339

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 181

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm bảy mươi tám:

 

(Sao) Nhất kích vong sở tri, cánh bất giả tu trì, động dung dương cổ lộ, bất đọa tiễu nhiên cơ.

(鈔)一擊忘所知,更不假修持,動容揚古路,不墮悄然機。

(Sao: Vừa đụng bèn quên sạch sở tri, chẳng còn nhọc sức phải tu trì, hành vi, vẻ mặt phô đường cũ, chẳng đọa vào trong nẻo tịch vi).

 

Đây là bài kệ do Ngài (thiền sư Hương Nham) đã nói khi khai ngộ, trong Thiền Tông gọi là “cơ phong” (機鋒). Khi công phu thành thục, gặp cơ duyên, đó là đại triệt đại ngộ. Từ chỗ này, chúng ta cũng hiểu: Ắt phải phá hai thứ chướng thì mới thật sự triệt ngộ. Nếu Ngài vẫn còn có Sở Tri Chướng, sẽ chẳng có cách nào ngộ. Nói cách khác, trước kia, Ngài chẳng ngộ là vì có Sở Tri Chướng. Hai thứ Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng đều là đại chướng ngại, ắt phải lìa bỏ hai thứ ấy. Phải phá Sở Tri Chướng như thế nào? Bí quyết là một chữ Vong (忘), quý vị có thể quên sạch những gì đã biết, đúng như kinh Bát Nhã đã nói là Vô Tri. Vô Tri bèn phá Sở Tri Chướng; Vô Đắc phá Phiền Não Chướng. Tâm Kinh đến cuối cùng bèn nói “vô trí mà cũng vô đắc”, hai chướng ấy đều phá, nên liền chứng đắc viên mãn Bát Nhã Ba La Mật. Nay chúng ta dụng công cách nào cũng chẳng thể nhập cảnh giới ấy là do chưa phá hai chướng. Không chỉ chẳng phá, mà hai chướng ấy đều tăng thêm theo thời gian. Đây là chuyện phiền phức to lớn, người tu hành hãy nên chú ý điều này. Dù là Tịnh Độ đới nghiệp vãng sanh, hai thứ chướng ấy càng ít càng hay, đến Tây Phương sẽ tăng cao phẩm vị. Sau khi đã phá hai chướng, phương pháp dụng công sẽ hoàn toàn chẳng giống như chúng ta trong hiện thời. Chúng ta dụng công trong hiện tại là hữu tu, hữu chứng. Sau khi đã phá hai thứ chướng, bèn là vô tu, vô chứng. Chẳng chứng mà chứng, chứng mà chẳng chứng, chẳng tu mà tu, tu mà chẳng tu, nên “cánh bất giả tu trì” (chẳng còn nhọc sức phải tu trì).

 

  (Diễn) Cánh bất giả tu trì.

  (演)更不假修持。

(Diễn: Chẳng còn nhọc sức phải tu trì).

 

  Không cần phải cậy vào tu trì nữa, tu hay chẳng tu? Vẫn tu y như cũ! Đại Thế Chí Bồ Tát đã đạt tới địa vị Đẳng Giác, cao minh hơn Hương Nham rất nhiều. Cảnh giới của Hương Nham là Sơ Trụ trong Viên Giáo, vừa mới nhập lưu (dự vào địa vị Pháp Thân đại sĩ), được gọi là “phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân”, ngài Hương Nham vừa mới đạt đến cảnh giới này. Đại Thế Chí Bồ Tát là Đẳng Giác Bồ Tát, cao hơn Sư (ngài Hương Nham) bốn mươi cấp bậc, Đại Thế Chí Bồ Tát có tu hay không? Vẫn là “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm nối tiếp”. Mỗi ngày, Ngài vẫn niệm một câu A Di Đà Phật, chẳng phải là không niệm. Tuy niệm câu A Di Đà Phật, Ngài niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm. Vì thế, “chẳng còn nhọc sức phải tu trì”.

 

  (Diễn) Sở vị: Tu chứng tức bất vô, nhiễm ô tức bất đắc.

(演)所謂修證即不無,染污即不得。

(Diễn: Đó gọi là: Chẳng phải là không có tu chứng, nhưng chẳng bị nhiễm ô).

  Hai câu này do thiền sư Hoài Nhượng thưa với Lục Tổ. Lục Tổ hỏi Sư: “Ông có còn tu hay không?” Có! “Tu chứng tức bất vô”, [ý nói] con còn có tu. Tuy tu, nhưng “nhiễm ô tức bất đắc”, đó là vô tu, chẳng giữ lại ấn tượng, tâm địa thanh tịnh. Nhìn từ bề ngoài, Sư có tu, nhưng nói theo bên trong, thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, đúng là “vốn chẳng có một vật”. Thiền sư Hoài Nhượng nói lời ấy, Lục Tổ liền ấn chứng: “Như thị, như thị” (Đúng như thế đấy), ông tu theo cách ấy, mà ta cũng tu theo cách ấy.

 

  (Diễn) Hựu tức sở vị, đoạn trừ vọng tưởng trùng tăng bệnh, thú hướng Chân Như diệc thị tà.

(演)又即所謂,斷除妄想重增病,趣向真如亦是邪。

(Diễn: Lại chính là như thường nói: “Đoạn trừ vọng tưởng càng thêm bệnh, tiến đến Chân Như cũng vẫn tà”).

 

  Chư vị phải biết: Đã đạt tới cảnh giới ấy thì mới có thể thốt lời này. Nếu chưa đạt đến cảnh giới ấy, quý vị muốn học theo kiểu này, sẽ chẳng được! Khi ấy, Kiến Tư phiền não đều đoạn; nếu vẫn còn phải đoạn phiền não thì chẳng phải là có bệnh rồi sao? Giống như quý vị bị bệnh phải uống thuốc, đó là đúng. Bệnh đã lành mà lại uống thuốc, há chẳng phải là lại sanh bệnh ư? Chẳng có bệnh, uống thuốc vào, sẽ đổ bệnh ra, có ý nghĩa này! Nay chúng ta đang bị bệnh, cần phải uống thuốc; họ đã lành bệnh, nên chẳng cần uống thuốc, cảnh giới chẳng giống chúng ta! Vì thế, họ chẳng đoạn vọng tưởng, mà cũng chẳng cần cầu Chân! Vì sao? Đã thật sự chứng đắc. Đã chứng đắc Chân, mà còn lại cầu Chân, tức là trên cái Chân lại chồng thêm một cái Chân nữa, sai mất rồi! Vì thế, bậc Bồ Tát từ hàng kiến tánh trở lên, nếu thật sự còn có tu, còn có chứng, tức là sai lầm quá đỗi! Cảnh giới của các Ngài là vô trí mà cũng vô đắc, vô tu, vô chứng, đó là thật sự chứng đắc.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net