/ 289
482

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 166


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm năm mươi bảy:


(Sớ) Bát Thánh Đạo giả, diệc danh Bát Chánh Đạo, diêu tiền trạch pháp, cố nhập chánh đạo. Vị nhất Chánh Kiến, nhị Chánh Tư Duy, tam Chánh Ngữ, tứ Chánh Nghiệp, ngũ Chánh Mạng, lục Chánh Tinh Tấn, thất Chánh Niệm, bát Chánh Định.

(Diễn) Do tiền thất chi trạch pháp, nãi đoạn Kiến Hoặc, tức nhập thánh đạo. Thánh giả, chứng dã, cố diệc danh Chánh. Bát Thánh tự thể, tức Chánh Kiến đẳng, thử chi vi dụng, vi đoạn tu đạo chư phiền não cố.

(疏) 八聖道者,亦名八正道。繇前擇法,故入正道。謂一正見,二正思惟,三正語,四正業,五正命,六正精進,七正念,八正定。

(演) 由前七支擇法,乃斷見惑,即入聖道。聖者,證也,故亦名正。八聖自體,即正見等,此之為用,為斷修道諸煩惱故。

 (Sớ: Bát Thánh Đạo còn gọi là Bát Chánh Đạo. Do trước đó đã chọn lựa pháp, nên nhập Chánh Đạo, tức là: Một là Chánh Kiến, hai là Chánh Tư Duy, ba là Chánh Ngữ, bốn là Chánh Nghiệp, năm là Chánh Mạng, sáu là Chánh Tinh Tấn, bảy là Chánh Niệm, tám là Chánh Định.

Diễn: Do Trạch Pháp trong Thất Giác Chi trước đó mà đoạn Kiến Hoặc, bèn nhập thánh đạo. Thánh là chứng, nên cũng gọi là Chánh. Tự thể của tám thánh đạo chính là Chánh Kiến v.v.., những điều còn lại là Dụng, vì nhằm tu đạo, đoạn các phiền não).


Lời giải thích ở đây nhằm thuyết minh ý nghĩa thông thường được bao hàm trong danh từ Bát Chánh Đạo (Āryaṣṭāṅgamārgaḥ). Từ lời chú giải, chúng ta biết tiêu chuẩn của Chứng là “đoạn Hoặc”. Trong pháp Tiểu Thừa, đoạn Kiến Hoặc bèn chứng Thánh Đạo, chứng đắc Sơ Quả. Sơ Quả là thánh nhân, nên bốn quả từ Tu Đà Hoàn đến A La Hán đều gọi là thánh nhân. Kinh thường nói tới ba thứ Bất Thoái, khi ấy, đã đạt Vị Bất Thoái, tuyệt đối chẳng lui sụt xuống địa vị phàm phu. Từ đó trở đi, bảy lần qua lại trong cõi trời và nhân gian, nhất định chứng quả A La Hán. Nếu lần thứ bảy sanh trong nhân gian, mà nhân gian chẳng có Phật pháp thì sẽ như thế nào? Chẳng có Phật pháp, vị ấy bèn thành Độc Giác, tức là Bích Chi Phật, vẫn chứng quả, tuyệt đối chẳng cần chờ đến lần thứ tám. Do đó, bảy lần quyết định chứng quả. Đó là Bát Chánh Đạo của Tiểu Thừa.

Đối với Đại Thừa, bộ kinh này là đại pháp viên đốn. Đại Thừa Viên Giáo cũng nói đoạn Kiến Hoặc. Đã đoạn Kiến Hoặc, bèn chứng đắc địa vị Sơ Tín Bồ Tát, cũng là Vị Bất Thoái. Tịnh Tông thường nói tới tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh có tiêu chuẩn hay không? Có! Tiêu chuẩn thấp nhất là đoạn Kiến Hoặc, tiêu chuẩn cao hơn một tầng là đoạn Tư Hoặc. Đã đoạn Kiến Hoặc là Sự nhất tâm bất loạn. Chư vị phải biết: Sự nhất tâm bất loạn có cạn và sâu, đây là Sự nhất tâm ở mức độ cạn nhất. Địa vị Sự nhất tâm sâu nhất sẽ bằng A La Hán trong Tiểu Thừa, Tư Hoặc cũng đoạn sạch. Tuy chẳng đoạn Kiến Tư Hoặc, nhưng có năng lực khuất phục chúng, tức là Kiến Tư phiền não chẳng khởi tác dụng, chúng còn có hay không? Có! Chưa đoạn! Nhưng một câu Phật hiệu đắc lực, Phật hiệu có thể khuất phục phiền não, khiến cho phiền não chẳng khởi tác dụng, đó gọi là “công phu thành phiến”. Có năng lực ấy, quyết định đới nghiệp vãng sanh, sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Nếu đắc Sự nhất tâm bất loạn, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, là cõi Phương Tiện Hữu Dư. Vì thế, [người vãng sanh về] cõi Phương Tiện Hữu Dư đều là người chứng quả, mức độ thấp nhất cũng là chứng đắc Sơ Quả.

Do trạch pháp trong phần trước, Thất Bồ Đề Phần là chọn lựa pháp môn; trong vô lượng vô biên pháp môn, quý vị tự mình chọn lựa. Sau khi đã chọn lựa chắc chắn, bèn dùng sáu chi còn lại để giúp quý vị tu học thành tựu; nhưng trong tu học, nhất định phải chú trọng đoạn phiền não. Phiền não chẳng đoạn, chẳng thể coi là thành tựu, chư vị ngàn vạn phần phải ghi nhớ điều này. Chúng ta tu hành, tu học một thời gian dài, nhưng chẳng đạt được hiệu quả tu học mong đợi, nguyên nhân là do chúng ta đã sơ sót chuyện đoạn Hoặc, nhất là người hiện thời, người hiện thời tu học gì? Do giáo dục phổ cập, mọi người học hành mấy ngày đều nhận biết mấy chữ, nên tu hành biến thành tu văn tự Phật pháp! Tu văn tự Phật pháp nhiều, không chỉ chẳng có lợi, mà còn biến thành văn tự chướng. Dẫu quý vị có thành tựu, nhưng thành tựu lớn nhất là trở thành một nhà Phật học, hoặc tiến sĩ Phật học, như vậy mà thôi! Một phẩm Kiến Tư phiền não cũng không đoạn. Không chỉ chẳng thể đoạn, mà còn tăng trưởng, vì sao? Học vấn to lớn, mắt trợn ngược lên đỉnh đầu, xem thường kẻ khác, kiêu căng, ngã mạn, học Phật bèn học thành như vậy, rất đáng tiếc! Chúng ta thấy cổ đại đức tu học chú trọng đoạn phiền não, đoạn tập khí, phải diệt trừ tập khí phiền não. Kinh luận hiểu nhiều hay ít chẳng sao cả, thậm chí kinh luận chẳng thông chút nào, nhưng người ta đoạn sạch Kiến Tư phiền não, chứng quả thành thánh nhân.

/ 289