/ 289
467

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 165


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm năm mươi lăm:

(Sao) Nhị, Tinh Tấn giả, tu đạo pháp thời, thiện năng giác liễu, bất mậu hành ư vô ích khổ hạnh cố.

(鈔) 二精進者,修道法時,善能覺了,不謬行於無益苦行故。

(Sao: Hai là Tinh Tấn, khi tu đạo pháp, khéo có thể giác ngộ, hiểu rõ, chẳng lầm lạc hành khổ hạnh vô ích).


Đối với Tinh Tấn trong Thất Bồ Đề, sau khi chọn lựa pháp môn, chuyện khẩn yếu nhất là Tinh Tấn. Tinh Tấn thì nhất định phải chuyên ròng. Thiện căn của Bồ Tát gồm một điều là Tinh Tấn. Đức Phật dạy thiện căn thế gian gồm có ba thiện căn, hết thảy các thiện pháp thế gian đều sanh từ ba điều ấy, tức là vô tham, vô sân, vô si. Thiện căn của Bồ Tát là Tinh Tấn. Nếu thật sự tinh tấn, bất cứ pháp môn nào cũng chắc chắn có thành tựu. Thành tựu lớn hay nhỏ nhất định tỷ lệ thuận với công phu tinh tấn của người ấy. Nếu có tấn, nhưng không biết chuyên ròng, khó tránh khỏi tu tập những khổ hạnh vô ích! Rất tinh tấn, nhưng chẳng thu được hiệu quả.


(Diễn) trạch pháp hậu, thứ tức tu đạo, cố vân “tu đạo pháp thời”.

(演) 以擇法後,次即修道,故云修道法時。

(Diễn: Do sau khi chọn pháp, kế đó, liền tu đạo, nên nói “khi tu đạo pháp”).


Sau khi quý vị đã chọn nhất định một pháp môn, sẽ chuyên tâm tu tập.


(Diễn) Nhiên ngoại đạo cửu thọ cần khổ, tinh tấn tu hành, bất thành thánh quả giả, dĩ bất đạt chân tánh, duy dụng vọng thức tu hành, danh viết Tinh Tấn, thật đồng giải đãi.

(演) 然外道久受勤苦,精進修行,不成聖果者,以不達真性,惟用妄識修行,名曰精進,實同懈怠。

(Diễn: Nhưng ngoại đạo đã siêng khổ tinh tấn tu hành từ lâu, mà chẳng thành thánh quả, là do chẳng thông đạt chân tánh, chỉ dùng vọng thức để tu hành. Tuy nói là tinh tấn, nhưng thật ra giống như giải đãi).


Câu này có ý nghĩa hết sức sâu rộng. Các đồng tu học Phật chúng ta đại đa số phạm phải căn bệnh này, nên tu lâu mà chẳng thể thành tựu. Tổ sư đại đức nói “thật đồng giải đãi”, [có nghĩa là] giống như giải đãi, “bất thành thánh quả”, chẳng đạt được kết quả. Ví như chúng ta niệm Phật, kết quả nông cạn nhất trong niệm Phật là công phu thành phiến. Chúng ta niệm lâu ngần ấy, chẳng đạt đến công phu thành phiến, chẳng có kết quả! Chẳng có kết quả thì trong ấy nhất định xuất hiện vấn đề. Đó cũng là đã biến thành ngoại đạo, trong Phật môn thường gọi loại ngoại đạo này là “môn nội ngoại” (ngoại đạo ở trong nhà Phật). Chính mình tu hành, bất tri bất giác tu thành ngoại đạo, do cầu pháp ngoài tâm, chẳng tương ứng với pháp, liền biến thành ngoại đạo! Ví như chúng ta tu Tịnh Độ, nhưng tư tưởng, kiến giải, hành vi của chúng ta chẳng tương ứng với những điều được dạy trong Tịnh Độ Ngũ Kinh thì là ngoại đạo. Vì thế, niệm câu Phật hiệu này, nhất định phải niệm cho tương ứng. “Tương ứng” là chẳng trái nghịch với giáo huấn trong kinh điển. Đó là tương ứng. Niệm câu Phật hiệu, những điều tâm ta nghĩ, ý ta tưởng chẳng tương ứng với những điều đã nói trong kinh, bèn là ngoại đạo. [Dẫu] niệm Phật, cũng niệm thành ngoại đạo. Tôi nói lời ấy có quá lố hay không? Nói thật ra, lời này chẳng phải do tôi nói, mà là trong tác phẩm Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương Sớ Sao, Từ Vân Quán Đảnh đại sư đã nói: Niệm Phật, niệm thành ngoại đạo.

Nếu mắc chứng bệnh này, đã biết, hãy sửa đổi, nhất định phải tương ứng. Trong các buổi giảng, chúng tôi đã nói về sự tương ứng ấy rất nhiều, nhưng tôi thấy vẫn còn những đồng tu chẳng tin tưởng. Nhìn từ chỗ nào để thấy họ không tin tưởng? Họ còn đọc các kinh luận khác, vẫn chưa thật sự chuyên tâm nơi năm kinh hoặc chuyên tinh nơi Sớ Sao hoặc Yếu Giải, đó chính là không tin tưởng. Đã thật sự tin tưởng, chắc chắn là trong năm năm, tối thiểu là ba năm, sẽ chuyên tâm đọc bộ sách này, tuyệt đối không đọc bộ thứ hai. Vẫn còn đọc bộ thứ hai, tức là chẳng chuyên! Học nhiều năm ngần ấy, chẳng có kết quả, xuất hiện khuyết điểm ở chỗ này! Tu học kiểu ấy tuy chịu khổ, chịu khó, vẫn giống như giải đãi, vì quý vị chẳng tiến bộ!

Học Phật thì trong vòng ba năm hay năm năm đầu tiên, chúng ta là người tu pháp môn Niệm Phật, mục tiêu đặt nơi Niệm Phật tam-muội, chẳng đặt nơi khác. Công phu thành phiến, Sự nhất tâm bất loạn, và Lý nhất tâm bất loạn đều gọi là Niệm Phật tam-muội. Công phu thành phiến là Niệm Phật tam-muội [ở mức độ] nông cạn nhất, Lý nhất tâm bất loạn là Niệm Phật tam-muội [có mức độ] sâu nhất, cầu điều ấy! Phải buông xuống hết thảy! Tâm chúng ta không chỉ chẳng vướng mắc pháp thế gian, mà tất cả hết thảy Phật pháp cũng đều buông xuống. Đến khi tam-muội thành tựu, mức độ thấp nhất phải đạt đến là công phu thành phiến, tâm đạt đến mức khá thanh tịnh. Khi ấy, còn phải được thầy đồng ý, thầy cho phép quý vị mở rộng, tiếp xúc hết thảy các kinh luận, lúc đó mới được. Nếu thầy chẳng đồng ý, vẫn phải là thâm nhập một môn.

/ 289