634

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 151

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm hai mươi ba:

 

  (Sớ) Hựu công đức giả, vô lậu tánh công đức dã, phục hữu thắng liệt, kim thị thắng công đức cố.

  (疏) 又功德者,無漏性功德也,復有勝劣,今是勝功德故。

  (Sớ: Lại nữa, “công đức” là công đức của tánh vô lậu, lại có thù thắng và kém cỏi. Nay [công đức được nói trong chánh kinh] là công đức thù thắng).

 

  “Vô lậu tánh”: Nói rõ công đức này là xứng tánh khởi tu, nên gọi là “vô lậu tánh công đức”.

 

  (Sao) Vô lậu công đức giả, Sơ Tổ dĩ doanh tu thế phước, vi hữu lậu chi nhân, bất danh công đức.

  (鈔) 無漏功德者,初祖以營修世福,為有漏之因,不 名功德。

  (Sao: “Vô lậu công đức”: Sơ Tổ coi chuyện lo toan tu tập phước thế gian là cái nhân hữu lậu, chẳng đáng gọi là “công đức”).

 

  “Sơ Tổ” là nói đến Sơ Tổ của Thiền Tông, tức là Đạt Ma Tổ Sư. Nói theo sự truyền thừa tại Ấn Độ, Bồ Đề Đạt Ma thuộc đời thứ hai mươi tám, tức là kể từ Thích Ca Mâu Ni Phật truyền cho tôn giả Ca Diếp là Sơ Tổ tại Ấn Độ, Ca Diếp truyền cho A Nan, truyền như vậy đến đời thứ hai mươi tám là Đạt Ma Tổ Sư. Đạt Ma đem Thiền Tông truyền sang Trung Quốc, Đạt Ma là Sơ Tổ tại Trung Quốc. “Dĩ doanh tu thế phước, vi hữu lậu chi nhân” (Coi chuyện lo toan tu tập phước thế gian là cái nhân hữu lậu): Ngài Đạt Ma đến Trung Quốc, thuở ấy nhằm thời đại Lương Vũ Đế, Ngài gặp Lương Vũ Đế. Lương Vũ Đế là đại hộ pháp của Phật môn, là một Phật tử kiền thành, đáng tiếc là nhà vua toàn tu phước! Trong thời gian làm hoàng đế, ông ta đã kiến tạo tất cả bốn trăm tám mươi tòa tự miếu. Chép kinh, thời ấy chưa thể in kinh, phải bỏ tiền thuê người chép kinh. Lại còn độ người xuất gia; chỉ cần có người phát tâm xuất gia, nhà vua đều hoan hỷ giúp đỡ, thành toàn cho người ấy xuất gia. Nói thông thường, công đức ấy cũng rất lớn. Khi tổ Đạt Ma đến, nhà vua bèn hỏi tổ Đạt Ma: “Trẫm cất chùa, chép kinh, độ người xuất gia vô số, vô lượng, công đức của trẫm có to hay không?” Đạt Ma Tổ Sư đáp: “Thật vô công đức”, [nghĩa là] Tổ nói: “Tôi nói thật cho bệ hạ biết, chẳng có công đức gì cả!” Lương Vũ Đế nghe nói vậy rất cụt hứng, cũng chẳng hộ trì Tổ. Tổ chẳng có cách nào, đến chùa Thiếu Lâm nhìn vào vách, chẳng ai quan tâm đến Ngài. Nếu Tổ khen ngợi Lương Vũ Đế, Lương Vũ Đế sẽ làm hộ pháp cho Tổ, sẽ khá lắm! Pháp duyên của Ngài có thể thù thắng lắm! Tổ ở Trung Quốc nhiều năm ngần ấy, chỉ độ một mình Nhị Tổ Huệ Khả, chỉ truyền pháp cho một người. Đó là “thuyết pháp chẳng khế cơ”, nhưng Đạt Ma Tổ Sư nói lời chân thật.

  Bản thân chúng ta học Phật nhất định phải biết, rốt ráo chúng ta đang học gì? Đang tu gì? Phải hiểu rõ ràng! Những gì Lương Vũ Đế đã làm là phước báo nhân thiên, là nhân hữu lậu. Tu phước trong Phật môn, quả báo trong tam giới, chẳng thoát ra được, nên chẳng phải là chân thật. Công đức chân thật là gì? Công đức chân thật là tâm thanh tịnh. Trí huệ sanh từ tâm thanh tịnh được gọi là trí huệ Bát Nhã; đó là công đức chân thật. [Công đức] tuyệt đối chẳng thể cầu từ pháp thế gian, chỉ nên cầu công đức trong nội tâm. “Công” là công phu, “Đức” là cái quý vị thâu hoạch, đó gọi là “cày cấy một phần, thâu hoạch một phần”. Vì lẽ đó, [những việc Lương Vũ Đế đã làm] “bất danh công đức” (chẳng gọi là công đức).

 

  (Sao) Hựu vân công đức tại Pháp Thân trung, tắc thử chi đại hạnh đại nguyện, giai tự tánh vô lậu công đức, phi sự thượng nhân thiên tiểu quả hữu lậu chi nhân dã.

  (鈔) 又云功德在法身中,則此之大行大願,皆自性無 漏功德,非事上人天小果有漏之因也。

  (Sao: Lại nói, công đức ở nơi Pháp Thân, nên đại hạnh đại nguyện này đều là công đức vô lậu của tự tánh, chẳng phải là cái nhân hữu lậu nơi mặt Sự thuộc về tiểu quả trong cõi trời người).

 

  Công đức ở nơi Pháp Thân. Nói cách khác, công đức nhất định phải tương ứng với Pháp Thân. Nay lại hỏi, Pháp Thân là gì? Chữ “Pháp” chỉ hết thảy vạn pháp, “Thân” có nghĩa thể tánh. Pháp Thân, nói theo danh từ triết học hiện đại, sẽ là “bản thể của vạn hữu trong vũ trụ”, Phật pháp gọi [bản thể ấy] là Pháp Thân. Bản thể của hết thảy vạn pháp là không tịch, nên nói “vạn pháp đều là Không”. Chúng ta nói “hết thảy các pháp” là nói theo tướng, tuy tướng là có, nhưng chẳng thật sự có, nên gọi là Diệu Hữu. Vì sao gọi là Diệu Hữu? Diệu ở chỗ nào? Diệu ở chỗ nó “có mà chẳng phải có, chẳng phải có mà là có”, đó là Diệu! Hết thảy vạn pháp chẳng có tự tánh, chẳng có tự thể, tánh “vô tánh” là chân tánh; chân tánh còn gọi là Pháp Thân.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net