/ 289
441

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 170


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm sáu mươi bốn:


(Kinh) Kỳ độ chúng sanh, văn thị âm dĩ, giai tất niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

(經) 其土眾生。聞是音已。皆悉念佛念法念僧。

(Kinh: Chúng sanh cõi ấy, nghe âm thanh ấy rồi thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng).


Đoạn kinh văn này chỉ ra: Sau khi đại chúng nghe thuyết pháp, bèn đạt được lợi ích.


(Diễn) Sớ Sao đản phát minh Phật, Pháp, Tăng, bất phát minh như hà niệm. Kim tựu Sao trung, ước ngũ giáo thuyết Tam Bảo, tắc kim niệm pháp, diệc đương hữu ngũ giáo bất đồng.

(演) 疏鈔但發明佛法僧,不發明如何念。今就鈔中約五教說三寶,則今念法,亦當有五教不同。

(Diễn: Sớ Sao chỉ giảng rõ Phật, Pháp, Tăng, nhưng chẳng dạy rõ nên niệm như thế nào? Nay trong phần Sao, đã dựa trên ngũ giáo để nói về Tam Bảo, vậy thì đối với cách niệm [Tam Bảo], cũng nên có [sự phân định cách niệm] khác nhau theo ngũ giáo).


Đối với đoạn này, bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư giảng khá giản lược, nên sách Diễn Nghĩa bổ sung ý nghĩa. Ngài Liên Trì soạn Sớ Sao, chọn lựa phương thức [chú sớ] theo quy củ của tông Hiền Thủ, tức là [theo quy củ] của tông Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm nói ngũ giáo, thập huyền. Sở dĩ Liên Trì đại sư chọn lựa [cách giảng giải theo tông] Hoa Nghiêm là vì có dụng ý rất sâu, cũng chính là đối đãi bộ kinh A Di Đà và pháp môn Niệm Phật ngang hàng với kinh Hoa Nghiêm. Vì lẽ đó, chỗ nào Ngài cũng dùng kinh Hoa Nghiêm để giải thích kinh văn của kinh này.


(Diễn) Như Tiểu Giáo, tức thị Hữu môn, kỳ niệm Tam Bảo, thật hữu năng niệm, sở niệm dã.

(演) 如小教,即是有門,其念三寶,實有能念所念也。

(Diễn: Như Tiểu Giáo chính là Hữu môn, họ niệm Tam Bảo thật sự có chủ thể niệm và đối tượng được niệm).


Nay chúng ta dùng biện pháp này để niệm Phật là được rồi! Cổ đức dạy chúng ta thật thà niệm Phật, chớ nên ham cao, chuộng xa! Ta là người niệm Phật (năng niệm), A Di Đà Phật là đức Phật được ta niệm (sở niệm). Có Năng, có Sở, một mực niệm như thế, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới quyết định chẳng có vấn đề gì. Chớ nên ham cao, chuộng xa, đâm ra bị hỏng chuyện! Cách niệm này hết sức đáng tin cậy. Chúng ta niệm theo cách này, có phải là sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, phẩm vị rất thấp hay không? Không nhất thiết! Nếu quý vị niệm như vậy, thật ra, ta cũng đừng nên chấp trước. Lẽ đâu trong mỗi niệm niệm Phật [bèn suy tưởng]: “Ta là năng niệm, A Di Đà Phật là sở niệm của ta”. Quý vị đừng nên nghĩ kiểu ấy! Nếu niệm niệm đều mang ý niệm ấy, bèn thuộc về Tiểu Giáo. Nếu chẳng có niệm ấy, công phu và cảnh giới niệm Phật của quý vị không ngừng tăng cao, niệm đến mức Năng lẫn Sở cùng mất, cũng chẳng cần tác ý để quên. Nếu cố ý quên đi thì cũng chẳng quên được! Vì thế, khi công phu đạt tới mức, tự nhiên thành tựu, hết thảy đều là tự nhiên, hết thảy đều là tùy ý, chẳng có mảy may nào phải dụng công, cách niệm này tốt lắm, hết sức đúng pháp! Đấy là Tiểu Giáo niệm Phật, thật sự là có năng niệm và sở niệm.


(Diễn) Thỉ Giáo, tức Không môn, năng niệm, sở niệm nhất thiết giai Không dã.

(演) 始教,即空門,能念所念一切皆空也。

(Diễn: Thỉ Giáo chính là Không môn, năng niệm và sở niệm hết thảy đều là Không).


Nói thật ra, điều này chẳng thể học. Nếu học, sẽ học chẳng giống, phiền phức to lớn, đâm ra còn bị thất bại, ngay cả đới nghiệp vãng sanh cũng chẳng vãng sanh được, rất đáng tiếc! Vì thế, vẫn chẳng bằng thật thà thực hiện từ Tiểu Giáo. Thỉ Giáo là khởi đầu của Đại Thừa, Chung Giáo là Đại Thừa viên mãn.


(Diễn) Chung Giáo, tức diệc Hữu diệc Vô môn, niệm nhi bất niệm, bất niệm nhi niệm dã. Đốn Giáo, tức phi Không phi Hữu môn, năng sở song tịch, vô niệm bất niệm, ly niệm đốn hiển dã. Viên Giáo, tức viên dung vô ngại môn, nhất niệm, nhất thiết niệm, nhất thiết niệm, nhất niệm, nhất thời đốn niệm, phi ẩn hiển, nhất thiết viên thành, vô thắng liệt dã.

(演) 終教,即亦有亦無門,念而不念、不念而念也。頓教,即非空非有門,能所雙寂,無念不念,離念頓顯也。圓教,即圓融無礙門,一念一切念,一切念一念,一時頓念非隱顯,一切圓成無勝劣也。

(Diễn: Chung Giáo chính là môn Cũng Có Cũng Không, niệm mà chẳng niệm, chẳng niệm mà niệm. Đốn Giáo chính là môn Chẳng Phải Có Chẳng Phải Không, Năng và Sở cùng vắng lặng, chẳng có niệm và vô niệm, lìa niệm mà nhanh chóng hiển lộ. Viên Giáo chính là môn Viên Dung Vô Ngại, một niệm là hết thảy niệm, hết thảy niệm là một niệm, niệm cùng một lúc, chẳng ẩn, chẳng hiển, hết thảy thành tựu viên mãn, chẳng có hơn kém).

/ 289