A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 185
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm tám mươi tư:
(Diễn) Tư tận hoàn nguyên giả, tức sở vị thể cứu chi cực, ư tự bổn tâm, hốt nhiên khế hợp dã.
(演)思盡還源者,即所謂體究之極,於自本心忽然契合也。
(Diễn: “Đã hết suy nghĩ bèn trở về nguồn” chính là nói suy xét, thấu hiểu đến tận cùng, bỗng khế hợp bản tâm của chính mình).
Đây là công phu khá sâu! Tất cả các tông phái và pháp môn trong Phật môn đều chẳng lìa khỏi nguyên tắc này. “Hoàn nguyên” (Trở về nguồn): Nguyên (源) là cội nguồn, là Chân Như bản tánh. Bọn phàm phu chúng ta, Nhị Thừa, và Quyền Giáo Bồ Tát chưa thể kiến tánh, nguyên nhân căn bản là vì có Tư, có Tư là có vọng tưởng. “Tư tận” là đoạn sạch vọng tưởng. Đoạn sạch vọng tưởng thì mới có thể minh tâm kiến tánh.
Nhìn bề ngoài, Giáo Hạ sử dụng phương pháp chẳng giống Tông Môn. Tông Môn chú trọng tham cứu, thường nói là “chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người”, dạy quý vị buông xuống hết thảy vọng niệm. Dùng phương pháp ấy xác thực là người căn tánh rất nhạy bén. “Căn tánh nhạy bén” chẳng phải là nói tới những kẻ rất thông minh trong thế gian. Kẻ rất thông minh là Thế Trí Biện Thông, chưa chắc họ đã là căn tánh rất nhạy bén. Nếu người ấy thật sự có thể buông xuống, căn tánh ấy rất nhạy bén, mới có thể dùng phương pháp này để khế nhập. Nếu vọng niệm nhiều, nay chúng ta nói vọng niệm nhiều là “suy nghĩ nhiều quá”, kẻ ấy suy Đông nghĩ Tây, suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn cào cào. Căn tánh như vậy chẳng thích hợp để tham Thiền, mà thích hợp để nghiên cứu Giáo. Nghiên cứu Giáo, chư vị phải biết, thuở đức Thế Tôn tại thế, Ngài chẳng dạy: “Mỗi học trò, bất luận là tại gia hay xuất gia, phải nghiên cứu hết thảy các kinh điển do đức Phật đã giảng”. Chẳng có chuyện ấy! Thuở ấy, đức Phật giảng kinh trọn chẳng có kế hoạch giảng giải từ cạn đến sâu, thực hiện theo từng bước, chẳng có! Đức Phật trọn chẳng có kế hoạch giáo học, hoàn toàn chẳng có thứ tự và trình tự giáo học, mà là kẻ như thế nào đến [thưa hỏi], Ngài bèn dùng phương pháp nào [thích hợp với căn tánh của người ấy] để dạy. Phương pháp của Ngài là “ứng cơ thí giáo” (tương ứng với căn cơ mà giảng dạy), tùy theo tài năng của họ mà dạy bảo. Vì thế, người gặp đức Phật, hướng về đức Phật thỉnh giáo, đức Phật dạy người ấy một pháp môn, người ấy bèn dụng công đến cùng nơi pháp môn ấy. Nói cách khác, học trò đức Phật ai nấy đều là thâm nhập một môn, trọn chẳng phải là hết thảy các pháp môn đều thông đạt, chẳng có chuyện ấy! Vì sao? Chỉ có thâm nhập một môn thì mới có thể làm được “tư tận hoàn nguyên”, mới có thể kiến tánh. “Tư” (思) là trao cho quý vị một phạm vi, để cho quý vị tư duy trong phạm vi ấy, khi đã tư duy đến mức chẳng còn có thể tư duy được nữa, bèn kiến tánh. Hết thảy các kinh điển quý vị đều nghiên cứu, đều suy nghĩ, dò lường, thôi rồi! Chắc chắn là chẳng thể thành tựu trong một đời này! Chúng ta nhất định phải biết nguyên tắc này!
Tại Trung Hoa, từ xưa tới nay, mỗi tự viện tùng lâm đều có học phong và đạo phong duy nhất, đặc biệt, tức là tôn sùng mấy bộ kinh luận nào đó. Tông Hoa Nghiêm lấy kinh Hoa Nghiêm làm chủ, dùng các kinh luận có quan hệ mật thiết với kinh Hoa Nghiêm để phụ trợ. Mỗi tông phái luôn lấy một bộ kinh hoặc luận làm chủ. Tông phái có kinh luận [dùng làm căn cứ lập luận chủ yếu] nhiều nhất là Pháp Tướng Duy Thức Tông, gồm có sáu bộ kinh và mười một bộ luận. Tịnh Độ Tông từ xưa tới nay chỉ có ba kinh một luận, luận là Vãng Sanh Luận do Thiên Thân Bồ Tát soạn, cho đến hiện thời, vì được các vị tổ sư đại đức bổ sung, nên mới có năm kinh một luận.
Chữ Tư ở đây có phải là suy xét hoặc nghiên cứu hay không? Chẳng phải! Nếu dùng suy xét hoặc nghiên cứu, sẽ hoàn toàn rơi vào thức thứ sáu, tức ý thức. Dùng thức thứ sáu, tức ý thức, để tu hành, cao nhất là chỉ có thể đắc Cửu Thứ Đệ Định, chứng quả A La Hán, chẳng thể kiến tánh. Cũng có nghĩa là chúng ta dùng thức thứ sáu, tức tâm ý thức, để niệm Phật, có thể đắc Sự nhất tâm bất loạn, đó là cao nhất, chứ Lý nhất tâm bất loạn sẽ chẳng thể đạt được. Vì thế, Tư ở đây là Tư Huệ trong sự tu học của Bồ Tát, [dùng Tư Huệ trong] Tam Huệ Văn, Tư, Tu thì mới có thể hoàn nguyên.
Chúng ta nhất định phải biết ý nghĩa chân thật của Tư Huệ, nó chẳng phải là dùng suy xét, mà dùng gì? Thể cứu (體究: Tham cứu đến mức thấu hiểu tận cùng). Thể (體) là thấu hiểu, hết sức thân thiết. Nghiên cứu, suy xét là thức thứ sáu, còn thấu hiểu, thể cứu sử dụng Chân Như bản tánh, tức là dùng chân tâm, chẳng dùng vọng tâm. Chân tâm ly niệm, nên nó là trực giác. Cũng có nghĩa là: Vừa tiếp xúc bèn hiểu rõ, đó là Tư. Hoàn toàn chẳng thông qua suy xét, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, vừa tiếp xúc liền hiểu rõ. Từ ý nghĩa tiếp xúc mà gọi là Văn Huệ. Từ ý nghĩa hiểu rõ mà gọi là Tư Huệ. Từ ý nghĩa phá mê mà gọi là Tu Huệ. Có thể thấy tiếp xúc, hiểu rõ, chẳng mê, là cùng một chuyện. Tam Huệ được hoàn thành cùng một lúc, trọn chẳng có thứ tự, chẳng phải là trước hết là Văn, sau đấy lại Tư, kế đó là Tu. Chẳng phải vậy! Nếu theo thứ tự, sẽ là Nhị Thừa và Quyền Giáo Bồ Tát đều có, chẳng thể nói là chỉ riêng Bồ Tát mới có Tam Huệ. Tam Huệ được hoàn thành cùng một lúc, chẳng có thứ tự, ở đây là nói tới bậc đại Bồ Tát đã minh tâm kiến tánh, chứ kẻ bình phàm chẳng có [Tam Huệ hoàn thành cùng một lúc]!