A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 153
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm hai mươi tám.
Đây là quyển thứ ba của bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa. Hôm nay chúng ta bắt đầu dùng bản mới. Trong bản này, Sớ Sao và Diễn Nghĩa được ghép chung lại. Kinh bổn này hết sức khó có! Văn bản do chúng ta sử dụng trong quá khứ đã tách rời Sớ Sao và Diễn Nghĩa [thành hai bản], nên phải xem bằng cách đối chiếu hai bản, khá bất tiện, mà cũng dễ bỏ sót. In [gộp chung] thành Hội Bản, có ích rất lớn cho sự tu học. Đây là bản sau khi tu chỉnh lần thứ hai lại ấn hành lần nữa. Chúng tôi tin tưởng phần lớn các chữ bị sai đã được sửa chữa, có thể lưu thông bản này sẽ có ích rất lớn cho sự tu học và hoằng dương Tịnh Tông. Từ hôm nay trở đi, chúng ta bắt đầu dùng bản mới này.
Tam, thiên nhạc vũ hoa.
三、天樂雨華。
(Ba, nhạc trời, mưa hoa).
Chúng ta xem đoạn thứ nhất:
Sơ, thiên nhạc.
初、天樂。
(Thứ nhất, nhạc trời).
“Kinh” là kinh văn, “Sớ” là chú giải kinh, “Sao” là chú giải của chú giải (chú giải lời Sớ), “Diễn Nghĩa” là tầng chú giải thứ ba (tức chú giải lời Sao). [Đối với mỗi phần, trong bản in mới này] chúng tôi đều dùng ô vuông [bao quanh những chữ Kinh, Sớ, Sao, Diễn] để chỉ rõ.
(Kinh) Hựu Xá Lợi Phất! Bỉ Phật quốc độ, thường tác thiên nhạc.
(經) 又舍利弗。彼佛國土。常作天樂。
(Kinh: Lại này Xá Lợi Phất! Cõi Phật ấy thường tấu nhạc trời).
Kinh văn của kinh Di Đà ngắn ngủi, nhưng nội dung trọn chẳng kém kinh Vô Lượng Thọ. Liên Trì đại sư nói kinh Vô Lượng Thọ là Đại Bổn của kinh này, gọi kinh Di Đà là Tiểu Bổn. Văn tự nhiều hay ít khác nhau, nhưng nói theo phương diện nghĩa lý, chẳng có sai biệt. Chúng ta xem phần chú giải câu kinh văn này.
(Sớ) Thượng tự bảo trì, thử đàm kim địa chi thượng, hoa nhạc giao huy dã.
(疏) 上敘寶池,此談金地之上,華樂交輝也。
(Sớ: Phần trước là trần thuật ao báu, ở đây nói trên đất vàng, hoa và nhạc giao xen rạng ngời).
“Thượng” là phía trước. Ở phía trước đã nói về sự trang nghiêm nơi ao bảy báu và đức thủy (nước tám công đức) trong ao báu của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đoạn kinh văn này nói đến những sự trang nghiêm trên mặt đất trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Kim địa chi thượng, hoa nhạc giao huy” (Trên đất vàng, hoa và nhạc giao xen rạng ngời), “hoa” là thiên hoa, “nhạc” là thiên nhạc.
(Sớ) Thiên nhạc giả, dị thế nhạc cố. “Thường tác” giả, vô gián yết cố.
(疏) 天樂者,異世樂故。常作者,無間歇故。
(Sớ: “Thiên nhạc” khác với nhạc thế gian, “thường tấu” là chẳng gián đoạn, ngưng dứt).
Dưới đây có chú giải mấy câu này.
(Sao) Dị thế nhạc giả.
(鈔) 異世樂者。
(Sao: Khác với nhạc thế gian).
“Dị” (異) là bất đồng, âm nhạc của Tây Phương Cực Lạc thế giới khác với thế gian này. Rốt cuộc là khác nhau như thế nào? Đại sư dẫn chứng kinh điển để giảng rõ, có thể thấy Ngài nói một câu “dị thế nhạc” chẳng phải là nói tùy tiện.
(Sao) Đại Bổn vân.
(鈔) 大本云。
(Sao: Kinh Đại Bổn nói).
“Đại Bổn” là kinh Vô Lượng Thọ.
(Sao) Đệ nhất Tứ Thiên Vương Thiên.
(鈔) 第一四天王天。
(Sao: Tầng thứ nhất là trời Tứ Thiên Vương).
Từ thế giới này đi lên, tầng trời thứ nhất là Tứ [Thiên] Vương Thiên, [tức cõi trời của] Tứ Đại Thiên Vương. Tứ Thiên Vương là Đông, Nam, Tây, Bắc, ở giữa là núi Tu Di (Sumeru). Phương Đông là Trì Quốc Thiên Vương (Dhṛtarāṣṭra), tay cầm đàn tỳ bà. Phương Nam là Tăng Trưởng Thiên Vương (Virūḍhaka), tay cầm bảo kiếm. Phương Tây là Quảng Mục Thiên Vương (Virūpākṣa), tay cầm một con rắn. Phương Bắc là Đa Văn Thiên Vương (Vaiśravaṇa), tay cầm một cái tán. Sắp xếp theo thứ tự thuận, người Hoa sẽ nói là “phong điều vũ thuận”, bảo kiếm sanh Phong, tỳ bà Điều huyền (điều hòa dây đàn), tán che mưa (Vũ), loài tiểu động vật trên tay là Thuận tùng.
(Sao) Cập chư thiên nhân, bách thiên hương hoa, bách thiên âm nhạc, dĩ cúng dường Phật, cập chư Bồ Tát, Thanh Văn chi chúng. (鈔) 及諸天人,百千香華,百千音樂,以供養佛,及諸菩薩聲聞之眾。