Phật chẳng khó, khẩn yếu là quý vị niệm niệm trong tâm nghĩ tới Phật, tâm giống như tâm Phật, đương nhiên [tướng sẽ] giống như tướng Phật. Đó là đạo lý nhất định.

  Cổ nhân nói: Sau bốn mươi tuổi, tướng mạo phải do chính mình chịu trách nhiệm, từ bốn mươi tuổi trở về trước là tướng có được khi thần thức đầu thai. Vì sao con cái giống cha mẹ? Chúng nhìn thấy tướng của cha mẹ, ưa thích tướng ấy, bèn biến thành tướng tương tự như họ. Chuyện này chẳng phải là di truyền, mà trong một sát-na đầu thai đã giữ lấy tướng đó. Giữ lấy tướng đó chính là tiên thiên, nhưng tướng mạo hậu thiên[1] sẽ biến đổi theo tâm hạnh của quý vị trong một đời. Nếu suốt đời tâm địa hết sức thiện lương, đối xử trung hậu với người khác, sau khi đã thành niên, ba mươi, bốn mươi, người ấy bèn có tướng trung hậu, lão thành, tướng mạo đã biến đổi. Lúc bốn mươi tuổi, tướng mạo định hình, chẳng dễ gì biến đổi, khi ấy, chính mình phải chịu trách nhiệm về tướng mạo.

  “Pháp Thân khởi dụng”, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều do Pháp Thân khởi tác dụng. Trước mắt chúng ta, chánh báo là thân thể của chúng ta, y báo là hoàn cảnh sống, thảy đều là Pháp Thân khởi tác dụng. Mười pháp giới chẳng có ngoại lệ, toàn là Pháp Thân khởi tác dụng, Pháp Thân là chính mình. Khởi tác dụng là gì? “Không cốc truyền thanh, minh kính tả ảnh” (Hang trống dội lại tiếng vọng, gương sáng soi hình ảnh), “không cốc” (空谷) là hang núi. Chúng ta ở trong hang núi hú dài, sẽ có tiếng vang dội lại, [thân Phật ứng hiện theo căn cơ cảm ứng của chúng sanh] giống như tiếng vọng. “Minh kính” (明鏡) là một tấm gương sạch làu làu, soi rõ rệt hiện tượng bên ngoài, đó gọi là “tả ảnh” (寫影). Pháp Thân khởi tác dụng xác thực là như vậy. Vì thế, kinh Kim Cang có nói: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, cũng như chớp, hãy nên quán như thế”. Đúng là như vậy. Kinh Hoa Nghiêm nói Lý Sự vô ngại, Lý là Pháp Thân, Sự là khởi tác dụng, vô ngại. Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại. Quý vị thật sự hiểu thấu triệt đạo lý này, sẽ vô ngại. Vì sao vô ngại? Vì chẳng chấp trước; không chấp trước bèn chẳng có ngăn ngại. Bọn phàm phu chúng ta hiện thời vì sao có ngăn ngại? Trong vô ngại, sanh khởi chướng ngại. Nẩy sanh chướng ngại là vì chỗ nào cũng chấp trước, chỗ nào cũng phân biệt, coi giả là thật. Còn những gì là thật, họ chẳng nhận biết!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289