/ 289
488

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 158

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm bốn mươi:

 

  (Sao) Tự biến giả, dĩ tâm biến nhất thiết xứ, tức thị nhất nhất thừa sự, vô không quá giả. Cố Duy Ma kinh ngôn: “Vô tiền, vô hậu, nhất thời cúng dường”.

  (鈔) 自遍者,以心遍一切處,即是一一承事,無空過者,故維摩經言:無前無後,一時供養。

(Sao: “Tự trọn khắp”: Do tâm trọn khắp hết thảy mọi nơi, nên thừa sự mỗi một [vị Phật], chẳng bỏ sót. Vì thế, kinh Duy Ma nói: “Chẳng trước, chẳng sau, cúng dường cùng lúc”).

 

  Đây là giải thích câu “tự tánh tự biến” trong lời Sớ. Lý luận này là sự thật. Tự tánh là bổn tánh của chúng ta, mà cũng là chân tánh, nó “biến nhất thiết xứ” (trọn khắp hết thảy mọi nơi), có thể nói hết thảy vạn pháp đều do tự tánh biến hiện. Vì thế, pháp này và pháp nọ nhất định phải dung thông, nhất định là giao hòa, viên dung. Chúng ta động một niệm, người khác có thể biết, Phật, Bồ Tát thảy đều biết. Không chỉ là Phật, Bồ Tát biết, mà người nào tâm thanh tịnh cũng đều biết, nguyên lý là vì “tâm là một”. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã sánh ví tâm tánh của chúng ta như biển cả, sánh ví mỗi chúng sanh như một bọt nước trong biển. Biển là toàn thể, bọt nước sanh từ biển. Bọt nước ví như chúng sanh, phá tan bọt nước bèn thành Phật. Đã vỡ tan, bèn cùng biển cả hòa thành một Thể, mỗi bọt nước trong biển cả đều là Thể của quý vị! Nói cách khác, bọt nước ví như vọng tưởng, chấp trước. Quý vị có vọng tưởng, chấp trước, tức là kết thành một bọt nước trong biển cả, ngỡ bọt nước ấy là chính mình, chẳng biết biển cả là chính mình. Ngày nào quý vị phá tan phân biệt, chấp trước, giống như phá vỡ bọt nước, mới biết toàn thể biển cả là chính mình, nên chẳng có pháp nào quý vị không hiểu rõ, không có tâm niệm của người nào quý vị không biết. Đó là ý nghĩa “tự biến” được nói ở đây.

  Do đó, thật sự biết chân tướng sự thật, người ta quyết định chẳng tạo ác! Biết chân tướng sự thật, liền biết trạng huống nhân quả trong mười pháp giới. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do đâu mà có? Đến tột cùng là chuyện như thế nào? Vì sao có mười pháp giới? Vì sao có lục đạo? Vì sao có thiện đạo? Vì sao có ác đạo? Quý vị thảy đều hiểu rõ ràng. Khi ấy, chúng ta khởi tâm động niệm, hết thảy tạo tác, tự nhiên liền tương ứng với Tánh Đức. Tánh Đức là thuần thiện, chẳng ác, thiện ở đây không phải là thiện trong “thiện, ác”. Thiện trong “thiện, ác” vẫn là ác, vẫn chưa phải là thiện thật sự. Thiện thật sự và pháp tánh hoàn toàn khế hợp, đấy mới là thiện thật sự.

  Trên thực tế, “thừa sự” (承事) chính là ba nguyện đầu trong mười nguyện của kinh Hoa Nghiêm, tức là lễ kính, khen ngợi, cúng dường, ba chuyện ấy. Ba nguyện ấy đều là “thừa sự” ở nơi đây. Hiểu đạo lý này, mới hiểu vì sao đại nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát có thể đầy ắp pháp giới, đối tượng [của các nguyện ấy] là hữu tình và vô tình tận hư không khắp pháp giới, chẳng sót một ai. Do vì tự tánh trọn khắp, đạo lý là như vậy. Những lý được nói ở đây, chúng ta là phàm phu, đừng nói là phàm phu, ngay cả Thanh Văn, Duyên Giác, Quyền Giáo Bồ Tát đều làm không được. Trong kinh Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát nói vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thì đại nguyện của Ngài mới viên mãn. Do điều này có thể biết, nếu không vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, dẫu có mười đại nguyện ấy, nhưng mười đại nguyện không thể viên mãn. Đạo lý gì vậy? Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, tự tánh mới hoàn toàn hiển lộ, mới có thể tận tánh. Chẳng đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng làm được. Vì thế, trong hội Hoa Tạng, Đẳng Giác Bồ Tát, Văn Thù, Phổ Hiền là Đẳng Giác Bồ Tát, còn phải cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Bồ Tát đã nói lý do rất rõ ràng: Tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, mười đại nguyện vương mới viên mãn. Chẳng đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, ở trong thế giới Hoa Tạng, mười đại nguyện vương vẫn chưa viên mãn. Thật sự là tán thán Tây Phương Cực Lạc thế giới đến tột cùng, chẳng còn gì hơn được nữa! Phổ Hiền Bồ Tát tán thán, chứ chẳng phải ai khác!

  “Duy Ma kinh ngôn: - Vô tiền, vô hậu, nhất thời cúng dường” (Kinh Duy Ma nói: “Chẳng có trước, có sau, cúng dường cùng một lúc”). Nói thật ra, mười phương và ba đời đều chẳng có, tận hư không khắp pháp giới là một Thể. Kinh Hoa Nghiêm giảng về Nhất Chân pháp giới, nên quý vị mới có thể cúng dường cùng một lúc. “Nhất thời” thì đương nhiên chẳng có trước hay sau!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289