/ 289
457

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 175


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm bảy mươi:


(Kinh) Xá Lợi Phất, nhữ vật vị thử điểu thật thị tội báo sở sanh. Sở dĩ giả hà? Bỉ Phật quốc độ, vô tam ác đạo. Xá Lợi Phất! Kỳ Phật quốc độ thượng vô ác đạo chi danh, hà huống hữu thật? Thị chư chúng điểu, giai thị A Di Đà Phật dục linh pháp âm tuyên lưu, biến hóa sở tác.

(Sớ) Khủng nghi Tịnh Độ hà nhân nhi hữu súc sanh, bất phù Pháp Tạng bổn nguyện, cố minh bỉ quốc thật vô ác đạo, dĩ bỉ Phật dục linh pháp biến nhập nhĩ, thần lực biến hóa, phi chân súc sanh cố, hựu bất đồng thiên điểu năng thuyết pháp cố.

(經) 舍利弗。汝勿謂此鳥。實是罪報所生。所以者何。彼佛國土。無三惡道。舍利弗。其佛國土。尚無惡道之名。何況有實。是諸眾鳥。皆是阿彌陀佛。欲令法音宣流。變化所作。

(疏) 恐疑淨土何因而有畜生,不符法藏本願,故明彼國實無惡道,以彼佛欲令法遍入耳,神力變化,非真畜生故,又不同天鳥能說法故。

(Kinh: Này Xá Lợi Phất! Ông chớ nói những con chim ấy thật sự sanh từ tội báo. Vì cớ sao vậy? Cõi đức Phật ấy chẳng có ba ác đạo. Này Xá Lợi Phất! Cõi nước Phật ấy còn chẳng có cái tên ác đạo, huống là thật sự có! Các con chim ấy đều do A Di Đà Phật muốn cho pháp âm được tuyên lưu mà biến hóa tạo ra.

Sớ: Sợ [người nghe] sẽ nghi cõi Tịnh Độ do nhân gì mà có súc sanh, chẳng phù hợp với bổn nguyện của ngài Pháp Tạng, nên nói rõ cõi ấy thật sự chẳng có ác đạo, mà vì đức Phật muốn cho pháp được nghe trọn khắp, nên dùng sức thần thông mà biến hóa, chứ chẳng phải là súc sanh thật sự. [Những con chim ấy] lại chẳng giống chim cõi trời vì chúng có thể thuyết pháp).


Lời văn giải thích rất đơn giản. Trong phần trước đã nói hữu tình thuyết pháp trong thế giới Tây Phương, đặc biệt nói tới các loài chim nhiều màu sắc. Trong Đại Bổn, nguyện thứ nhất trong bốn mươi tám nguyện đã nói rất rõ ràng: Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có ba ác đạo. Chẳng có ba ác đạo, nhưng những con chim này thuộc về súc sanh đạo, cớ sao lại có chim? Kinh văn đặc biệt dạy rõ: Xác thực là Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có súc sanh đạo. Vì sao chẳng có súc sanh đạo? Trong kinh Vô Lượng Thọ đã giảng nguyên nhân rất rõ rệt. Lục đạo là quả báo, quả báo thì đương nhiên phải có nghiệp nhân. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có cái nhân là Tam Độc tham, sân, si, bất cứ một người nào trong Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng đều chẳng có ý niệm tham, sân, si, hoàn toàn chẳng có những vọng tưởng ấy, nên Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có quả báo tam đồ. Chúng ta nhất định phải nhận biết rõ ràng điều này: Hễ có nhân, ắt có quả; có quả thì nhất định phải có nhân. Thế giới này của chúng ta không chỉ là ác đạo nhiều, mà còn vô cùng khổ sở! Từ cái nhân, chúng ta có thể thấy được, Tam Độc phiền não không ngừng tăng trưởng, mỗi năm một nghiêm trọng hơn, liền biết quả báo tam đồ ngày càng rộng lớn hơn. Người đọa vào trong ấy rất đông, đó là đạo lý nhất định. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có ba ác đạo, những con chim ấy ở đâu ra? Đức Thế Tôn bảo: Những con chim ấy do A Di Đà Phật biến hóa tạo ra nhằm mục đích thuyết pháp. Lời Sao đã giải thích tỉ mỉ ý nghĩa này.


(Sao) Hà nhân giả?

(鈔) 何因者。

(Sao: Do nhân nào?)


Nhân duyên gì vậy?


(Sao) Ngu si ám tế dĩ vi chi nhân, sanh súc sanh thú.

(鈔) 愚痴暗蔽以為之因,生畜生趣。

(Sao: Do bị ngu si tối tăm che lấp làm nhân, nên sanh trong đường súc sanh).


Nêu ra nghiệp nhân của ác đạo; nghiệp nhân của súc sanh đạo là ngu si, [nghiệp nhân của] ngạ quỷ đạo là tham ái, [nghiệp nhân của] địa ngục đạo là sân khuể. Thật ra, nhân duyên khá phức tạp. Cách nói trên đây là nói theo cái nhân bậc nhất, tức là cái nhân quan trọng nhất. Nếu chúng ta thấu hiểu ý nghĩa sâu xa trong lời Phật nói, chắc chắn là đức Phật nói lời chân thật, trong cuộc sống hằng ngày, bản thân chúng ta phải nên biết tự kiểm điểm: Từ sáng đến tối, chúng ta khởi tâm động niệm có những ý niệm ấy hay chăng? Đối với tham, sân, si, dễ dàng nhận biết tham, sân khuể cũng dễ dàng cảm nhận, nhưng ngu si chẳng dễ gì cảm nhận! Ngu si là hồ đồ, mê hoặc, đối với hết thảy các Sự Lý trước mắt, chẳng thể phân biệt tà, chánh, đúng, sai, điên đảo, lầm loạn. Đó là ngu si! Đang ngu si thì làm sao quý vị có thể cảm nhận được? Rất khó! Nếu chẳng đọc sách thánh hiền, quý vị sẽ chẳng biết chính mình là ngu si. Kẻ ngu si sẽ chẳng nói chính hắn là ngu si, giống như kẻ uống rượu say sưa chẳng thừa nhận chính mình đã say! Vì thế, nhất định phải đọc sách thánh hiền.

/ 289