/ 289
679

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 190


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm chín mươi:


(Diễn) Hựu Ứng Thân giả, ứng đồng vạn vật vi thân dã, ứng đồng liên trì vi thọ dã. Trí dữ thể minh, năng khởi đại dụng, như thủy ngân hòa chân kim, năng đồ chư sắc tượng, công đức hòa Pháp Thân, xứ xứ ứng hiện vãng.

(演)又應身者,應同萬物為身也,應同連持為壽也。智與體冥,能起大用,如水銀和真金,能塗諸色像,功德和法身,處處應現往。

(Diễn: Lại nữa Ứng Thân là ứng hiện giống như vạn vật để làm thân, ứng hiện liên tục tiếp nối giống như vậy để làm thọ lượng. Trí và thể dung nhập, có thể khởi tác dụng to lớn, như thủy ngân hòa lẫn vàng ròng có thể dùng để sơn phết các hình tượng, công đức và Pháp Thân chỗ nào cũng đều ứng hiện đến).


Chủ yếu nói đến Ứng Thân của đức Phật. Ứng Thân biến hiện từ Pháp Thân, kinh Lăng Nghiêm đã giảng chuyện này rất rõ ràng: “Tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng” (Thuận theo tâm chúng sanh mà ứng hiện phù hợp với khả năng nhận biết của họ). Do đâu mà có Ứng Thân? Có phải là do Phật hữu ý hiện thân ấy hay chăng? Trọn chẳng phải là như vậy! Ứng Thân là do chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng, đó gọi là “cảm ứng đạo giao”. Chúng sanh có cảm, tức là có tâm, Như Lai ứng hiện là vô tâm; giống như chúng ta gõ khánh. Chúng ta hữu ý gõ nó, khánh ngân vang là vô tình ngân vang. Chúng ta gõ mạnh, âm thanh ngân to, tiếng ngân kéo dài. Chúng ta gõ nhẹ, tiếng ngân cũng nhẹ, thời gian ngân cũng ngắn. Khánh vô tâm, do vô tâm nên mới có thể ứng.

Do vậy có thể biết, Phật có vô lượng vô biên Ứng Thân. Vì sao? Pháp Thân không đâu chẳng tồn tại, nên Ứng Thân trọn khắp pháp giới. Nói thật ra, chẳng có đến đi, đúng như kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Sanh ra từ nơi đâu, bèn diệt tận tại đó”. Chẳng đến, chẳng đi, bất sanh, bất diệt. Tuy là Ứng Thân, vẫn là bất sanh, bất diệt. Nay chúng ta thấy Ứng Thân là tướng sanh diệt, là do bọn phàm phu chúng ta dùng cái tâm sanh diệt để nhìn sự thật ấy. Nói thật ra, chẳng có sanh diệt, thân ứng hóa trọn chẳng có sanh diệt. Trong đoạn trên đây, câu quan trọng nhất là “công đức và Pháp Thân, không nơi đâu chẳng ứng hiện đến đó”. Nói thật ra, há có đến? Hễ có đến là có tới, tức là có lui tới, [thật ra], chẳng có đến đi. Vẫn là kinh Lăng Nghiêm nói sự thật, nói rốt ráo, sanh ra ở nơi đâu, sẽ diệt tận ở ngay nơi đó!


(Diễn) Nhiên thử ứng thân, hữu thắng, hữu liệt. Thắng tức Tha Thọ Dụng, thị nghiệp thức sở kiến giả, thử y Trung Lý nhi trụ. Liệt tức sanh thân, sự thức sở kiến giả, thử y Chân Lý nhi trụ.

(演)然此應身,有勝有劣,勝即他受用,是業識所見者,此依中理而住;劣即生身,事識所見者,此依真理而住。

(Diễn: Nhưng Ứng Thân ấy có thắng và liệt. Thắng Ứng Thân chính là Tha Thọ Dụng, được thấy bởi nghiệp thức, thân này nương vào Trung Lý để trụ. Liệt Ứng Thân chính là sanh thân, được thấy bởi sự thức, thân này nương vào Chân Lý để trụ).


Cách nói này tuân theo giáo nghĩa của tông Thiên Thai. Tông Thiên Thai nói Chân, Giả, Trung, điều đó được gọi là Tam Đế Tam Quán. “Ứng Thân” ở đây chính là Ứng Hóa Thân. Quả thật là Ứng Hóa Thân có thân rất thù thắng, mà cũng có thân khá kém cỏi. Ví như đức Phật giáo hóa chúng sanh trong chín pháp giới, chúng ta thấy phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa có nói đến ba mươi hai ứng thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, nên dùng thân gì để độ được, bèn hiện thân ấy. Nên dùng thân Phật để độ được, bèn hiện thân Phật. Ứng Thân ấy cũng rất thù thắng. Đáng nên dùng thân người để độ liền hiện thân người. Thân người tuy kém Phật rất xa, kể ra vẫn còn khá. Đáng nên dùng thân súc sanh để độ liền hiện thân súc sanh, thân tướng ấy còn thua cả loài người. Thậm chí hiện thân thảo mộc. Nói theo Phật pháp, quý vị đọc kinh Địa Tạng sẽ biết: Hoa, cỏ, cây cối đều có quỷ thần ở trong ấy. Vì thế, có thần cây, thần hoa, thân phận còn thấp kém hơn thân súc sanh bình phàm. Thậm chí hiện thân quỷ vương, thị hiện thân địa ngục. Địa Tạng Bồ Tát giáo hóa chúng sanh trong địa ngục, hiện thân địa ngục, chẳng phải là thân mà chúng ta thấy trong hiện thời. Nay chúng ta thấy Ngài là thân Bồ Tát. Thân Bồ Tát vào trong địa ngục, chúng sanh trong địa ngục chẳng thấy Ngài; nhất định phải hiện thân đồng loại thì mới có thể khiến cho những chúng sanh tiếp nhận sự hóa độ của Ngài hoan nghênh. [Như vậy là] thân này (Ứng Thân) còn có thân thù thắng và thân hèn kém.

Ở đây nói tới thù thắng và hèn kém, vẫn chẳng phải là ý nghĩa như tôi vừa mới nói, mà còn thù thắng hơn ý nghĩa vừa được đề cập! Nói đến Thắng Ứng Thân thì “Thắng tức Tha Thọ Dụng thân”, Tha Thọ Dụng Thân là nói đến hạng người nào? Nói đến Thập Địa Bồ Tát. Đức Phật nhằm độ bậc Địa Thượng Bồ Tát bèn hiện thân tướng hết sức trang nghiêm, đó là độ hàng Bồ Tát. Tam Hiền Thập Thánh thấy [thân tướng của] Phật là Thắng Ứng Thân, tức Tha Thọ Dụng. “Nghiệp thức sở kiến giả” (Được thấy bằng nghiệp thức): Nghiệp thức khác sự thức, nghiệp thức có sự phân biệt vi tế, sự thức có sự phân biệt rất thô. “Sự thức” là gì? Nói theo tám thức, sáu thức trước đều thuộc về sự thức, thức thứ bảy tức Mạt Na là chuyển thức, A Lại Da mới là nghiệp thức. Có thể thấy là khi sắp chuyển A Lại Da thành Đại Viên Kính Trí, khi đó mới thấy Thắng Ứng Thân. Nếu như A Lại Da đã chuyển thành Đại Viên Kính Trí, chẳng phải là thấy Ứng Thân Phật, mà là thấy Báo Thân Phật, vì sao? Bản thân người ấy đã chứng đắc Báo Thân. Vì vậy, Ứng Thân và Báo Thân vẫn có sai biệt. Nghiệp thức nương vào lý Trung Đạo để trụ, sự thức nương vào Chân Lý để trụ. [Sách Diễn Nghĩa nói Trung Lý và Chân Lý] chính là như tông Thiên Thai đã nói Chân, Giả, Trung, [Chân Lý là] Chân Đế. Nhưng chư vị phải biết, [những điều được trình bày trong đoạn này] đều là nói theo cách thông thường. Phật trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, ba thân là một Thể, là Pháp Thân, đồng thời cũng là Báo Thân và Ứng Thân, tuy một mà ba, tuy ba mà một. Vì lẽ đó, thế giới Tây Phương thù thắng chẳng thể nghĩ bàn!

/ 289