A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 160
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm bốn mươi ba:
(Sao) Thiền duyệt vi thực, cố Định hữu thực nghĩa. Trí năng vận chuyển, cố Huệ hữu hành nghĩa. Như Luận Tụng vân: “Ái nhạo Phật pháp vị, Thiền tam-muội vi thực”. Hựu Phật Địa Luận: “Tịnh độ trung chư Phật, Bồ Tát, năng thuyết, năng thọ Đại Thừa pháp vị. Hựu chánh thể trí thọ Chân Như vị, năng trụ trì thân mạng, sử bất đoạn hoại, trưởng dưỡng vạn pháp, cố danh vi Thực”.
(鈔) 禪悅為食,故定有食義;智能運轉,故慧有行義。如論頌云:愛樂佛法味,禪三昧為食。又佛地論:淨土中諸佛菩薩,能說能受大乘法味,又正體智受真如味, 能住持身命,使不斷壞,長養萬法,故名為食。
(Sao: Lấy Thiền Duyệt làm thức ăn, nên Định có ý nghĩa “ăn”. Trí có thể vận chuyển, nên Huệ có ý nghĩa “đi”. Như [Vãng Sanh] Luận có bài kệ như sau: “Yêu thích pháp vị của Phật, dùng Thiền tam-muội làm thức ăn”. Phật Địa Luận lại nói: “Chư Phật, Bồ Tát trong Tịnh Độ có thể nói, có thể nhận pháp vị Đại Thừa”. Lại nữa, chánh thể trí thọ Chân Như vị, có thể duy trì thân mạng, khiến nó chẳng bị đoạn mất, hư hoại, [lại còn] trưởng dưỡng muôn pháp, nên gọi là Thực”).
“Thiền duyệt vi thực”: Phật pháp nói từ Sơ Thiền trở lên chẳng cần ăn uống, nên [người có thể lấy Thiền Duyệt làm thức ăn] chẳng thuộc trong Dục Giới, mà là đã đạt đến Sắc Giới Thiên. Sắc Giới có Tứ Thiền, bao gồm mười tám tầng trời. Sơ Thiền, Nhị Thiền, và Tam Thiền mỗi cõi đều có ba tầng trời, như Sơ Thiền là Phạm Thiên, gồm Phạm Chúng Thiên (Brahmapāriṣadya), Phạm Phụ Thiên (Brahmapurohita) và Đại Phạm Thiên (Mahābrahmā). Đệ Tứ Thiền rất đặc biệt. Tứ Thiền là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, trừ ba tầng trời bình thường [giống như Sơ Thiền, Nhị Thiền và Tam Thiền], còn có một tầng ngoại đạo thiên (tức là Vô Tưởng Thiên, Asaṃjñāsattvāh). Người tu Vô Tưởng Định thành tựu là ngoại đạo thiên. Ngoài ra, còn có nơi để thánh nhân cư trụ gọi là Ngũ Bất Hoàn Thiên (Śuddhāvāsa), gồm có năm tầng[1]. Vì thế, cộng thêm một tầng ngoại đạo thiên và kể cả ba tầng thông thường ra, Tứ Thiền gồm có chín tầng trời. Thêm nữa, do Sơ Thiền, Nhị Thiền và Tam Thiền trước đó, mỗi nơi đều có ba tầng, nên Sắc Giới có tất cả mười tám tầng trời. Chư thiên trong các tầng trời ấy đều không cần ăn uống, càng lên cao, công phu Thiền Định càng sâu. Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, là Ngũ Dục. Từ Sơ Thiền trở lên, thảy đều chẳng có [Ngũ Dục], họ chẳng cần ngủ, cũng không cần ăn uống. Trong Ngũ Dục, chúng ta thấy hai điều ấy vô cùng nghiêm trọng. Tài còn có thể không cần, danh cũng có thể chẳng cần, sắc cũng có thể chẳng cần, chứ ăn và ngủ chẳng thể nào không cần! Chúng ta quyết định không thể nào làm được! Do đó, phải hiểu, từ Sắc Giới trở lên, trọn chẳng cần ăn uống, “Thiền duyệt vi thực”.
Chúng ta hãy nghĩ, người hạ hạ phẩm vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng vượt trỗi Tứ Thiền Thiên, bất luận là công phu định lực, trí huệ hay phước báo đều vượt xa lục đạo. Đại Phạm Thiên Vương cũng chẳng thể sánh bằng họ, lẽ nào còn có ăn uống? Trong phần trước, tổ sư đã giải thích cũng rất có lý, nói [cõi Cực Lạc] “có ẩm thực” chỉ là đối với chúng sanh trong Dục Giới như chúng ta. Chúng ta niệm Phật đới nghiệp vãng sanh, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, tập khí ăn uống và ngủ nghê vẫn chưa đoạn, thỉnh thoảng nghĩ tới: “Cớ sao đã lâu rồi mà chưa ăn”, có ý niệm ấy. Tây Phương Cực Lạc thế giới rất kỳ diệu, hết thảy các pháp đều là biến hóa mà thành. Quý vị vừa động một niệm, thức ăn trăm vị liền hiện tiền. Sau khi hiện tiền mới biết: Nay chúng ta đang ở trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng phải ở trong thế giới Sa Bà, chẳng dùng những thứ ấy. Chẳng cần nữa, chúng liền chẳng có, liền biến mất!
Trong Thiền Định sanh ra niềm vui thích có thể bồi đắp tinh thần, khiến cho chúng ta tinh thần phấn chấn, chẳng mệt mỏi, nên [Thiền Định] còn có ý nghĩa “ăn uống”. Trong Dục Giới, tác dụng lớn nhất của ăn uống cũng là vun bồi, nuôi nấng thân mạng, nên [Thiền duyệt] có công năng và ý nghĩa giống hệt như vậy.
(Diễn) Thiền duyệt vi thực, Định hữu thực nghĩa giả, Thiền Định tư thần, khinh an, thích duyệt cố.