/ 289
549

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 162

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm bốn mươi bảy:

 

  (Kinh) Phục thứ Xá Lợi Phất, bỉ quốc thường hữu chủng chủng kỳ diệu tạp sắc chi điểu: Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Vũ, Xá Lợi, Ca Lăng Tần Già, Cộng Mạng chi điểu. Thị chư chúng điểu, trú dạ lục thời, xuất hòa nhã âm. Kỳ âm diễn sướng Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần, như thị đẳng pháp.

(Sớ) Thượng ngôn chư thiên hiến thụy. Thử ngôn cầm thụ thành âm. Hựu thượng ngôn cúng dường chi thắng. Kim ngôn văn pháp chi thắng dã.

  (經) 復次舍利弗。彼國常有種種奇妙雜色之鳥。白鶴。孔雀。鸚鵡。舍利。迦陵頻伽。共命之鳥。是諸眾鳥。晝夜六時。出和雅音。其音演暢五根。五力。七菩提分。八聖道分。如是等法。

(疏) 上言諸天獻瑞。此言禽樹成音,又上言供養之勝,今言聞法之勝也。

(Kinh: Lại nữa, Xá Lợi Phất! Cõi ấy thường có các loài chim kỳ diệu, đủ màu: Chim Bạch Hạc, chim Công, Vẹt, Xá Lợi, Ca Lăng Tần Già, Cộng Mạng. Các loài chim ấy, ngày đêm sáu thời, tiếng hót hòa nhã. Âm thanh ấy diễn nói lưu loát Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần, các pháp như thế.

  Sớ: Trong phần trước là chư thiên dâng hiến những thứ tốt lành. Ở đây, nói chim và cây phát ra âm thanh. Lại nữa, phần trước nói về sự cúng dường thù thắng. Ở đây, nói về sự nghe pháp thù thắng).

 

  “Thượng” là nói về khoa trước. Trong đoạn lớn thuộc phần trước, đã nói về chuyện chư thiên cúng dường A Di Đà Phật và các vị thượng thiện nhân. Đoạn này là khoa thứ tư, đề mục của khoa này là Hóa Cầm Phong Thụ, Hóa (化) là biến hóa. Trong bốn mươi tám nguyện, nguyện thứ nhất đã nói rất rõ ràng: A Di Đà Phật thành Phật, thế giới của Ngài quyết định chẳng có ba ác đạo. Những thứ chúng ta thấy là súc sanh đạo, kinh này đã nói rất rõ ràng, kinh Vô Lượng Thọ cũng giới thiệu rất minh bạch, [những loài “súc sanh” ấy] do A Di Đà Phật biến hóa ra, tuyệt đối chẳng phải là súc sanh đạo thật sự! Thuyết pháp mà vận dụng phương pháp ấy chính là nghệ thuật hóa sự dạy học! Không chỉ pháp âm của Phật có thể phổ cập trọn khắp, mà đồng thời còn có thể khiến cho người nghe tâm tình thoải mái, vui sướng. Vì nếu chúng ta đối diện A Di Đà Phật, A Di Đà Phật là thầy, nói chung, chúng ta sẽ cảm thấy gò bó. Gò bó sẽ chẳng tự tại. Nếu là Bạch Hạc, Khổng Tước thuyết pháp cho chúng ta, chúng ta vừa có thể chơi đùa với chúng, vừa có thể nghe pháp, tâm tình hoàn toàn khác hẳn. Quý vị liền biết A Di Đà Phật từ bi dường ấy, nghĩ tưởng quá chu đáo.

  Bất luận người phương Đông hay phương Tây đều thích đến thăm, đến ngắm nhìn Sở Thú. Trong Sở Thú nơi thế gian này có rất nhiều động vật quý hiếm. Nhìn thấy chúng sẽ vui mắt sướng lòng, nhưng chúng chẳng thể thuyết pháp. Những con vật nơi Sở Thú tại Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng phải là động vật, mà do A Di Đà Phật biến hóa. Ngài tạo ra một vườn thú, những động vật ấy thảy đều có thể thuyết pháp. A Di Đà Phật trăm ngàn ức hóa thân, đúng là Phổ Môn Thị Hiện như trong phẩm Phổ Môn. Thị hiện viên mãn nhất, thù thắng nhất là trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Xác thực là nên dùng thân gì đắc độ, Ngài bèn dùng thân ấy để thuyết pháp. Nên dùng thân Bạch Hạc để đắc độ, bèn hiện thân Bạch Hạc để thuyết pháp cho quý vị. Nên dùng thân Khổng Tước đắc độ, liền hiện thân Khổng Tước để thuyết pháp cho quý vị. Vô cùng thù thắng trang nghiêm! Vì thế, chương này nhằm giảng cho chúng ta biết sự thù thắng trong việc nghe pháp.

  “Bỉ quốc thường hữu” (Cõi ấy thường có), “thường” (常) là chẳng gián đoạn. Tuy thế giới này của chúng ta có, nhưng chẳng thường, vì sao? Động vật đều có thọ mạng, có sanh, lão, bệnh, tử, chẳng thể thường sống trên thế gian. Nhất là trong hiện thời, tức là trong xã hội chúng ta đang sống, nói thật sự là một xã hội hỏng bét. Kể từ sau khi khoa học kỹ thuật phát triển, hoàn cảnh sinh thái trên địa cầu bị phá hoại nghiêm trọng, có rất nhiều động vật chẳng thể thích ứng sinh tồn, dần dần bị tuyệt chủng. Trên thế giới này tuy có những loài cầm thú quý hiếm, nhưng thọ mạng chẳng dài, cũng chẳng tồn tại vĩnh cửu trên thế gian này! Chúng ta biết nhiều loại sinh vật cổ đại nay đã tuyệt tích, chỉ có thể thấy trong các hóa thạch, vô thường mà! Những loài chim quý hiếm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng là vô lượng thọ. A Di Đà Phật vô lượng thọ, tất cả Bồ Tát đại chúng là vô lượng thọ, những loài chim do A Di Đà Phật biến hóa cũng là vô lượng thọ. “Thường” là vô lượng thọ.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289