410

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 184

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ ba trăm tám mươi ba, hãy xem đoạn thứ hai trong sách Diễn Nghĩa.

  Chúng tôi tiếp tục giải thích tâm ý thức. “Tập khởi danh Tâm, trù lượng danh Ý, liễu biệt danh Thức” (Tập khởi là Tâm, trù tính, suy lường là Ý, hiểu rõ, phân biệt là Thức), Pháp Tướng Tông nói như vậy. Tám thức đều có công năng “tập khởi, trù lượng, liễu biệt”; trong ba thứ công năng ấy, hễ công năng nào đặc biệt mạnh nhất, ta bèn gọi nó là Tâm, hay gọi là Ý, hay gọi nó là Thức. Công năng tập khởi thù thắng nhất là A Lại Da Thức, trù lượng thù thắng nhất là thức thứ bảy.

 

  (Diễn) Hựu Ý giả, tức đệ thất thức. Trù lượng giả, tư duy trù lượng, đệ bát Kiến Phần thị Ngã cố dã. Thử chánh thủ đệ thất Tâm Vương tự thể tư lượng danh Ý, diệc kiêm thủ Biến Hành ngũ sở trung Tư dã.

(演)又意者,即第七識。籌量者,思惟籌量,第八見分是我故也。此正取第七心王自體思量名意,亦兼取遍行五所中思也。

(Diễn: Lại nữa, Ý là thức thứ bảy. Trù lượng là suy nghĩ, toan tính, so lường, Kiến Phần thứ tám là Ngã vậy. Đây là chủ yếu dựa trên [đặc tánh] tự thể suy nghĩ, so lường của Tâm Vương thứ bảy mà gọi là Ý, cũng lấy kèm thêm [ý nghĩa của] Tư [Tâm Sở] trong năm món Tâm Sở thuộc loại Biến Hành).

 

  Đại Thừa Phật pháp thường nói tới Ngã Chấp. Ngã Chấp có hai loại: Một loại là Nhân Ngã Chấp, loại kia là Pháp Ngã Chấp. Hai thứ Ngã Chấp này đều có cội nguồn từ thức thứ bảy. Vì thế, trong tu hành, cổ đức đã nói một nguyên tắc, nguyên tắc này rất trọng yếu: “Thính giáo phải tiêu quy tự tánh”, “thính giáo” là nghe giảng kinh. Nếu có thể tiêu quy tự tánh, đó là thật sự nghe, cũng là như chúng tôi thường nói: Dùng Phật pháp để khải phát trí huệ và quang minh trong tự tánh của chúng ta, đó gọi là “tiêu quy tự tánh”. Trong bộ chú giải này, cuối mỗi đoạn, Liên Trì đại sư đều có phần Xứng Lý. Xứng Lý là tiêu quy tự tánh: “Tu hành phải chuyển Thức thành Trí”. Chuyển thức, mà “thức” có tám thức. Chuyển tám thức thành bốn trí, đó gọi là tu hành. Liễu Phàm Tứ Huấn dạy chúng ta nguyên tắc sửa lỗi tu thiện. Sửa lỗi tối thượng thừa là sửa từ trong tâm, kế đến là sửa từ nơi Lý, thấp nhất là sửa từ nơi Sự. Tu hành mà nói “chuyển Thức thành Trí” thì là tu nơi tâm địa, là cách tu học tối thượng thừa, là chuyển thức thành trí.

  Đối với Thức, chúng ta hiểu ý nghĩa thật sự của nó, cách chuyển như thế nào? Đây là một môn học mà người tu hành trong hiện tại phải biết. Trong Lăng Nghiêm Kinh Chánh Mạch Sớ, Giao Quang đại sư đã đề xướng “bỏ Thức dùng Căn”, bỏ Thức dùng Căn là chuyển Thức thành Trí. Trong tám thức, chỉ có hai thức được chuyển trong khi tu nhân, sáu thức kia chuyển nơi quả địa. Nói cách khác, thật sự dụng công là dụng công nơi thức thứ sáu và thức thứ bảy. Thức thứ sáu và thứ bảy được chuyển trong khi tu nhân. Hễ nhân đã chuyển, quả liền chuyển theo. A Lại Da Thức và năm thức trước tự nhiên liền chuyển. Thức thứ bảy là tư duy, trù tính, suy lường, thức thứ sáu khéo phân biệt, nên chúng tôi thường nói: “Chẳng phân biệt, không chấp trước”, đó là chuyển. Chẳng phân biệt liền chuyển thức thứ sáu, tức ý thức, thành Diệu Quán Sát Trí. Không chấp trước liền chuyển Mạt Na Thức thành Bình Đẳng Tánh Trí. Hiện thời, người thế gian chúng ta bất bình đẳng, vì sao bất bình đẳng? Mỗi người đều có chấp trước, hễ chấp trước, sẽ chẳng bình đẳng. Nếu bỏ sạch tất cả hết thảy chấp trước, sẽ bình đẳng; bỏ hết thảy phân biệt, diệu huệ liền hiện tiền. Biết tu hành là ở nơi dụng công, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian chẳng phân biệt, không chấp trước. Trong các buổi giảng, chúng tôi cũng thường nhắc nhở đồng tu hãy tự khích lệ chính mình, vì sao phải làm như vậy? Hiện thời, từ đoạn kinh văn này chúng ta thấy: Đó là chuyển Thức thành Trí. Phân biệt và chấp trước là hư vọng, tuyệt đối chẳng phải là chân thật, nên đức Phật mới bảo chúng ta vứt bỏ. Nếu là chân thật, đức Phật quyết định sẽ chẳng bảo chúng ta vứt bỏ, [vứt bỏ là vì chúng] là giả, chẳng thật!

Hết thảy chúng sanh chấp trước Ngã, Ngã là gì? Thân là Ngã. Đức Phật bảo chúng ta vô ngã, Vô Ngã là dạy chúng ta “thân chẳng phải là Ngã”. Ngã ở chỗ nào? Thân chẳng phải là Ngã, mọi người nghe xong, sợ hãi, học Phật đến cuối cùng Ngã cũng chẳng có, khiếp quá! Nếu Ngã chẳng có, ai thành Phật? Do vậy, thành Phật, ta thành Phật, có thành Phật hay không? Chẳng thành! Vì quý vị có Ngã Chấp, làm sao có thể thành Phật cho được? Đừng nói là chẳng thành Phật được, mà A La Hán cũng chẳng thành, vì A La Hán đã phá Ngã Chấp. Kinh Kim Cang nói Tu Đà Hoàn chẳng có Ngã Chấp, điều này đáng cho chúng ta phản tỉnh rất sâu.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net