/ 289
649

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 159


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm bốn mươi mốt:


(Kinh) Phạn thực kinh hành.

(經) 飯食經行。

(Kinh: Dùng cơm, kinh hành).


Kinh văn chỉ có một câu, chúng ta xem chú giải.


(Sớ) Thừa thượng thực thời, cố thứ ngôn thực. Kinh hành giả, tuần hoàn bất đoạn nghĩa. Phản dĩ nhi thực, thực dĩ nhi hành, phảng dương tự thích dã.

(疏) 承上食時,故次言食。經行者,循環不斷義,返已而食,食已而行,彷徉自適也。

(Sớ: Tiếp nối ý “[trở về trong khoảng] bữa ăn” trong phần trước, nên tiếp theo đó, nói đến “ăn”. “Kinh hành” nghĩa là tuần hoàn chẳng ngừng. Trở về bèn ăn, ăn xong đi kinh hành, thảnh thơi, thoải mái).


Trong lời Sao, [tổ Liên Trì] dẫn kinh Vô Lượng Thọ để chứng minh.


(Sao) Phạn thực giả, Đại Bổn vân: “Chư vãng sanh giả, kỳ phạn thực thời, ngân bát, kim bát, chủng chủng bảo bát, tùy ý hiện tiền”.

(鈔) 飯食者,大本云:諸往生者,其飯食時,銀缽金缽,種種寶缽,隨意現前。

(Sao: “Dùng cơm”, kinh Đại Bổn chép: “Những người đã vãng sanh, khi ăn cơm, bát bạc, bát vàng, các thứ bát báu, tùy ý hiện ra trước mặt”).

Trong thế gian này, cuộc sống của chúng ta vô cùng gian nan, rất vất vả mới có thể no ấm. Nói thật ra, cuộc sống tại Đài Loan khá dễ dàng, kiếm tiền dễ dàng, người ngoại quốc trông thấy rất hâm mộ. Trên thế giới này, có nhiều nơi cuộc sống khá gian nan, đích xác là cuộc sống chẳng dễ dàng. Quay lại nhìn sang Tây Phương Cực Lạc thế giới, mới biết thế giới ấy tốt đẹp ở chỗ nào! Vì sao mười phương chúng sanh đều mong sanh về nơi đó? Hết thảy chư Phật đều khuyên chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, đích xác là do Cực Lạc có những điều tốt đẹp mà các thế giới phương khác chẳng có!

Từ ngữ “chư vãng sanh giả” chỉ hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới có thể tin nhận lời Phật, nghe lời đức Phật khuyến cáo, bèn niệm Phật sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Kỳ phạn thực thời” (Vào giờ ăn), từ Đại Kinh, chúng ta thấy người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân thể là “thanh hư chi thân, vô cực chi thể” (thân thanh hư, thể vô cực), lẽ nào vẫn phải ăn cơm? Quả thật chẳng cần, chẳng cần nhờ vào các thứ lương thực ngũ cốc để duy trì thân thể. Nếu dựa vào các thứ lương thực ngũ cốc để duy trì thân thể, thân thể ấy ô uế, có thể sanh bệnh. Tứ Thiền Thiên trong Sắc Giới dùng Thiền Duyệt làm thức ăn, chẳng cần ăn uống, thế mà cõi ấy vẫn thuộc trong lục đạo, chẳng lẽ Tây Phương Cực Lạc thế giới ngay cả Tứ Thiền Thiên vẫn chẳng bằng hay sao? Chư vị phải hiểu, ở đây đức Phật nói đến ý niệm ăn, đó là tập quán của những kẻ như chúng ta từ thế giới Sa Bà sanh về thế giới Cực Lạc chưa được vài ngày, còn chưa quên mất tập khí ấy, suy tưởng: “Vì sao lâu như vậy mà chẳng ăn?” Có ý niệm ấy. Ý niệm ấy vừa động, cảnh giới liền hiện tiền. Hết thảy sự thụ dụng trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thuận theo lòng mong muốn mà biến hóa ra. Đây là nói đến chúng sanh trong Dục Giới như chúng ta, đặc biệt là nói đến phàm phu, trời người trong Dục Giới, sanh về bên đó, khi chúng ta nghĩ đến ăn uống [bèn có những điều như vừa nói trên đây], ở đây, quý vị thấy sự ăn uống bên đó tốt lành như vậy đó!

“Ngân bát, kim bát, chủng chủng bảo bát” (Bát bạc, bát vàng, các thứ bát báu), nói theo cách hiện thời, đó là những vật dụng dùng trong ăn uống, những vật dụng ẩm thực ấy đẹp đẽ, chất liệu tốt đẹp, bằng bảy báu, tùy ý hiện tiền. Trong tâm nghĩ đến gì, bèn hiện ra thứ ấy. Hình dạng, kích thước, màu sắc, kiểu dáng, chất liệu, chẳng có gì không thuận theo lòng mong muốn, chẳng cần phải lo liệu, chẳng cần phải tạo tác, hễ nghĩ đến bèn hiện tiền.

(Sao) Bách vị ẩm thực, sung mãn kỳ trung.

(鈔) 百味飲食,充滿其中。

(Sao: Thức ăn trăm vị, đầy ắp trong ấy).


Trong các đồ đựng đều chứa đầy ắp, những thứ bình thường thích ăn đều bày ra trước mặt.


(Sao) Toan, hàm, cam, đạm, các như sở nguyện.

(鈔) 酸鹹甘淡,各如所願。

(Sao: Chua, mặn, ngọt, nhạt, mỗi thứ đúng như ý nguyện).


Hương vị ngon nhất, thích hợp với chính mình nhất, do chính mình biến hóa ra!

/ 289