/ 289
686

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 191


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm chín mươi mốt:


(Diễn) Hựu phi thọ giả, phi ứng đồng liên trì chi thọ. Phi bất thọ giả, phi báo trí bất liên trì thọ. Song phi nhị biên, minh trung pháp thể. Hựu thử thọ phi trường lượng, diệc phi đoản lượng, vô diên, vô xúc, vân “phi thọ, phi bất thọ” dã.

(演)又非壽者,非應同連持之壽;非不壽者,非報智不連持壽。雙非二邊,冥中法體。又此壽非長量,亦非短量,無延無促,云非壽非不壽也。

(Diễn: Lại nữa, “chẳng phải thọ” là chẳng giống với thọ mạng do tướng duy trì liên tục. “Chẳng phải là không thọ” vì chẳng phải là thọ mạng của Báo Thân Trí Huệ chẳng có tướng duy trì liên tục. Đều chẳng thuộc vào hai loại ấy, ngầm khế hợp pháp thể. Thọ mạng ấy lại chẳng phải là số lượng dài, chẳng phải là số lượng ngắn, không kéo dài, chẳng rút ngắn, nên nói là “chẳng phải là thọ, chẳng phải là không thọ”).


Đoạn này nói về Pháp Thân. Pháp Thân chẳng có khởi đầu, chẳng có kết thúc, nên chẳng thể nói tới thọ và “chẳng thọ” được! Chúng ta nói “thọ” thì nói chung là nó có số lượng. Nếu đã là vượt ngoài số lượng, sẽ chẳng thể hạn cuộc trong ngôn từ hay suy lường! Đó là nói theo Pháp Thân, chứ nói theo Ứng Thân và Báo Thân vừa được nhắc đến trong phần trước thì mới có cách nói như vậy[1]. Nếu rời khỏi Báo Thân và Ứng Hóa Thân, sẽ như nhà Thiền thường nói: “Ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt”.

“Phi thọ giả, phi ứng đồng liên trì chi thọ” (“Chẳng phải thọ” là chẳng ứng với thọ mạng do tướng tiếp nối): Ứng Hóa Thân dùng tướng liên tục để làm thọ mạng, Phật là như thế, chúng ta cũng chẳng ra ngoài lệ ấy! Nói thật ra, thân thể chúng ta sanh diệt trong từng sát-na, hiện tượng ấy là tướng tiếp nối trong từng sát-na. Nếu thật sự khế nhập Thật Tướng, sẽ hiểu cái thân hiện tại của chúng ta cũng là bất sanh, bất diệt. Vốn là chẳng sanh, lấy đâu ra diệt? Đạo lý này hết sức sâu, rất khó hiểu! Dẫu tỷ dụ, cũng chẳng có cách nào tỷ dụ rất thích đáng! Tỷ dụ chỉ có thể sánh ví phảng phất, phải từ sự phảng phất ấy mà thấu hiểu.

Ví như chúng ta xem phim, chư vị đều biết chuyện thường thức này. Chúng ta thấy các hình ảnh trong phim, [cứ tưởng] những tướng ấy dường như là thật. Thật ra, các hình ảnh đó là một loại tướng liên tục. Chúng ta nhìn vào cuộn phim liền biết đó là hình ảnh trong từng tấm phim một, tấm phim này được chiếu lên màn bạc, ống kính [của máy chiếu phim] lập tức đóng lại [rồi mở ra] chiếu tấm phim thứ hai. Do tốc độ nhanh, chúng ta trông thấy những hình ảnh ấy giống như thật. Bất quá tốc độ của máy là một giây chiếu hai mươi bốn tấm phim, tức là ống kính đóng mở hai mươi bốn lần. Hai mươi bốn lần [đóng mở] mà đã lừa được chúng ta, [khiến cho] chúng ta ngỡ là rất giống như thật! Đức Phật bảo các hiện tượng trong hiện tiền rất giống ống kính của máy chiếu phim đóng mở, bất quá tốc độ quá nhanh, nhanh đến nỗi chúng ta chẳng có cách nào phân biệt! Đức Phật bảo: Trong một cái khảy ngón tay có sáu mươi sát-na, một phần sáu mươi của [thời gian] khảy ngón tay là một sát-na, trong một sát-na có chín trăm lần sanh diệt. Một giây chúng ta có thể khảy ngón tay bốn lần, bốn nhân với sáu mươi lại nhân với chín trăm, tức là trong một giây, “ống kính” nơi A Lại Da Thức của quý vị đóng mở bao nhiêu lần? Vừa đúng hai lần của mười vạn tám ngàn lần (hai mươi mốt vạn sáu ngàn lần). [Ống kính của máy chiếu phim đóng mở] hai mươi bốn lần mà chúng ta đã chẳng có cách nào phân biệt nó là tướng liên tục, huống hồ một giây là hai mươi mốt vạn sáu ngàn lượt, chúng ta làm sao có thể biết những hiện tượng ấy là giả! Kinh Lăng Nghiêm đã nói rất hay: Tất cả hết thảy các tướng cảnh giới, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều chẳng có ngoại lệ, “sanh ra từ nơi đâu, bèn diệt từ nơi đó”. Đừng nên nghĩ chúng ta mới vừa từ nhà đến đây, chẳng có chuyện ấy! Chẳng đến, chẳng đi, sanh ra từ nơi đâu, diệt mất ngay tại đó, đó mới là chân tướng sự thật. Nhìn từ Tướng Phần thì tướng liên tục, tiếp nối được gọi là “liên trì” (連持), [có nghĩa là] một hiện tượng được duy trì liên tục, chúng ta gọi nó là thọ mạng. Thọ mạng ấy có dài hay ngắn, đó là Ứng Hóa Thân. Chỉ cần là Tướng Phần, sẽ đều chẳng thể vượt ra ngoài nguyên lý này.

/ 289