/ 289
395

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 150

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm mười chín:

 

  (Sao) Cố kinh vân: “Thanh sắc thanh quang, hoàng sắc hoàng quang” đẳng, thị quang sắc bất nhị, Tịch Chiếu song dung dã.

  (鈔) 故經云:青色青光,黃色黃光等,是光色不二,寂照雙融也。

  (Sao: Vì thế, kinh nói “sắc xanh, ánh sáng xanh; sắc vàng, ánh sáng vàng” v.v… chính là nói quang minh và màu sắc bất nhị, Tịch và Chiếu cùng viên dung).

 

  Kế đó là phần tổng kết, nhằm quy kết vào kinh này. “Thanh sắc, thanh quang”, thanh sắc là thật sắc, thanh quang là giả sắc. Giả sắc và thật sắc đều chẳng lìa tâm thanh tịnh, trong kinh nói là “quang sắc bất nhị”, tức là ý nghĩa tự tánh “Tịch - Chiếu song dung”. Còn có một cách giải thích khác, trong màu xanh có ánh sáng xanh, màu trắng có ánh sáng trắng, quang sắc bất nhị, Tịch Chiếu song dung, tức là nói quang có ý nghĩa Chiếu, sắc có ý nghĩa Tịch. Quang minh và màu sắc của hoa bất nhị, cũng nhằm hiển thị Tánh Thể Tịch - Chiếu cùng viên dung. Dưới đây là lời giải thích rất tường tận.

  (Sao) Hựu tự tánh tịch, thị hoa hợp nghĩa. Tự tánh chiếu, thị hoa khai nghĩa.

  (鈔) 又自性寂,是華合義;自性照,是華開義。

  (Sao: Lại nữa, tự tánh tịch là ý nghĩa hoa cụp lại. Tự tánh chiếu là ý nghĩa hoa nở).

 

  Đây là nói tới hoa sen khép lại hay xòe nở. Trong tự tánh bao hàm vạn đức, Lục Tổ đại sư nói “vốn sẵn trọn đủ”, vô lượng nghĩa lý, vô biên sắc tướng, tự tánh thảy đều trọn đủ. Trong Phật pháp, vô lượng vô biên được quy nạp lại thì chẳng ngoài Thể và Dụng. Tịch là nói đến Thể, Thể là thanh tịnh, tịch diệt. Nói Chiếu là nói tới tác dụng của nó. Nói Sắc thì Sắc cũng nhằm tỷ dụ bản thể của tự tánh. Nói Quang là nói tới tác dụng Chiếu của nó. Bất luận nói như thế nào, nếu quý vị hiểu rõ đạo lý này, quy nạp chúng lại thì một đằng là nói theo Thể, một đằng là nói theo Dụng. Vạn pháp trong vũ trụ, vô lượng vô biên Thể, Dụng, rốt ráo do đâu mà có? Chúng ta hiểu rõ, toàn là do tự tánh biến hiện. Sau khi hiểu đạo lý này, mục đích học Phật của chúng ta là muốn kiến tánh. Tánh Đức không thể hiện tiền; nói cách khác, Tánh Đức có vô biên diệu dụng, nhưng chúng ta làm thế nào cũng chẳng đạt được, dùng phương pháp gì cũng đều chẳng học được!

  Người trong thế gian hiện thời, bất luận người Trung Hoa hay ngoại quốc đều rất thích thần thông, thần thông là tác dụng. Thần thông có thể học được hay không? Thưa chư vị, chẳng học được! Nhưng có người học liền có [thần thông]. Thần thông là có, vì sao nói là “chẳng học được”? Tôi bảo quý vị, hễ quý vị học thì sẽ học chẳng được! Nếu quý vị học liền đắc thần thông thì sẽ phiền phức to lớn. Thần thông do đâu mà có? Yêu ma quỷ quái dựa vào thân quý vị để hiển lộ, sức thần thông ấy chẳng phải là của chính quý vị, mà là của kẻ khác. Chư vị đọc kỹ kinh Lăng Nghiêm sẽ hiểu. Kinh Lăng Nghiêm nói năm mươi thứ Ấm Ma. Tâm quý vị ưa chuộng thần thông, sẽ kết hợp với bản lãnh của yêu ma, quỷ quái [tạo thành thần thông, nhưng quý vị chẳng biết], quý vị lại ưa chuộng, hoan hỷ. Nói cách khác, rất dễ bị ma gạt gẫm. Ma có thể nhờ vào thân thể của quý vị để hiện một chút thần thông, quý vị đắc ý, ma cũng đắc ý! Nhưng ngày nào đó, nếu ma rời khỏi thân quý vị, năng lực ấy hoàn toàn bị mất đi. Tôi tin tưởng các đồng tu đã đọc kỹ kinh Lăng Nghiêm, hiểu khá rõ chuyện này. Rốt cuộc thần thông do đâu mà có? Thưa cùng chư vị, từ trong tâm thanh tịnh mà có. Sáu thứ thần thông là bản năng (năng lực sẵn có) của chúng ta, chẳng có một chút hiếm hoi, lạ lùng nào, chúng là những thứ phải nên có! Hiện thời, những năng lực ấy bị mất đi, chẳng có, là do nguyên nhân gì? Do tâm quý vị chẳng thanh tịnh. Do vậy, học Phật là học gì? Khôi phục tâm thanh tịnh mà thôi. Tịch là trọng yếu!

  Trong các đồng tu chúng ta, cũng có một số người học giảng kinh. Quý vị lên đài giảng kinh, giảng đến mức hoa trời rơi lả tả, đó là Chiếu! Vì sao quý vị có thể giảng? Tâm nhất định phải tịch, tâm địa đạt đến mức thanh tịnh tịch diệt, liền tương ứng với tâm Phật. Tâm Phật là tâm thanh tịnh tịch diệt, tâm quý vị cũng là tâm thanh tịnh tịch diệt, quý vị và Phật “tâm tâm tương ấn”. Những kinh do đức Phật đã giảng, quý vị vừa nhìn vào liền hiểu rõ, vì sao? Giống hệt như từng thứ hiển hiện trong tâm của chính mình, chẳng hai, chẳng khác. Vì thế, từ xưa tới nay, các tổ sư đại đức hoằng pháp lợi sanh chẳng có một vị nào tâm không thanh tịnh. Trước đây, giảng đại tòa, mở đầu là hương tán, sau đó là tụng kinh, rồi hô chúng sanh kệ, rồi lại niệm Phật, rồi niệm kệ khai kinh, gần như là mất từ nửa giờ đến bốn mươi phút, trong lúc ấy, pháp sư giảng kinh ở trên giảng đài làm gì? Nhập định! Tâm đã định, do nhập Định, đã định rồi thì mới có thể quán sát căn cơ, mới có thể tương ứng. Hiện thời, do mọi người chẳng muốn lãng phí nhiều thời gian như thế, nên đơn giản hóa nghi thức, chỉ niệm Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ba lần xong bèn niệm kệ Khai Kinh [rồi bắt đầu giảng kinh].

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289