286

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 183

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm tám mươi hai.

 

  (Kinh) Xá Lợi Phất! Ư nhữ ý vân hà? Bỉ Phật hà cố hiệu A Di Đà?

  (Sớ) Thượng minh y báo chi thắng, nhi y tùng chánh sanh, cố thứ minh chánh báo.

  (經)舍利弗。於汝意云何。彼佛何故號阿彌陀。

(疏)上明依報之勝,而依從正生,故次明正報。

  (Kinh: Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao? Đức Phật ấy vì sao hiệu là A Di Đà?

  Sớ: Những phần trên đã nói về sự thù thắng nơi y báo, nhưng y báo sanh từ chánh báo, nên tiếp theo đây sẽ nói về chánh báo).

 

  Trong đoạn lớn phía trước, đức Thế Tôn đã giới thiệu hoàn cảnh vật chất của Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Y báo” là hoàn cảnh sống của chúng ta, trong kinh gọi [hoàn cảnh ấy] là “y báo”. “Chánh báo” là thân thể chúng ta, nhưng y báo sanh từ chánh báo, câu này rất khó hiểu, sách Diễn Nghĩa có chú giải như sau:

  (Diễn) Y tùng chánh sanh giả, nhược cứ ngoại giáo, tắc tùng Thái Cực sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng sanh Bát Quái, thanh trược điện vị, Tam Tài triệu phân, tắc chánh tùng y sanh.

(演)依從正生者,若據外教,則從太極生兩儀,兩儀生四象,四象生八卦,清濁奠位,三才肇分,則正從依生。

(Diễn: “Y báo sanh từ chánh báo”: Nếu xét theo ngoại giáo, ắt từ Thái Cực sanh ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng sanh Bát Quái, thanh và trược đã được đặt vững vị trí, Tam Tài[1] mới tách biệt, [hiểu theo cách như vậy] thì chánh báo sanh từ y báo).

 

  Ngài nêu ra ngoại giáo, tức là cách nói của Nho gia. Những điều được nói trong Nho gia có mấy phần tương ứng với Phật pháp, nhưng chẳng nói cặn kẽ, rõ rệt như Phật pháp. Tuy vậy, xét theo nguyên tắc, đúng là hết sức gần gũi. Nhất là trong phần Hệ Từ Truyện của kinh Dịch, Khổng lão phu tử đã nói: “Tinh khí vi vật, du hồn vi biến” (Tinh và Khí hợp lại thành vật, cái hồn vật vờ biến hóa)[2]. Nói thật ra, cách nhìn này rất gần với Phật pháp. Vật là y báo, Biến là chánh báo, là nói tới sự luân hồi trong lục đạo, “du hồn vi biến” (cái hồn lang thang, phiêu diêu bất định biến hóa). Khổng lão phu tử không nói “linh hồn”, người thế tục nói con người sau khi đã chết bèn có linh hồn, chư vị hãy nghĩ xem: Nếu cái hồn ấy linh, tuyệt đối sẽ chẳng đầu thai trong ba ác đạo, biến thành lợn, biến thành dê. Dẫu đến đầu thai trong loài người, nhất định hồn sẽ chọn gia đình đại phú, đại quý, cả đời làm thiếu gia, hay tiểu thư, chẳng muốn chịu khổ, lẽ đâu sanh vào nhà bần cùng? Do vậy có thể biết, hồn ấy chẳng linh, là mê hồn thì mới đúng! [Gọi nó là] “linh hồn” là sai lầm!

  Khổng lão phu tử chẳng nói linh, mà cũng chẳng nói mê, Ngài nói là “du hồn”, cách nói này rất có lý. Trong kinh, đức Phật đã dạy, tốc độ của linh hồn hết sức nhanh chóng. Chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng phải là thân thể đến đó, mà là linh hồn đầu thai đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Kinh nói Tây Phương Cực Lạc thế giới cách chúng ta “mười vạn ức cõi Phật”. Nói thông thường, một cõi Phật (Phật quốc độ) là một hệ Ngân Hà, vậy thì từ địa cầu này tới tinh cầu của Tây Phương Cực Lạc thế giới cách nhau mười vạn ức hệ Ngân Hà, quý vị nghĩ xem: Khoảng cách ấy xa lắm! Nhưng phải mất bao nhiêu thời gian để có thể đến đó? Đức Phật nói [thời gian ấy] bằng một cái khảy ngón tay, trong một sát-na bèn đến đó. Do đó mới biết tốc độ của linh hồn đích xác là vô cùng nhanh chóng. Làn sóng điện hoặc ánh sáng trong thế gian còn chậm hơn tốc độ của linh hồn quá nhiều. Do đó, Khổng lão phu tử nói “du hồn” hết sức chánh xác. “Du hồn vi biến”, biến gì? Biến ra lục đạo, quý vị đến đầu thai trong đường nào bèn biến thành thân tướng trong đường ấy, xác thực là “du hồn vi biến”!

  “Tinh khí vi vật”: Ngài nói câu này đúng là chẳng thể nghĩ bàn, vì “du hồn vi biến” (cái hồn trôi nổi biến hóa), nói thật ra, vẫn chưa khó! Ngoại đạo tại Ấn Độ vào thời cổ đều có thần thông, như các tu sĩ Bà La Môn, Số Luận[3] Du Già (Yoga) đều có năng lực sanh lên Tứ Thiền Thiên (Sắc Giới Thiên), nên họ hết sức liễu giải tình huống trong lục đạo, thấy rõ ràng, rành rẽ, nhưng bọn họ vẫn chưa nói “tinh khí vi vật”. Vật chất do đâu mà có? Chỉ có đức Phật đã nói trong kinh luận rằng thế giới vật chất là Tướng Phần của A Lại Da Thức, còn linh hồn là Kiến Phần của A Lại Da Thức. Trong quá trình phát triển, Kiến Phần có trước rồi mới có Tướng Phần, nên y báo sanh từ chánh báo. Nguyên lý thật sự là y báo chuyển theo chánh báo, cũng có nghĩa là thế giới vật chất và hiện tượng tự nhiên chuyển biến theo lòng người. Đó là chánh lý, quyết định là chánh xác. Khổng lão phu tử nói “tinh khí vi vật” hết sức gần với [cách nói trong kinh Phật], vì sao Ngài biết? Do đó, Khổng phu tử tuyệt đối chẳng phải là phàm nhân. Cổ nhân nói Khổng Tử, Lão Tử, và Trang Tử đều là Phật, Bồ Tát ứng hóa tại Trung Hoa, nói theo lý luận thì điều này xuôi tai, nhưng trên sự thật thì chẳng có chứng cớ. Nho gia nói “chánh báo sanh từ y báo” chính là cách nhìn sai lầm.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net