A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 171
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm sáu mươi sáu:
(Sao) Đồng Tướng giả, nhược ước ngũ giáo, tắc nhất giả lập sự tựu nghĩa môn.
(鈔) 同相者,若約五教,則一者立事就義門。
(Sao: Đồng Tướng là nếu ước theo ngũ giáo, thì môn thứ nhất là thiết lập sự tướng để dẫn khởi ý nghĩa).
“Ngũ giáo” là năm môn. Đoạn này vẫn tiếp tục giảng về Tam Bảo, cũng nhằm giải thích phần kinh văn “niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”. Trong phần trước đã giới thiệu Biệt Tướng Tam Bảo, đối lập với Biệt Tướng là Đồng Tướng. Trong phần [giảng giải] Đồng Tướng [Tam Bảo], bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư đã dựa trên giáo nghĩa của tông Hiền Thủ để giải thích. Ngài Hiền Thủ phán giáo đã phán định ngũ giáo là Tiểu, Thỉ, Chung, Đốn, Viên. [Mỗi giáo trong] ngũ giáo đều có Đồng Tướng Tam Bảo. Chúng ta xem loại thứ nhất, loại thứ nhất là Tiểu Giáo, “lập sự tựu nghĩa môn”. Tiểu Giáo thiên trọng sự tướng.
(Diễn) Tam thập nhị tướng, trượng lục kim thân, sự tướng Phật dã. Lập thử sự tướng, dĩ tựu giác nghĩa. Dĩ Thích Ca khổ hạnh thành đạo, thuyết pháp độ nhân, tự giác giác tha, cố danh Phật Bảo.
(演) 三十二相,丈六金身,事相佛也。立此事相,以就覺義。以釋迦苦行成道,說法度人,自覺覺他,故名佛寶。
(Diễn: Ba mươi hai tướng, thân vàng trượng sáu, là Phật theo phương diện sự tướng. Lập ra những tướng ấy, để dẫn khởi ý nghĩa Giác. Vì Phật Thích Ca khổ hạnh thành đạo, thuyết pháp độ người, tự giác, giác tha, nên gọi là Phật Bảo).
Đức Phật chẳng tại thế, chúng ta thờ tượng Phật, đó là Phật Bảo trong Tam Bảo. Thờ tượng Phật với dụng ý khơi gợi, phát khởi trí huệ của chính mình. Phật có nghĩa là giác, giác chứ không mê. Thấy tượng Phật sẽ nhắc nhở giác tâm và giác hạnh của chính mình, phải giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, chẳng bị những thứ huyễn giả trong thế gian mê hoặc. Pháp thế gian đều chẳng thật, kinh Kim Cang đã nói rất minh bạch: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Sở dĩ chúng sanh khổ, Phật, Bồ Tát nói là “kẻ đáng thương xót”, rất đáng thương; vì sao nói họ đáng thương? Bị pháp thế gian làm mê, mê trong các giả pháp, quên bẵng chân thật. Chân thật thì nói thật ra, hưởng thụ bất tận; trong Chân Như bổn tánh có vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng. Kinh văn trong mười một cuốn rưỡi thuộc phần đầu kinh Hoa Nghiêm nói về quả báo của Tỳ Lô Giá Na Như Lai, Tỳ Lô Giá Na là ai? Là chính bản thân chúng ta. Phước báo của chúng ta vốn to ngần ấy, nay lại thê thảm dường này, là vì lẽ nào? Mê muội bổn tánh. Toàn bộ trí huệ và phước đức vốn sẵn có trong bổn tánh đều bị mất đi; chẳng phải là thật sự bị mất đi, mà là mê mất. Ở ngoại quốc, tôi gặp nhiều đồng tu niệm Phật rất tinh tấn, hễ gặp tôi đều thưa hỏi Phật pháp, nhưng khi quay về Đài Loan, chẳng thấy có ai! Phật cũng không học, mà kinh cũng chẳng nghe. Nghe nói họ đều đến thị trường chứng khoán cả rồi, bị những thứ ấy mê hoặc. Mê mất tự tánh, đáng sợ quá! Đó là “kẻ đáng thương xót” như trong kinh điển thường nói, những kẻ ấy đáng thương lắm thay!
Trong nhà quý vị thờ tượng Phật, thường thấy tượng Phật, nhằm nhắc nhở chính mình đừng mê, giác chứ không mê, có ý nghĩa ấy. Ngẫm lại, Thích Ca Mâu Ni Phật là bậc đối với danh vọng, lợi dưỡng thứ gì cũng đều chẳng thiếu; còn kẻ mê hằng ngày suy tính, mong giành lấy, bậc giác ngộ bỏ sạch những thứ đó, bỏ sạch vinh hoa phú quý trong thế gian, khổ hạnh thành đạo, làm cho chúng ta thấy. Cuộc sống vật chất tuy gian khổ, nhưng cuộc sống tinh thần của họ viên mãn. Nói thật ra, khổ và lạc do lũ phàm phu mắt thịt chúng ta thấy như vậy. Chúng ta cảm thấy ăn uống trà thô, cơm nhạt là cuộc sống rất khổ; trong tầm mắt của Phật, Bồ Tát, các Ngài thấy quý vị mỗi ngày ăn cá to, thịt bự rất khổ, rất đáng thương, vì sao? Mỗi ngày đều kết thù oán cùng chúng sanh, nợ nần ngày càng nặng nề, làm sao quý vị có thể trả sạch nợ trong một đời cho được? Quý vị hãy chú tâm lắng lòng quan sát đôi chút, rốt cuộc ai sống đời tự tại? Ai sống khổ sở? Vì thế, khổ và lạc chẳng phải là tiêu chuẩn tuyệt đối. Chúng ta thấy người tu hành sống rất khổ, người tu hành thấy người thế tục rất khổ, rất đáng thương! Do vậy, phải hiểu cuộc sống của Phật, Bồ Tát là chân thật, rất đáng cho chúng ta học tập, làm theo. Lại xem đoạn tiếp theo giảng về Pháp Bảo:
(Diễn) Tứ A Hàm đẳng, bất đàm Thật Tướng, duy thuyết Khổ, Không, thử sự tướng pháp dã. Lập thử sự tướng, dĩ tựu quỹ trì nghĩa. Dĩ Tứ Đế chi pháp, diệc năng quỹ sanh vật giải, nhậm trì tự tánh, cố danh Pháp Bảo.