A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 176
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm bảy mươi mốt:
(Sao) Bổn nguyện giả, Đại Bổn Pháp Tạng nguyện vân: “Ngã tác Phật thời, sát trung vô ngạ quỷ, súc sanh, dĩ chí quyên nhuyễn”. Hựu nguyện vân: “Ngã sát trung nhân, giai bất văn bất thiện chi danh, hà huống hữu thật, bất đắc thị nguyện, chung bất tác Phật”.
(鈔) 本願者,大本法藏願云:我作佛時,剎中無餓鬼畜生,以至蜎蝡。又願云:我剎中人,皆不聞不善之名,何況有實,不得是願,終不作佛。
(Sao: “Bổn nguyện”: Trong kinh Đại Bổn, ngài Pháp Tạng nguyện rằng: “Lúc tôi thành Phật, trong cõi nước chẳng có ngạ quỷ, súc sanh, cho đến các loài ngọ nguậy, bò toài”. Lại nguyện rằng: “Trong cõi của tôi, đều chẳng nghe những danh xưng bất thiện, huống là thật có. Chẳng thỏa nguyện ấy, trọn chẳng làm Phật”).
Đoạn này nhằm giải thích câu “bất phù Pháp Tạng bổn nguyện” (chẳng hợp với bổn nguyện của ngài Pháp Tạng) trong lời Sớ. Trong phần bốn mươi tám nguyện của kinh Vô Lượng Thọ, A Di Đà Phật đã nói: Tây Phương Cực Lạc thế giới quyết định chẳng có ba ác đạo. Trong lời nguyện thứ nhất, Ngài đã phát ra nguyện “quyết định chẳng có ba ác đạo”. Không chỉ chẳng có ba ác đạo, ngay cả cái tên ba ác đạo còn chẳng nghe thấy, huống là thật sự có! Pháp Tạng Bồ Tát đã thành Phật, nay là Tây Phương thế giới A Di Đà Phật. Nếu chẳng có ba ác đạo, ngay cả cái tên ba ác đạo còn chẳng nghe thấy, vì sao còn thấy những loài chim? Nghi vấn sanh khởi từ chỗ này!
(Sao) Vân hà Phật đạo dĩ thành, đốn vi túc nguyện.
(鈔) 云何佛道已成,頓違宿願。
(Sao: Vì sao nói là đã thành Phật đạo, mà lại mâu thuẫn với nguyện xưa!)
Dường như là mâu thuẫn với lời nguyện đã phát trong quá khứ.
(Sao) Cố minh bỉ quốc nguyên vô ác đạo, phi duy mục sở vị đổ, diệc phục nhĩ sở bất văn. Lương diêu nhĩ chi sở văn, duy thị chư Phật Như Lai vạn đức hồng danh, Bồ Tát, Thanh Văn, cập chư thiên, thiện nhân chủng chủng gia hiệu, tằng vô tam ác danh tự lịch nhĩ căn cố.
(鈔) 故明彼國原無惡道,非唯目所未睹,亦復耳所不聞。良繇耳之所聞,唯是諸佛如來萬德洪名,菩薩聲聞及諸天善人種種嘉號,曾無三惡名字歷耳根故。
(Sao: Vì thế, nói rõ cõi ấy vốn chẳng có ác đạo. Chẳng phải chỉ là mắt không trông thấy, mà còn là tai chưa nghe thấy. Ấy là vì những điều được nghe toàn là vạn đức hồng danh của chư Phật Như Lai và các thứ danh hiệu tốt lành của Bồ Tát, Thanh Văn, chư thiên và các vị thiện nhân, chưa hề nghe tên gọi của ba ác đạo thoảng qua tai).
Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, những điều quý vị thấy và nghe đều là “chỉ ư chí thiện” (đạt tới chỗ tốt lành tột cùng), những điều được tiếp xúc đều là cảnh giới tối thiện. Những loài chim ấy ở đâu ra? Tiếp theo đây, Ngài nói cho chúng ta biết:
(Sao) Biến hóa sở tác giả.
(鈔) 變化所作者。
(Sao: Biến hóa tạo ra).
Giải thích tỉ mỉ câu “dĩ bỉ Phật dục linh pháp biến nhân nhĩ, thần lực biến hóa, phi chân súc sanh cố” (do đức Phật ấy muốn cho pháp được nghe trọn khắp, nên dùng thần lực biến hóa, chứ chẳng phải là súc sanh thật sự).
(Sao) Phục tự nạn ngôn.
(鈔) 復自難言。
(Sao: Lại tự cật vấn rằng).
“Nạn” (難) là nêu ra nghi vấn.
(Sao) Ký vô súc sanh, kim Bạch Hạc, Khổng Tước đẳng, hà sở tùng lai, nhi tại bỉ quốc?
(鈔) 既無畜生,今白鶴孔雀等,何所從來,而在彼國。
(Sao: Đã chẳng có súc sanh, nay Bạch Hạc, chim Công v.v… do đâu mà tồn tại trong cõi nước ấy?)
Hiện thời, đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới, đức Thế Tôn đã giới thiệu cảnh giới ấy, trong hội Vô Lượng Thọ, lại có hơn hai vạn người dự hội đều trông thấy cảnh giới ấy; do đó, có thể chứng minh những lời Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói chẳng giả, xác thực là chân thật. Những loài chim ấy do đâu mà có, nhất định phải nêu ra nguyên nhân.
(Sao) Nãi xuất kỳ diêu, thị Phật hóa tác, phi chân thật hữu.
(鈔) 乃出其繇,是佛化作,非真實有。
(Sao: Bèn nêu ra nguồn cội: Chúng là do đức Phật hóa ra, chẳng phải là thật sự có).
A Di Đà Phật dùng các công cụ ấy, biến hóa tạo ra, dùng chúng thuyết pháp thay cho Ngài, giống như nay chúng ta dùng băng thâu âm hoặc băng thâu hình cũng có thể thay thế [người thật] thuyết pháp, bất quá chẳng biến hóa xảo diệu và tự tại như A Di Đà Phật! Tuy hiện thời chúng ta cũng có thể biến hóa những công cụ khoa học ấy, nhưng vẫn chưa thể hoàn toàn tự tại, còn phải chịu rất nhiều hạn chế.