/ 289
534

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 180

 

Xin xem A Di  Đà  Kinh  Sớ  Sao  Diễn  Nghĩa  Hội  Bản, trang ba

trăm bảy mươi bảy:

 

  (Sao) Đạo thụ giả, Đại Bổn ngôn: “Phật đạo tràng thụ, chúng bảo trang nghiêm, bảo võng phú thượng, vi phong từ động, xuất vô lượng diệu pháp âm thanh, biến chư Phật sát, chúng sanh văn giả, đắc thâm Pháp Nhẫn, trụ Bất Thoái Chuyển, dĩ chí thành tựu Vô Thượng Bồ Đề”.

(鈔) 道樹者,大本言:佛道場樹,眾寶莊嚴,寶網覆上,微風徐動,出無量妙法音聲,遍諸佛剎,眾生聞者,得深法忍,住不退轉,以至成就無上菩提。

(Sao: “Cây đạo tràng”: Kinh Đại Bổn nói: “Cây đạo tràng của Phật, trang nghiêm bằng các thứ báu, lưới báu phủ lên trên. Gió nhẹ khẽ lay động, phát ra vô lượng âm thanh diệu pháp vang vọng khắp các cõi Phật. Chúng sanh nghe tiếng bèn đắc Pháp Nhẫn sâu, trụ Bất Thoái Chuyển, cho đến thành tựu Vô Thượng Bồ Đề).

 

  Đây là giải thích câu “hựu Phật đạo thụ thuyết pháp” (cây đạo tràng của Phật lại thuyết pháp) trong lời Sớ, chuyện này được nói trong kinh Vô Lượng Thọ. Không chỉ là các cây đạo tràng gần giảng đường của A Di Đà Phật, mà toàn thể các hàng cây ở khắp nơi trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều chẳng khác gì những cây ở đạo tràng. Khi chúng ta đọc Đại Kinh đã thấy hiện tượng này. Vì Tây Phương Cực Lạc thế giới là một thế giới bình đẳng, nếu chánh báo bình đẳng, tướng mạo và dung nhan của chúng ta hoàn toàn giống với A Di Đà Phật, hoàn cảnh cư trụ của chúng ta đương nhiên sẽ chẳng khác biệt A Di Đà Phật. Nếu có sai biệt, chẳng thể coi thế giới ấy là một thế giới bình đẳng. Dẫu là hạ phẩm hạ sanh, y báo và chánh báo trang nghiêm đều giống như chư Phật, Bồ Tát.

  “Phật đạo tràng thụ, chúng bảo trang nghiêm” (Cây đạo tràng của Phật được trang nghiêm bằng các món báu), vì Tây Phương đều là do các thứ báu hợp thành. Đôi khi kinh nói là bảy báu. Trong Sớ Sao, Liên Trì đại sư nói: Do người thế gian chúng ta coi những thứ ấy là quý báu, nghĩ chúng vô cùng trân quý, nên [kinh văn] nêu đại lược bảy thứ. Trên thực tế, trân bảo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới vô lượng vô biên. Trên mỗi cây đều có phủ “la võng”, đẹp đẽ dị thường! Quán Kinh có nói: Những lưới mành ấy còn tỏa ra ánh sáng, trong quang minh lại hóa hiện Phật. Cảnh giới ấy quá đẹp đẽ. Các cõi nước của mười phương chư Phật lại còn hiện bóng rõ rệt trong ánh sáng của lưới mành, giống như chúng ta xem TV, có thể thấy các thế giới của hết thảy chư Phật trong những phương khác. Đương nhiên, địa cầu trong thế giới Sa Bà cũng ở trong ấy. Đối với một hội của chúng ta ở đây trong hiện thời, chúng ta giảng kinh và nghe kinh ở đây, họ cũng thấy rõ ràng trong lưới báu, họ thấy rõ hình dáng của mỗi người chúng ta.

  “Vi phong từ động, xuất vô lượng diệu pháp âm thanh” (Gió nhẹ khẽ thổi, phát ra vô lượng âm thanh diệu pháp): Gió thổi qua cây, cành va vào nhau, lá chạm lẫn nhau, đều phát ra âm thanh. Âm thanh du dương là một chuyện khác, càng mầu nhiệm hơn là những âm thanh ấy có thể thuyết pháp. Thuyết pháp gì? Chúng ta muốn nghe pháp gì, nó liền nói pháp ấy, đích xác là mầu nhiệm. Trong thế gian này, chúng ta chỉ đọc trong kinh Đại Thừa [thấy nói]: “Phật dùng một âm thanh để thuyết pháp, chúng sanh tùy theo từng loài đều hiểu”. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, vô tình thuyết pháp. Cây cối là vô tình, thực vật cũng có thể thuyết pháp. Cây báu trọn khắp Tây Phương quốc độ, nên thuyết pháp cũng là trọn khắp mỗi góc của Tây Phương. Càng mầu nhiệm hơn là dưới mỗi cội cây báu đều có hóa thân của Tây Phương Tam Thánh. Đến nơi ấy, đúng là không lúc nào, không chỗ nào chẳng thấy A Di Đà Phật. Chẳng như trong thế gian này, địa phương quá lớn, Tổng Thống chỉ ở Thủ Đô, các nơi biên địa chẳng trông thấy, tối đa là nhìn thấy phút chốc trên TV. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, Phật hóa thân, hóa thân trọn khắp quốc độ, hóa hiện thân giống hệt như bản thân Ngài. Cũng có thể nói là quý vị lúc nào, chỗ nào, cũng đều thấy A Di Đà Phật. A Di Đà Phật chẳng rời quanh ta. Đúng là mầu nhiệm chẳng thể diễn tả được!

  Sau khi chúng sanh nghe Phật pháp, “đắc thâm Pháp Nhẫn” (đắc Pháp Nhẫn sâu xa); đấy là lợi ích thù thắng do nghe pháp mà đạt được, đắc Pháp Nhẫn rất sâu. Câu này, nói theo thực tế là phẩm vị của chúng ta được nâng cao. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, nếu xét theo cách nói thông thường, xét theo trình độ, quả thật có năm mươi hai đẳng cấp, từ địa vị Sơ Tín cho đến địa vị Diệu Giác. Thường xuyên nghe pháp, sẽ dần dần nâng cao phẩm vị của chính mình, từ địa vị Thập Tín đạt đến Thập Trụ, từ Thập Trụ đạt đến Thập Hạnh, từ Thập Hạnh đạt đến Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác. Ở đây, chúng ta phải chú ý là “nghe pháp”. Vì sao tu hành trong mười phương thế giới bị thoái chuyển? Do chẳng nghe pháp. Không nghe pháp sẽ dễ dàng thoái chuyển, vì sao? Đừng nói là từ quá khứ vô lượng kiếp tới nay, nói ngay trong một đời này, từ lúc chúng ta hiểu chuyện cho đến hiện tại, lục căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới bên ngoài đều là ngũ dục, lục trần, tham, sân, si, mạn, nên bất tri bất giác bị phiền não huân tập.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289