/ 289
609

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 161


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm bốn mươi bốn.


(Sao) Duy Ma kinh vân: “Vị phát Đại Thừa ý, thực thử thực giả, chí phát ý nãi tiêu. Dĩ phát ý giả, đắc Vô Sanh Nhẫn dĩ nãi tiêu. Đắc Nhẫn giả, chí Nhất Sanh Bổ Xứ nãi tiêu”. Hoa Nghiêm Cụ Túc ưu-bà-di vân: “Nhất Sanh Sở Hệ Bồ Tát, thực ngã thực giả, giai ư Bồ Đề thụ hạ thành Đẳng Chánh Giác”, giai tự tánh Chân Như vô tận chi lý nhi vi thực dã.

(鈔) 維摩經云:未發大乘意,食此食者,至發意乃消;已發意者,得無生忍已乃消;得忍者,至一生補處乃消。華嚴具足優婆夷云:一生所繫菩薩,食我食者,皆於菩提樹下成等正覺,皆自性真如無盡之理而為食也。

(Sao: Kinh Duy Ma chép: “Kẻ chưa phát ý Đại Thừa, ăn món ăn này, tới khi phát ý sẽ tiêu. Kẻ đã phát ý, khi đắc Vô Sanh Nhẫn liền tiêu. Kẻ đắc Nhẫn, khi đạt tới Nhất Sanh Bổ Xứ liền tiêu”. Trong kinh Hoa Nghiêm, ưu-bà-di Cụ Túc bảo: “Nhất Sanh Sở Hệ Bồ Tát ăn thức ăn của ta, đều thành Đẳng Chánh Giác dưới cội Bồ Đề”, đều là dùng lý vô tận nơi Tự Tánh Chân Như để làm thức ăn vậy).


Đoạn văn này được nói theo cách hội quy “phạn thực kinh hành” về tự tánh. Ở đây, đại sư trích dẫn một đoạn trong kinh Duy Ma nhằm giảng rõ “vị phát Đại Thừa ý” là gì?


(Diễn) Vị phát Đại Thừa ý, thị vị nhập Chánh Định Tụ chúng sanh, tu hành tín tâm giả.

(演) 未發大乘意,是未入正定聚眾生,修行信心者

(Diễn: “Chưa phát Đại Thừa ý” là chúng sanh chưa nhập Chánh Định Tụ, tu hành, có tín tâm).


Trong đoạn này, mỗi tầng một nhập sâu hơn. Nói đến “đồ ăn” đều là nói đến Chân Như tự tánh, Tiêu (消) ở đây có nghĩa là “tiêu quy tự tánh”. “Chưa phát Đại Thừa ý” được nói ở chỗ này là “chưa nhập Chánh Định Tụ”, [tức là] nói tới các vị Bồ Tát thuộc địa vị Thập Tín, tâm hạnh chẳng định. Nói cách khác, có tiến, có lùi. Trong Tam Tụ, Chánh Định Tụ là nói người ấy quyết định chứng quả, quyết định thành tựu. Tà Định Tụ là kẻ bất luận tinh tấn tu hành như thế nào, vẫn chẳng có kết quả, tu mù, luyện đui mà! Người thuộc loại Bất Định Tụ thì chẳng nhất định, tùy thuộc người ấy gặp duyên nào. Người ấy gặp nhân Chánh Định Tụ liền biến thành Chánh Định Tụ; gặp nhân Tà Định Tụ liền biến thành Tà Định Tụ. Tam Tụ bao gồm toàn bộ hết thảy chúng sanh.

Nói nghiêm ngặt, trong thời đại Mạt Pháp hiện tiền, chỉ có tu học pháp môn Tịnh Độ đới nghiệp vãng sanh thì có thể gọi là Chánh Định Tụ, [lý do là] chúng ta biết người ấy quyết định thành tựu trong một đời này. Tu học những pháp môn khác, chẳng nhất định có thể thành tựu trong một đời này. Không thể thành tựu bèn có phiền toái rất lớn. Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Hà miễn luân hồi” [nghĩa là] người ấy chẳng tránh khỏi luân hồi trong lục đạo. Hễ luân hồi trong lục đạo, chẳng biết sẽ luân hồi đến tận đâu? Muốn lại được làm thân người, nghe Phật pháp, chẳng biết phải đến kiếp nào? Tục ngữ có câu: “Nhất thất nhân thân, vạn kiếp nan phục” (Hễ mất thân người, vạn kiếp khó có lại được). Cũng là nói rõ ý nghĩa “được làm thân người [rất] khó khăn”. Sau khi đã mất thân người, muốn được làm thân người lần thứ hai, dẫu vạn kiếp vẫn chưa thấy được làm người lần nữa. Chúng ta nghe những lời này có lẽ sẽ hoài nghi, có phải là nói quá lố hay chăng? Nếu chúng ta rất lắng lòng suy tưởng cặn kẽ, phản tỉnh một phen, mới biết câu này chẳng nói quá lố! Vì sao chẳng nói quá lố? Chúng ta chẳng cần nhìn vào ai khác, hãy nghĩ về chính mình: Suốt một đời này, từ lúc lọt lòng cho đến hiện tại, thân, ngữ, ý tạo những nghiệp gì? Bèn hiểu rõ ngay! Nếu chúng ta tạo ác nghiệp nhiều, nhất định đọa trong tam ác đạo. Thời gian trong tam ác đạo quá ư là dài, chẳng dễ gì thoát lìa! Dẫu tạo thiện nghiệp thì do thiện nghiệp bèn ở trong ba thiện đạo.

Đối với khởi tâm động niệm, nếu chúng ta nghiêm túc kiểm điểm một phen, luôn luôn là ác niệm nhiều hơn thiện niệm. Tham, sân, si, mạn là ác niệm! Đã có mấy niệm là nhân nghĩa, đạo đức? Thật sự ít ỏi! Ý niệm dấy lên, luôn luôn là tham cầu ngũ dục, lục trần trong thế gian này, luôn bán tín bán nghi những giáo huấn của thánh hiền thế gian và xuất thế gian. Bán tín bán nghi là tội nghiệp, nghiệp chướng sâu nặng. Vì thế, đánh mất thân người, [mong] được làm thân người lần nữa, tính toán kỹ càng, vẫn đúng là chẳng dễ dàng! Đọa ác đạo đáng sợ, vì sao? Thời gian trụ trong ác đạo lâu dài, nên sẽ kèm theo các tập khí ác, dẫu trong tương lai được làm thân người, tập khí ấy thường dấy lên hiện hành, vẫn là lại không ngừng tạo nghiệp. Tội nghiệp càng tạo càng nặng, quý vị càng nghĩ, càng thấy đáng sợ! Trong đời này, nếu chẳng thể vãng sanh, đúng là một vấn đề to lớn!

/ 289