A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 167
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm năm mươi chín:
(Sao) Nhược Hoa Nghiêm Ly Thế Gian phẩm, tắc Bát Chánh câu Bồ Tát đạo. Chánh Kiến giả, viễn ly nhất thiết chư tà kiến cố. Chánh Tư Duy giả, xả vọng phân biệt tâm, tùy thuận Nhất Thiết Trí cố, nãi chí Chánh Định giả, thiện nhập Bồ Tát bất tư nghị giải thoát môn, ư nhất tam-muội trung, xuất nhập chư tam-muội cố. Thích vân: “Cứ thử văn chứng, khởi bất thâm huyền?” Dĩ lệ suy chi, Thất Giác, Căn, Lực, tam thập thất phẩm, giai tùy chúng sanh nhân địa sở tu, cơ kiến bất đồng, chứng đại, chứng tiểu, các hữu sở đắc.
(鈔) 若華嚴離世間品,則八正俱菩薩道。正見者,遠離一切諸邪見故。正思惟者,捨妄分別心,隨順一切智故。乃至正定者,善入菩薩不思議解脫門,於一三昧中,出入諸三昧故。釋云,據此文證,豈不深玄。以例推之,七覺根力三十七品,皆隨眾生因地所修,機見不同,證大證小,各有所得。
(Sao: Nếu xét theo phẩm Ly Thế Gian trong kinh Hoa Nghiêm thì Bát Chánh Đạo đều là Bồ Tát đạo. Chánh Kiến là xa lìa hết thảy các tà kiến. Chánh Tư Duy là bỏ cái tâm phân biệt hư vọng, tùy thuận Nhất Thiết Trí. Cho đến Chánh Định là khéo nhập môn giải thoát chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát, từ trong một tam-muội mà xuất nhập các tam-muội. Giải rằng: “Lấy đoạn văn ấy làm chứng, há [Bát Chánh Đạo] chẳng sâu mầu ư?” Dựa theo đó để suy ra, Thất Giác, Ngũ Căn, Ngũ Lực, ba mươi bảy phẩm đều là thuận theo căn cơ, kiến giải của chúng sanh khi tu nhân mỗi người mỗi khác mà chứng đại quả hay tiểu quả, nhưng ai nấy đều có sở đắc).
Trong đoạn văn này, Liên Trì đại sư trích dẫn kinh văn của kinh Hoa Nghiêm nhằm chứng tỏ Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm thật sự thông với Đại Thừa. Trong Đại Thừa, kinh Hoa Nghiêm được tổ sư các tông phái suy tôn là Viên Giáo Nhất Thừa, có thể nói là Đại Thừa của Đại Thừa. Bộ kinh ấy đã thông với Ba Mươi Bảy Phẩm, những kinh khác chẳng cần phải nói nữa! Có thể thấy trong phần trước [đại sư nhận định] Ba Mươi Bảy Phẩm thông với Đại Thừa và Tiểu Thừa xác thực là có căn cứ. Kinh Hoa Nghiêm viên đốn đã giải thích Bát Chánh Đạo như thế nào? “Chánh Kiến giả, viễn ly nhất thiết chư tà kiến cố” (Chánh Kiến là xa lìa hết thảy các tà kiến). Nhìn theo giáo nghĩa của kinh Hoa Nghiêm, đó là pháp luân viên mãn. Nội dung của kinh [Hoa Nghiêm] giảng về Thập Huyền, Tứ Vô Ngại, [tức là] mười huyền môn và bốn thứ vô ngại. Trong hết thảy các kinh Đại Thừa, chỉ riêng kinh Hoa Nghiêm giảng giải [mười huyền môn và bốn thứ vô ngại] viên mãn. Nếu đối với “Viên nghĩa” mà còn có tơ hào chấp trước, kiến giải ấy sẽ thuộc loại tà kiến! Ngay cả Viên mà còn chẳng thể chấp trước, huống hồ những thứ khác! Do đó, trong pháp Nhất Thừa viên đốn, tri kiến của Phật thanh tịnh đến tột bậc; kinh văn chỉ có thể dùng một câu “chẳng thể nghĩ bàn” để hình dung, lũ phàm phu chúng ta tư duy chẳng thấu suốt, mà cũng là chẳng rơi vào tư duy, chẳng rớt vào số lượng, đấy mới là chánh tri chánh kiến. Chúng ta tu Tịnh Độ vẫn phải thật thà niệm Phật thì mới đáng trông cậy. Hoa Nghiêm toàn là cảnh giới của Bồ Tát, lại còn chẳng phải là [cảnh giới của] hạng Bồ Tát bình phàm, mà là cảnh giới của hàng Pháp Thân đại sĩ. Kinh văn đã có [đề cập cảnh giới ấy], chẳng thể không nói đến, nhưng đó chẳng phải là cảnh giới của chúng ta. Chúng ta thực hiện toàn bộ Ba Mươi Bảy Phẩm trong sự tu tập pháp môn Tịnh Độ, nhất là trì danh niệm Phật, đới nghiệp vãng sanh thì sẽ hữu ích nhất đối với chúng ta. Sau khi đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, cảnh giới sẽ dần dần không ngừng nâng cao, chứng đắc cảnh giới Hoa Nghiêm chẳng khó. Điều này hết sức trọng yếu.
“Chánh Tư Duy giả, xả vọng phân biệt tâm, tùy thuận Nhất Thiết Trí cố” (Chánh Tư Duy là bỏ tâm hư vọng phân biệt, tùy thuận Nhất Thiết Trí). Nhất Thiết Trí được nói ở đây chính là Nhất Thiết Chủng Trí nơi quả địa Như Lai, mà cũng là Ngũ Chủng Trí[1] của A Di Đà Phật như đã nói trong kinh Vô Lượng Thọ. Phàm phu chẳng có trí huệ, vì sao? Vì họ có tâm phân biệt. Cớ sao nói “hễ có tâm phân biệt bèn chẳng có trí huệ?” Tâm phân biệt là thức thứ sáu, tức ý thức. Quý vị dùng thức thứ sáu (ý thức), lấy đâu ra trí huệ? Trí huệ lưu lộ từ Chân Như bổn tánh. Dùng thức thứ sáu (ý thức) thì chỉ có thể nói là Thế Trí Biện Thông. Trong Phật pháp, Thế Trí Biện Thông là một trong tám nạn. Đã mắc nạn! Vì vậy, chúng ta phải rất lắng lòng phản tỉnh, quan sát, ngàn muôn phần đừng coi Thế Trí Biện Thông là trí huệ Bát Nhã, phiền phức sẽ to lớn! Nhưng các đồng tu học Phật hiện thời, bất luận tại gia hay xuất gia thường hiểu lầm, xác thực là đã coi Thế Trí Biện Thông như trí huệ. Bỏ vọng tưởng, bỏ tâm phân biệt, kinh Lăng Nghiêm bảo là “bỏ Thức, dùng Căn”, ai mới có thể sử dụng cảnh giới ấy? Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong kinh Hoa Nghiêm, địa vị thấp nhất là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo; các Ngài đều thuộc cảnh giới ấy. Nói theo phía người niệm Phật chúng ta, phải niệm đến Lý nhất tâm bất loạn thì Bát Chánh Đạo sẽ hoàn toàn giống như những điều đang được nói ở đây, chứ Sự nhất tâm bất loạn vẫn chưa được! Phải đạt tới Lý nhất tâm bất loạn, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, đó là cảnh giới của các Ngài.