/ 289
483

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 168


Xin Xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm sáu mươi mốt:


(Sao) Tứ Như Ý giả, diệc danh Tứ Thần Túc. Sở vị Dục Như Ý Túc, Tâm Như Ý Túc, Cần Như Ý Túc, Huệ Như Ý Túc. Lương diêu Niệm Xứ Chánh Cần dĩ lai, tinh tấn tăng đa, Định tâm sảo nhược, tu thử tứ chủng Định lực nhiếp tâm, tắc Trí, Định quân đẳng, năng đoạn kết sử, sở nguyện giai toại, danh Như Ý Túc dã. Hợp thử thất loại, tắc vi tam thập thất phẩm.

(鈔) 四如意者,亦名四神足。所謂欲如意足、心如意足、勤如意足、慧如意足。良繇念處正勤以來,精進增多,定心稍弱,修此四種定力攝心,則智定均等,能斷結使,所願皆遂,名如意足也。合此七類,則為三十七品。

(Sao: Tứ Như Ý còn gọi là Tứ Thần Túc. Chính là Dục Như Ý Túc, Tâm Như Ý Túc, Cần Như Ý Túc, Huệ Như Ý Túc. Do từ Tứ Niệm Xứ và Tứ Chánh Cần mà tinh tấn tăng thêm nhiều, Định tâm khá yếu, tu bốn thứ Định lực này để nhiếp tâm, ắt Trí và Định sẽ cân bằng, có thể đoạn kết sử, sở nguyện đều toại, nên gọi là Như Ý Túc. Hợp bảy loại này sẽ thành ba mươi bảy phẩm).


Khoa này được gọi là Như Ý Túc. Túc có nghĩa là Mãn Túc (thỏa mãn), Mãn Túc là Định. Chẳng thỏa mãn, tâm kẻ ấy sẽ động. Đã thỏa mãn, tâm sẽ bất động. Pháp thế gian thường nói “tri túc thường lạc”, Túc trong tri túc và Tứ Thần Túc ở đây có ý nghĩa tương đồng. Hễ tri túc liền như ý, người chẳng tri túc sẽ vĩnh viễn chẳng như ý. Ở Trung Quốc vào thời cổ, nếu có địa vị cao trong xã hội, hoặc đã phát đạt, ta thường nói là “phát tài”, kẻ ấy có của cải kha khá. Khi ấy, người đó phải biết đề cao cảnh giác, cũng có thể nói là bất luận trí huệ hay của cải đã đạt đến một mức độ kha khá, phải biết quay đầu, phải biết thỏa mãn thì người ấy mới được gọi là có phước báo thật sự. Nếu vĩnh viễn chẳng biết đủ, trong tương lai sẽ mắc họa hại. Dùng vật gì để nâng cao sự cảnh giác của chính mình? Trên tay thường cầm một cây Như Ý, hoặc trong nhà có bày một cây Như Ý, để chính mình thường xuyên trông thấy. Để nhấn mạnh [ý nghĩa tri túc], Như Ý được làm bằng ngọc, tức Ngọc Như Ý, dẫu chẳng phải là thuần túy bằng ngọc, mà là trong cây Như Ý có khảm ngọc. Như Ý được chế sao cho đầu của nó uốn cong ngược lại [hướng về phía giữa thân], nên gọi là Hồi Thủ Như Ý (như ý quay đầu). Vật này nhằm nhắc nhở quý vị thời thời khắc khắc nghĩ tưởng “ta phải quay đầu, hễ quay đầu liền như ý”. Quay đầu có nghĩa là Đủ Rồi, giống như chữ Túc ở đây. Thỏa mãn bèn quay đầu, chẳng cầu mong nữa. Hễ còn cầu, sẽ mắc họa hại. Đó gọi là “mãn chiêu tổn, khiêm thọ ích”, [nghĩa là] khiêm hư sẽ có thể thật sự hưởng thụ lợi ích; kẻ chẳng biết đủ, đến cuối cùng nhất định gặp tai nạn.

Ở đây, đức Phật dạy chúng ta đối với pháp thế gian và xuất thế gian đều phải tri túc. Hễ tri túc, tâm bèn định, đã định mới có thể khai huệ. Ở đây, đại sư nói rất hay: Từ “Niệm Xứ Chánh Cần” trong phần trước, vì Tứ Niệm Xứ là Huệ, là quán chiếu bằng trí huệ, lại còn thêm Tinh Tấn trong Tứ Chánh Cần, nên “Tinh Tấn tăng đa” (Tinh Tấn tăng thêm nhiều). Huệ nhiều, Tinh Tấn nhiều, Định ít. Nếu chẳng có Định, Huệ ấy sẽ biến thành cuồng huệ, chẳng phải là trí huệ thật sự. Trí huệ thật sự nhất định phải tương ứng với Định, cảnh giới “Định Huệ cân bằng” là cảnh giới tốt đẹp nhất. Yêu cầu của Thiền Tông từ đầu đến cuối đều nhấn mạnh Định Huệ cân bằng. Thiền môn là như thế, mà Giáo Hạ cũng chẳng ra ngoài lệ ấy. Giáo Hạ không gọi là Thiền Định, mà gọi là Chỉ Quán. Chỉ là Định, Quán là Huệ. Vì thế, gọi là Chỉ Quán Song Vận, [nghĩa là] Chỉ và Quán cân bằng, vẫn mang ý nghĩa “Định và Huệ bình đẳng”. Dẫu cho chúng ta tu Tịnh Độ, niệm câu A Di Đà Phật, cũng nhấn mạnh Định Huệ cân bằng. Thế mà niệm Phật lại còn xảo diệu hơn, đơn giản, dễ dàng hơn các pháp môn khác, vì một câu A Di Đà Phật, Định Huệ liền bình đẳng. Quý vị niệm câu A Di Đà Phật, trong tâm chẳng có vọng tưởng, chẳng có tạp niệm, đó là Định. Niệm một câu A Di Đà Phật rành mạch, rõ ràng, Phật hiệu sanh từ trong tâm, từ miệng niệm ra, lại nghe lọt vào tai của chính mình, đó là Huệ. Một câu Phật hiệu, Định và Huệ thảy đều trọn đủ, đích xác là dễ dàng hơn Tông Môn và Giáo Hạ nhiều lắm.

Ắt cần phải dùng bốn thứ Định lực để nhiếp tâm, hòng đạt tới Định Huệ cân bằng. Chỉ có Định Huệ cân bằng thì mới có thể đoạn phiền não. Đoạn phiền não thì tầng cấp đầu tiên là đoạn từ Kiến Tư phiền não. “Kết sử” (結使) là Kiến Tư phiền não; lại phá Trần Sa và Vô Minh, đó là công phu chân thật.

Trong bốn thứ ấy, thứ nhất là Dục, nói đơn giản là dục vọng. Con người trong thế gian này đều có dục vọng. Nếu quý vị chẳng có dục vọng, sẽ chẳng sanh trong nhân gian, mà cũng chẳng bị luân chuyển trong lục đạo. Chúng sanh trong lục đạo đều có dục vọng. Bất luận dục vọng của quý vị là gì, đều phải biết ngưng dứt. Tứ Như Ý Túc là như Khổng lão phu tử đã dạy con người phải “tri chỉ” (知止), [tức là] biết đến giai đoạn nào thì phải đình chỉ, ngừng ở chỗ ấy, đó cũng là tri túc, chớ nên vượt qua. Dẫu chính mình có phước, tuy có phước mà nếu biết ngừng nghỉ, phước ấy sẽ biến thành đức, chúng ta thường nói là “phước đức”, quả báo ấy càng chẳng thể nghĩ bàn.

/ 289