A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 163
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm năm mươi mốt:
(Sao) Tấn Căn giả, ký tín thử lý, cần cầu bất tức, thị danh vi Tấn.
(鈔) 進根者,既信此理,勤求不息,是名為進。
(Sao: Tấn Căn là đã tin lý này, siêng cầu chẳng dứt, bèn gọi là Tấn).
“Tấn” (進) nghĩa là cầu tiến bộ, chẳng thoái chuyển. Lời chú giải căn cứ trên những điều được nói trong Duy Thức Luận.
(Diễn) Tấn giả, ư thiện ác phẩm tu đoạn sự trung, dũng hãn vi tánh, đối trị giải đãi, mãn thiện vi nghiệp.
(演)進者,於善惡品修斷事中勇悍為性,對治懈怠,滿善為業。
(Diễn: Tấn là trong các sự tu tập nhằm đoạn các thứ thiện ác, dùng sự mạnh mẽ, can đảm làm tánh để đối trị giải đãi, chú trọng viên mãn các điều thiện).
Chúng ta có thể thấy Tấn được định nghĩa rất rõ rệt: Tấn là đối nghịch với giải đãi. Chẳng cầu tiến bộ, sẽ bị thoái chuyển, sẽ giải đãi, biếng nhác. Đối với Tín đã giảng trong phần trước, nếu có thể thật sự tin tưởng chuyện này, người ấy sẽ tự nhiên dũng mãnh, tinh tấn.
Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần, nói chung là Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm chính là cương lãnh tu học của toàn thể Đại Thừa Phật pháp, đều có thể áp dụng cho bất cứ pháp môn nào. Thí dụ như Ba Mươi Bảy Phẩm được dùng trong nhà Thiền có cách giảng hoàn toàn khác với Tịnh Độ. Giáo Hạ như Thiên Thai, Hiền Thủ, Tam Luận, Pháp Tướng, mỗi tông đều có cách giải thích riêng, danh xưng hoàn toàn giống nhau, nhưng giải thích khác nhau. Ba Mươi Bảy Phẩm giống như một công thức được ứng dụng vô cùng sống động. Vận dụng vào Tịnh Độ, Ba Mươi Bảy Phẩm chẳng dùng cách nói ấy, [cách giảng giải được sử dụng] trong lời chú giải là cách nói của tông Pháp Tướng. Áp dụng vào Tịnh Độ Tông, Tín là điều thứ nhất trong ba tư lương, nhất định phải tin sâu chẳng nghi y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Tịnh Độ. Quý vị có thể thật sự tin sâu, tự nhiên sẽ nỗ lực niệm Phật, sẽ có thể tinh tấn.
Tinh tấn sanh từ nơi đâu? Sanh từ Tín Căn. Cư sĩ Châu Quảng Đại ở Washington DC vãng sanh, người ta niệm Phật ba ngày liền thấy Tây Phương Tam Thánh đến tiếp dẫn. Vài hôm trước, còn có một đồng tu kể cho tôi nghe một chuyện, ông ta nói: Có một phạm nhân lãnh án tử hình, tự biết mình đã bị phán tội tử hình, bèn ở trong tù chuyên niệm A Di Đà Phật, cũng chẳng biết đã niệm bao lâu. Trước khi bị đưa đi xử bắn, lão nhân gia bèn tọa hóa, ngồi xếp bằng vãng sanh trong ngục. Đấy là tâm sanh tử thiết tha, chẳng còn có hy vọng nào khác, chẳng hy vọng điều gì khác, chỉ có niềm hy vọng này, khẩn thiết niệm Phật, chẳng có ai không thành công. Chuyện này đích xác là có thể xảy ra. Chúng ta thấy Vãng Sanh Truyện có chép pháp sư Oánh Kha đời Tống niệm Phật ba ngày ba đêm bèn cảm A Di Đà Phật hiện đến. A Di Đà Phật ước hẹn ba ngày sau sẽ đến tiếp dẫn Sư vãng sanh, quả nhiên chẳng sai. Sư ra đi, cũng chẳng ngã bệnh. Vấn đề tùy thuộc bản thân chúng ta có tin tưởng hay không!
Lũ phàm nhân chúng ta niệm Phật hiệu chẳng chuyên cần, nói thật ra là do tham luyến thế gian này, nên chẳng niệm tốt đẹp. Chúng ta thấy những người ấy tự tại vãng sanh dường ấy, thậm chí kẻ lãnh án tử hình cũng tự tại vãng sanh, chẳng có nguyên nhân nào khác: Tâm sanh tử thiết tha, chẳng lưu luyến thế gian này! Cư sĩ Châu Quảng Đại [niệm Phật] ba ngày vãng sanh cũng là như thế, tuy ông ta biết chính mình bệnh rất nặng, cũng chẳng thể cứu chữa, trọn chẳng mong cầu phép lạ xuất hiện, cũng chẳng mong lành bệnh, mà cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc. Một niệm ấy thúc đẩy ông ta chuyên ròng niệm Phật, đó là Tín Căn. Không chỉ là Tín Căn, mà lòng tin ấy còn sanh ra sức mạnh rất lớn. Từ Ngũ Căn cho đến Ngũ Lực, ông ta có sức mạnh ấy, nên có thụy tướng tốt đẹp ngần ấy. Niệm Căn là trong tâm niệm niệm chẳng quên chuyện ấy.
(Sao) Ký cầu thử lý, niệm tư tại tư, minh ký bất vong, thị danh vi Niệm.
(鈔) 既求此理,念茲在玆,明記不忘,是名為念。
(Sao: Đã cầu lý ấy, niệm tại đâu, nghĩ tại đó, nhớ rõ chẳng quên, bèn gọi là Niệm).
Chúng ta sống trong thế gian này, rốt cuộc vì lẽ gì? Rốt cuộc, cả đời này có ý nghĩa gì? Có giá trị gì? Điều này rất đáng khiến cho chúng ta phản tỉnh. Qua kinh điển, đức Phật dạy chúng ta, nhân sinh là chuyện như thế nào? Kinh Phật nói một câu chẳng dễ nghe là “nhân sanh thù nghiệp” (đời người nhằm đền trả nghiệp), “thù” là “báo thù” (報酬: đền đáp, báo đáp). Trong quá khứ, quý vị đã tạo nghiệp, hiện tại đáng nên thọ báo. Nói cách khác, một đời người để làm gì? Đến chịu đựng báo ứng! Trong quá khứ, quý vị tạo thiện nhân, đời này báo ứng tốt đẹp, nên mới hưởng sự báo ứng tốt đẹp. Trong đời quá khứ làm điều bất thiện, bèn hứng chịu quả báo chẳng tốt lành! Con người sanh trong thế gian chẳng có gì khác! Nhằm chịu báo! Mấy ai có thể giác ngộ?