/ 289
532

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 154


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm ba mươi:


(Sao) Chỉ Quán song thành Định - Huệ, tắc ngọc chấn kim thanh.

(鈔) 止觀雙成定慧,則玉振金聲。

(Sao: Chỉ Quán cùng thành tựu Định và Huệ, tức là tiếng ngọc rung, tiếng vàng chạm).


Đây là câu thứ ba để giải thích Tánh Đức. Chú giải nói rất tỉ mỉ, đáng cho chúng ta lưu ý. “Chỉ Quán” là nhân, “Định - Huệ” là quả. Nói theo nghĩa rộng, Phật pháp bất luận Đại Thừa hay Tiểu Thừa đều lấy Tam Học Giới, Định, Huệ làm tông chỉ tu học. Đối với Tam Học, Tiểu Thừa và Đại Thừa chỉ là do công phu sâu hay cạn mà có sai biệt, còn những điều khác trọn chẳng khác gì nhau. Vì lẽ đó, các đồng tu học Phật chúng ta phải nỗ lực tranh thủ tăng thượng Tam Học. Trong thế gian hiện thời, từ trong và ngoài nước, chúng ta thấy rất rõ rệt là Tam Độc tăng thượng, phiền phức to lớn. Tam Độc là tham, sân, si, mỗi năm một nghiêm trọng hơn. Đó là cội nguồn khiến cho thế giới động loạn, bất an, tai nạn xảy ra, tuyệt đối chẳng phải là chuyện tốt. Trong rất nhiều kinh luận, đức Phật đã dạy, tuy mọi người chúng ta trong thế gian này có cộng nghiệp, nhưng trong cộng nghiệp còn có biệt nghiệp, có bất cộng nghiệp. Do vậy, chúng ta đổ công dốc sức nơi Tam Học, hòng có thể tiêu tai miễn nạn, có thể đạt được hạnh phúc viên mãn.

Tu Giới, Định, Huệ từ chỗ nào? Từ Chỉ Quán, vì thế, “Chỉ Quán là nhân”. Chỉ (止) là ngưng dứt những gì? Trong phần trên đã nói là “chỉ kỳ tán” (dứt tán loạn). “Tán” rốt cuộc là gì? Là vọng niệm, suy nghĩ loạn xạ. Chữ Tán (散) chỉ sự suy nghĩ loạn xạ. Quý vị muốn ngưng tất cả hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì Chỉ là công phu, Chỉ lâu ngày sẽ đắc Định. Do vậy có thể biết, nếu chẳng ngừng nghỉ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, quý vị tu bất cứ pháp môn gì cũng chẳng thể thành tựu. Đối với niệm Phật, cổ đức nói mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu vẫn uổng công, “rách toạc cổ họng uổng công thôi!” Vì sao? Vọng tưởng tạp niệm của quý vị không ngừng được! Vì sao chẳng nói ngừng thân và ngữ? Thưa quý vị, hễ ý niệm thanh tịnh, thân và miệng tự nhiên thanh tịnh. Vì thế, công phu này dùng nơi ý địa, dùng trên tâm địa. Tâm đã thanh tịnh, thưa cùng quý vị, tự nhiên sẽ ít nói, tự nhiên chẳng có lầm lỗi, đó là đạo lý nhất định, vì sao? Ý niệm đã chánh.

Chúng ta niệm Phật mong niệm đến mức nhất tâm bất loạn, nhất tâm bất loạn là Định. Chưa thể đạt đến nhất tâm bất loạn, bèn mong đắc công phu thành phiến. Công phu thành phiến cũng là Định. Nói cách khác, đều phải từ Chỉ Quán quý vị mới hòng đạt được. Do vậy, phải tiêu trừ vọng niệm. Chuyện không bắt buộc phải biết, tốt nhất là chẳng cần biết đến. Vì lẽ đó, tôi khuyên các đồng tu ít xem báo chí, ít xem TV, tốt nhất là không xem. Hằng ngày trong tâm chẳng có chuyện gì, thiên hạ thái bình. Ít tiếp xúc hết thảy mọi người, vì quý vị vừa tiếp xúc bèn tạp tâm chuyện gẫu, họ Trương giỏi, họ Lý dở. Tiếp xúc kẻ khác ắt có thị phi, cổ đức bảo: “Biết chuyện ít, phiền não cũng ít; biết nhiều người, lắm nỗi thị phi”, biết chuyện ít thì phiền não của quý vị sẽ ít đi. Ít quen biết người khác, chuyện thị phi cũng ít, tâm quý vị mới thanh tịnh thì mới có thể Chỉ được. Nói cách khác, chúng ta phải biết cách Chỉ như thế nào? Tốt nhất là chớ nên đi lung tung khắp nơi bên ngoài, ít tiếp xúc những hoàn cảnh bên ngoài, tâm chúng ta bèn Chỉ. Muốn tu tâm thanh tịnh, muốn tu nhất tâm bất loạn, muốn tu công phu thành phiến, mà vẫn phan duyên khắp nơi, làm sao có thể thành công cho được? Chẳng thể nào thành công, vì cách làm của quý vị hoàn toàn tương phản! Vì thế, chúng ta phải chú tâm thấu hiểu giáo huấn của cổ đức, những giáo huấn ấy đích xác là rất hữu lý. Bởi lẽ, Chỉ lâu ngày bèn thành Định, công phu thành phiến. Công phu thành phiến lâu ngày sẽ đắc nhất tâm bất loạn.

“Quán” là gì? Quán là trong tâm hiểu rành mạch, rõ ràng thì là Quán. Chẳng phải là hồ đồ, chẳng phải là mê hoặc, điên đảo, mà là rõ ràng. Đã rõ ràng lại còn chẳng có vọng niệm thì mới gọi là Quán. Nếu có vọng niệm, chẳng gọi là Quán. Chúng ta dốc sức tu Quán thì phải biết bắt đầu từ chỗ nào? Thưa cùng quý vị, khởi đầu bằng chấp trì danh hiệu. Trong tâm chẳng có một vọng niệm hay tạp niệm là Chỉ, mỗi câu Phật hiệu rõ ràng từng chữ, câu này nối tiếp câu kia, suốt ngày từ sáng đến tối chẳng gián đoạn, đó là Quán. Quý vị có Chỉ sẽ không dừng ở bên Có; có Quán sẽ không dừng ở bên Không. Chẳng rớt vào hai bên Có và Không, trong Đại Thừa Phật pháp thường nói là Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa.

/ 289