/ 289
461

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 174


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm sáu mươi chín:


(Sao) Thục Nhĩ Căn giả, tuy thiện thuyết pháp, nhất bộc thập hàn, tâm tắc giải phế, kim duy lục thời tương tục, tập thính ứ văn, thiếp tủy luân cơ, huân đào thành tánh, cố niệm Tam Bảo.

(鈔) 熟耳根者,雖善說法,一暴十寒,心則懈廢,今唯六時相續,習聽飫聞,浹髓淪肌,熏陶成性,故念三寶。

(Sao: “Nhĩ Căn thuần thục”: Tuy khéo thuyết pháp, nhưng bữa đực bữa cái, tâm ắt biếng nhác, bỏ quên. Nay sáu thời liên tục, quen nghe đầy tai, thấm đẫm xương thịt, un đúc thành tánh, nên niệm Tam Bảo).


Ý nghĩa chủ yếu trong đoạn này là tầm trọng yếu của sự huân tập. Tiếp đó, Ngài nêu ra một sự thật: “Tuy thiện thuyết pháp, nhất bộc thập hàn” (Tuy khéo thuyết pháp, nhưng buổi đực, buổi cái). Dẫu là khéo nói, nhưng thiếu khuyết, chẳng được huân tập trong một thời gian, sẽ là y như cũ: Chẳng thu được hiệu quả! Học Phật bị ngã lòng, hoặc học Phật chẳng có thành tựu, nguyên nhân đều do chỗ này. Trong thế giới trước mắt, do khoa học kỹ thuật phát triển, đời sống vật chất sung túc, nhưng tinh thần nghèo nàn thua xa bất cứ thời đại nào! Đó là vì chẳng được huân tập trong một thời gian dài. Một ngày nóng, mười ngày lạnh, tôi nghĩ mỗi vị đồng tu đều có cảm xúc này. Cầu học và tu đạo đều phải là liên tục chẳng ngừng thì mới có thể thành tựu, chứ làm một ngày, ngưng vài ngày, rất khó đạt được hiệu quả.

Trước đây, thầy Lý giảng kinh ở Đài Trung, tôi ở Đài Trung mười năm, thật sự là khá kiên nhẫn. Khi đó, tôi từng giới thiệu hai người bạn đến học. Một vị là pháp sư Kiến Như, thầy ấy ở Đài Trung ba tháng liền bỏ đi, bảo: “Không được rồi! Tôi không có kiên nhẫn”. Mỗi tuần, thầy Lý giảng hai lần, giảng kinh Phật một lần, giảng Quốc Văn một lần. Trên thực tế, mỗi tuần chỉ nghe kinh một tiếng đồng hồ, một ngày nóng, bảy ngày lạnh. Nếu muốn thu được hiệu quả giống như thời cổ quả thật rất khó! Ngoài ra, tôi còn giới thiệu một vị khác là pháp sư Huệ Nhẫn, vị này ở được nửa năm rồi cũng bỏ đi, cũng chịu không nổi. Mỗi vị đều chuộng khóa trình dày đặc. Khi đó, tôi luôn khuyên họ hãy thật sự đổ công kiên nhẫn học tập. Tôi nói: Mỗi tuần hai lần, Quốc Văn là một tiếng rưỡi, học kinh Phật một tiếng. Thật sự tu học thì thời gian này vừa khớp, quý vị có thể tiêu hóa toàn bộ. Nếu thầy Lý tăng gấp đôi thời gian, tôi vẫn còn có thể ứng phó được. Nếu thầy giảng mỗi ngày, tôi chẳng có cách nào tiêu hóa. Mỗi tuần tôi học một giờ, sẽ học rất vững vàng. Học xong một tiếng đồng hồ ấy, tôi có thể lên bục giảng lại được, tuy chẳng thể giống như thầy Lý một trăm phần trăm, nhưng có thể đạt tới chín mươi lăm phần trăm. Nghiêm túc học tập, tôi cảm thấy một tuần học bốn giờ hết sức phù hợp. Nhưng như các đồng tu tại Đồ Thư Quán hiện thời, nếu mỗi tuần giảng cho quý vị một giờ, quý vị liền kêu khổ thấu trời, giảng hai giờ chắc chắn sẽ chịu không nổi! Nếu thật sự học tập thì quý vị học xong một giờ này, chính quý vị lên bục giảng sẽ có thể nhắc lại được, như vậy thì mới coi như là học hiểu.

Giáo học trong Phật môn từ xưa tới nay đều là giảng tiểu tòa, [tức là] sau khi đã tiêu hóa toàn bộ những điều thầy đã giảng, bèn giảng lại, đó gọi là “phức giảng” (複講)[1]. Trước kia, học thứ này thứ nọ trong Phật môn chẳng hề lên lớp dạy học mà là phức giảng. Thầy giảng kinh, học trò nghe kinh, sau khi nghe xong, liền giảng tiểu tòa. “Tiểu tòa” là người ấy và những người chí đồng đạo hợp với chính mình cùng nhau nghiên cứu, phức giảng những gì thầy đã giảng một lần, các bạn học nghe, nghe xong lại cùng nhau nghiên cứu, thảo luận, dùng phương pháp ấy. Đương nhiên là sau khi nghe xong, không có cách nào phức giảng ngay lập tức, thường là phải mất thời gian hai, ba ngày để chuẩn bị. Lúc mới học, nhất định phải viết bài giảng nháp, tức là dùng những điều ta đã ghi chép được từ lời giảng của thầy để soạn thành bài giảng nháp. Bài giảng nháp còn phải chú trọng sử dụng văn nói thông dụng, chẳng phải là viết văn chương. Bài giảng nháp viết theo lối nói thông thường thì giảng một giờ phải viết một vạn chữ. Mỗi tuần viết bài giảng nháp dài một vạn chữ, tối thiểu phải sửa chữa ba lần rồi mới đem ra giảng. Luyện giảng đòi hỏi phải thuần thục, nghe quen tai, nhất định phải là huân tập lâu dài, nhất định phải nghiêm túc nỗ lực học tập.

/ 289