/ 289
705

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 172

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm sáu mươi sáu:


(Sao) Nhị giả hội Sự quy Lý môn.

(鈔) 二者會事歸理門。

(Sao: Hai là môn quy Sự vào Lý).


Chúng ta vẫn tiếp tục giới thiệu Biệt Tướng trong Tam Bảo. Ước theo Ngũ Giáo để nói thì môn thứ nhất là “lập sự tựu nghĩa môn”. Hôm nay, chúng ta xem đoạn thứ hai là Tam Bảo được nói theo “hội Sự quy Lý môn”.


(Diễn) Phi tam thập nhị tướng chi Phật vi Phật. Bát Nhã kinh vân: “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”. Hựu viết: “Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai”. Hựu viết: “Như Lai giả, tức chư pháp Như nghĩa”. Cố dĩ như Lý vi Phật Bảo.

(演) 非三十二相之佛為佛。般若經云:若以色見我,以音聲求我,是人行邪道,不能見如來;又曰:若見諸相非相,即見如來;又曰:如來者,即諸法如義。故以如理為佛寶。

(Diễn: Chẳng phải vị Phật có ba mươi hai tướng là Phật. Kinh Bát Nhã nói: “Nếu dùng Sắc thấy ta, dùng âm thanh cầu ta, người ấy hành tà đạo, chẳng thể thấy Như Lai”. Lại nói: “Nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng, tức là thấy Như Lai”. Lại nói: “Như Lai là nghĩa Như của các pháp”. Vì thế, lấy như Lý làm Phật Bảo).


Đoạn trước là nói Tam Bảo theo phương diện sự tướng, còn đoạn này hoàn toàn dựa theo Lý để giảng về Tam Bảo. Xét theo Lý, Phật Bảo là tự tánh giác, nên chẳng thể nhìn theo Tướng. Nhất định phải lìa tướng thì mới có thể kiến tánh, Tánh mới là Phật Bảo chân chánh.

Kinh nói rất rõ ràng, câu nào cũng đều nhằm dạy chúng ta lìa tướng: “Ly nhất thiết tướng, tức nhất thiết pháp” (Lìa hết thảy các tướng chính là hết thảy các pháp). Từ Sự có thể hiểu rõ Lý được hiển thị bởi Sự, đó là Phật Bảo, ở đây nói là Như Lý. “Như” là Lý Thể của Chân Như bổn tánh.

(Diễn) Pháp giả, phi dĩ văn tự vi Pháp. Kinh vân: “Hữu pháp khả thuyết, danh vi báng pháp. Vô pháp khả thuyết, thị vi thuyết pháp”. Sở vị vô thuyết, vô văn, thị danh chân thuyết Bát Nhã. Thử dĩ như Lý danh Pháp Bảo.

(演) 法者,非以文字為法。經云:有法可說,名為謗法;無法可說,是為說法;所謂無說無聞,是名真說般若。此以如理名法寶。

(Diễn: Pháp: Chẳng coi văn tự là Pháp. Kinh dạy: “Có pháp để có thể nói thì gọi là báng pháp. Không có pháp nào để có thể nói bèn là thuyết pháp”. Đó gọi là không nói, không nghe bèn gọi là thật sự nói Bát Nhã. Đấy là gọi như Lý là Pháp Bảo).


Lý là một. Nói theo Bổn Giác của Chân Như bổn tánh, nó (Bổn Giác) là Phật, Phật có nghĩa là Giác. Bổn Giác là vốn sẵn giác ngộ. Pháp có nghĩa là “quỹ trì” (軌持), “quỹ” (軌) là quỹ đạo, “trì” (持) là gìn giữ. Nói theo cách hiện thời, [Pháp] là quy luật. Tự tánh chẳng loạn, vốn sẵn trọn đủ hết thảy các quy luật. Vì thế, vũ trụ, cho đến lớn như thế giới, nhỏ như vi trần, kết cấu của chúng đều có quy luật. Hiện thời, khoa học kỹ thuật phát triển, quan sát từ một vi trần, nó có bao nhiêu điện tử, bao nhiêu hạt nhân đang vận hành trong đó, đều có trật tự, chẳng lộn xộn. Pháp là có trật tự, lớp lang, chẳng lộn xộn, rối ren, lớn như các tinh cầu vận hành trong vũ trụ cũng đều có quy tắc. Tự tánh vốn sẵn có quy tắc, vốn chẳng rối loạn, những quy tắc ấy được gọi là Pháp, đó là Pháp Bảo trong tự tánh. Đức Phật nói hết thảy các pháp, cũng đều phù hợp nguyên lý ấy. Đức Phật nói bất luận nghĩa lý, hoặc sử dụng ngôn ngữ và phương pháp cũng đều có thứ tự, chẳng rối loạn. Trong tựa đề kinh, chúng ta thường dùng chữ Kinh, nó có bốn ý nghĩa là Quán, Nhiếp, Thường, Pháp. Nói theo cách hiện thời, Quán, Nhiếp, Thường, Pháp hết sức phù hợp điều kiện khoa học, nó có tầng lớp, có trình tự, quyết định chẳng rối loạn.


(Diễn) Tăng giả, phi dĩ thế phát vi Tăng. Kinh vân: “Tu Đà Hoàn, danh vi Nhập Lưu, nhi vô sở nhập, nãi chí A La Hán, thật vô hữu pháp, danh A La Hán”. Diệc dĩ như Lý vi Tăng Bảo.

(演) 僧者,非以剃髮為僧。經云:須陀洹,名為入流,而無所入。乃至阿羅漢,實無有法,名阿羅漢。亦以如理為僧寶。

(Diễn: Tăng: Chẳng phải cạo tóc bèn là Tăng. Kinh nói: “Tu Đà Hoàn gọi là Nhập Lưu, nhưng không có gì để nhập. Cho đến A La Hán, thật sự chẳng có pháp nên gọi là A La Hán”. Cũng lấy như Lý làm Tăng Bảo).


Tăng Bảo, nói theo Lý là tự tánh hòa hợp. Tự tánh vốn hòa hợp, vốn là thanh tịnh. Tăng có hai ý nghĩa, một là thanh tịnh, hai là ý nghĩa hòa hợp. Những điều này đều vốn sẵn trọn đủ trong tự tánh. Chúng ta thấy vạn pháp trong vũ trụ, nói như hiện thời là “sinh thái tự nhiên”, sinh thái tự nhiên là hòa hợp. Hiện thời, sinh thái tự nhiên bị phá hoại, do con người làm, chúng sanh phá hoại nó, nó vốn là hòa hợp. Từ Lý phát triển thành sự tướng, Sự chẳng trái nghịch Lý, Lý chẳng trở ngại Sự, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại. Chúng ta thường thấy cục bộ, thấy một phần, chẳng thấy toàn thể, nên cảm thấy chỗ nào cũng có trở ngại, có chướng ngại, chẳng viên dung. Nếu có thể thấy mười phương, thấy ba đời, quý vị mới biết không có pháp nào chẳng viên dung, pháp nào cũng đều viên dung. Tam Bảo xét theo Lý thì đây là Tam Bảo trong Thỉ Giáo. Thỉ Giáo là Đại Thừa Không Tông. Đại Thừa khởi đầu bằng nhập Không Môn.

/ 289