A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 169
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm sáu mươi hai:
(Sao) Cứ thất loại thứ đệ, văn pháp tiên đương niệm trì, thứ tức cần tu, cần cố nhiếp tâm điều nhu, nhu cố thành Căn, Căn tăng thành Lực, nãi Thất Giác phân biệt, Bát Đạo chánh hạnh. Kim trọng Tín giả, thử kinh dĩ Tín vi chủ, nhi Căn Lực nhị câu thủ Tín, Tín trì dư tứ, thị đạo chi nguyên, đức chi mẫu dã. Như Ngũ Vị chi trung, Tín diệc cư sơ. Thập Tín chi trung, Tín diệc cư sơ. Thập nhất thiện pháp, Tín diệc cư sơ cố.
(鈔) 據七類次第,聞法先當念持,次即勤修,勤故攝心調柔,柔故成根,根增成力,乃七覺分別,八道正行。今重信者,此經以信為主,而根力二俱首信,信持餘四,是道之元,德之母也。如五位之中,信亦居初;十信之中,信亦居初;十一善法,信亦居初故。
(Sao: Xét theo thứ tự của bảy loại, nghe pháp thì trước hết nên niệm trì, kế đến là siêng tu. Do siêng năng nên nhiếp tâm điều hòa, mềm mỏng. Do mềm mỏng nên thành Căn, Căn tăng trưởng thành Lực, cho đến Thất Giác phân biệt, Bát Đạo chánh hạnh. Nay vì chú trọng Tín, kinh này lấy Tín làm chủ yếu, mà hai khoa Căn và Lực đều xếp Tín hàng đầu. Tín bao gồm bốn điều còn lại, Tín là nguồn đạo, là mẹ của đức. Như trong Ngũ Vị, Tín cũng đứng đầu. Trong Thập Tín, Tín cũng đứng đầu. Trong mười một thiện pháp, Tín cũng đứng đầu).
Phần giải thích kinh văn này nói rõ nguồn cội [vì sao có] thứ tự Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm trong bản kinh này. Đức Phật nói bộ kinh này, đã tỉnh lược ba khoa trước trong Ba Mươi Bảy Phẩm, bắt đầu giảng từ Ngũ Căn và Ngũ Lực. Ở đây, đại sư chỉ rõ nguyên nhân, hết sức đáng cho chúng ta chú ý. Tuy [đức Phật] chẳng nói những khoa trước, nhưng mỗi khoa sau lại sâu hơn khoa trước, khoa sau lấy khoa trước làm cơ sở. Nói khoa sau, nhất định là khoa trước được bao gồm trong ấy. Đó là đạo lý nhất định.
“Văn pháp tiên đương niệm trì” (Nghe pháp thì trước hết hãy nên niệm trì), “niệm” là Tứ Niệm Xứ. Bất luận Đại Thừa hay Tiểu Thừa, đối với Phật pháp, chúng ta biết điều được mong cầu là trí huệ, là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Mong cầu trí huệ viên mãn, nhất định phải dùng huệ tâm để cầu. Chắc chắn là mê hoặc, điên đảo chẳng thể thành tựu trí huệ, huống hồ là trí huệ viên mãn rốt ráo! Do đó, học Phật pháp từ chỗ nào? Ở đây, [lời Sao] đã cho chúng ta biết nguyên tắc và nguyên lý: Bất luận tông phái nào, bất luận pháp môn nào, tại Trung Quốc, Đại Tiểu Thừa có mười tông phái, có khá nhiều pháp môn, như kinh thường nói là “tám vạn bốn ngàn pháp môn”, hoặc “vô lượng pháp môn”, nhưng phương tiện để thực hiện sự tu tập trong các tông phái và pháp môn đều là Tứ Niệm Xứ. Trước khi đức Phật diệt độ, tôn giả A Nan đã hỏi đức Phật bốn vấn đề, trong đó có một câu hỏi là: “Phật tại thế, chúng con nương vào Phật để trụ. Phật chẳng còn tại thế thì chúng con nương vào ai để trụ?” Đức Phật liền nói: “Nương vào Tứ Niệm Xứ để trụ”. Có thể thấy Tứ Niệm Xứ vô cùng trọng yếu.
Thuở ấy, trong hội giảng kinh đó, ngài A Nan thị hiện thân phận Tiểu Thừa. Trong kinh Đại Thừa, nhất là kinh Bát Nhã, chẳng hạn như trong kinh Kim Cang, tôn giả Tu Bồ Đề nêu ra hai câu hỏi, một trong hai câu hỏi là: “Nên trụ như thế nào?” Nếu dựa theo nguyên tắc này để trả lời sẽ là: “Nương theo Tứ Niệm Xứ để trụ”. Câu trả lời rất đơn giản! Đương nhiên, cảnh giới Kim Cang Bát Nhã là cảnh giới của bậc Sơ Trụ trở lên, là cảnh giới của Pháp Thân đại sĩ, Ngài (Tu Bồ Đề) chẳng phải là Tiểu Thừa. Nếu là Tiểu Thừa, thì phải nương vào Tứ Niệm Xứ để trụ. Do Ngài là [căn tánh] Đại Thừa, nên trong kinh Đại Thừa, đức Phật dạy: “Hãy nên chẳng trụ vào đâu để sanh tâm”. Nói thật ra, “chẳng trụ vào đâu” chính là trụ viên mãn trong Tứ Niệm Xứ! Vì Tứ Niệm Xứ là trí huệ, Tứ Niệm Xứ là Huệ Quán: Quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Chư vị ngẫm xem: Đạt đến “chẳng trụ vào đâu” chính là viên mãn bốn phép Quán ấy. Do đó, Tứ Niệm Xứ là phương tiện trước hết để chúng ta tu tập trong học Phật, mà cũng là phương tiện thoạt đầu để nhập môn.
Trong Tịnh Độ Tông, nói thật ra, một câu Phật hiệu đã bao gồm viên mãn Tứ Niệm Xứ trong ấy. Không chỉ riêng Tứ Niệm Xứ, mà còn là toàn thể Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm, cho đến Lục Độ vạn hạnh của Bồ Tát đều không ra khỏi một câu danh hiệu này, nên danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn. Không chỉ là từ xưa tới nay các vị tổ sư đại đức đều cùng thừa nhận, dẫu cho mười phương chư Phật, Bồ Tát cũng chẳng ra ngoài lệ ấy, đều công nhận pháp môn này là một pháp môn đơn giản nhất, dễ dàng nhất, viên mãn nhất, nhanh chóng nhất, ổn thỏa, thích đáng nhất, pháp nào cũng trọn đủ. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Một tức là nhiều, nhiều tức là một”, “một” là Nam-mô A Di Đà Phật, “nhiều” là vô lượng vô biên pháp môn. Pháp môn này là hết thảy các pháp môn, hết thảy các pháp môn đều quy kết một pháp môn này, thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Vì thế, phàm là người thật thà niệm Phật, chắc chắn sẽ thành tựu trong một đời này.