364

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 149 

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm mười tám:

 

  (Sao) Vấn: Thử kinh bất kiêm sắc tượng, kim hồ nãi nhĩ?  

  (鈔) 問:此經不兼色像,今胡乃爾。

  (Sao: Hỏi: Kinh này chẳng kiêm sắc tượng là vì sao như vậy?)

 

  “Bất kiêm sắc tượng” là nói: “Văn Thù Nhất Hạnh tam-muội, bất thủ tướng mạo, chuyên xưng danh tự” (Nhất Hạnh tam-muội của ngài Văn Thù chẳng giữ lấy tướng mạo, chuyên xưng niệm danh tự), có ý nghĩa này. Cũng có thể nói là phương pháp tu hành được đề xướng trong bộ kinh này chú trọng trì danh, chẳng cần quán tưởng, mà cũng chẳng cần quán tượng. Ở đây, Liên Trì đại sư giả thiết một nghi vấn; tuy là giả thiết, nhưng trong số các đồng tu đọc Tịnh Độ Tam Kinh, quả thật có người có nghi vấn như vậy. Thí dụ như Quán Kinh chú trọng quán tưởng, có Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật, cuối cùng mới nói đến Trì Danh Niệm Phật, còn kinh này chuyên giảng về trì danh. Dưới đây là lời giải đáp:

 

  (Sao) Đáp: Hữu chuyên chủ cố, kiêm diệc vô ngại.

  (鈔) 答:有專主故,兼亦無礙。

  (Sao: Đáp: Do vì chuyên chú trọng một môn chủ yếu, nếu tu kèm thêm [các pháp niệm Phật khác] thì cũng chẳng trở ngại).

 

   Kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ đồng bộ, nên chủ trương của hai kinh hoàn toàn nhất trí, chuyên lấy Trì Danh làm chủ yếu, nhưng trong quá trình tu học, nếu quý vị tu kèm thêm Quán Tưởng hoặc Quán Tượng cũng chẳng trở ngại, vẫn được! Trong Vãng Sanh Luận, Thiên Thân Bồ Tát đề xướng Ngũ Niệm Pháp, có quán tưởng, xưng danh, phát nguyện, hồi hướng và sám hối, năm phương pháp đều có thể tu, cũng vô ngại.

  (Sao) Như Bồ Tát thiên hành Lục Độ thời, dĩ Thí vi chuyên chủ, dư phi bất tu, đản tùy lực, tùy phận.

  (鈔) 如菩薩偏行六度時,以施為專主,餘非不修,但隨力隨分。

  (Sao: Như Bồ Tát lúc chú trọng tu Lục Độ, lấy Bố Thí làm chủ yếu, chẳng phải là không tu những hạnh khác, chỉ tùy sức, tùy phận [mà tu tập]).

 

  Đây là nêu ra một thí dụ, “Bồ Tát thiên hành Lục Độ” là nói tới Thập Địa Bồ Tát trong kinh Hoa Nghiêm. Thập Địa Bồ Tát là [các địa vị Bồ Tát] từ Sơ Địa cho đến Thập Địa. Tuy mười Độ đều tu, nhưng trong mỗi giai đoạn, Ngài chú trọng một Độ. Thí dụ như Sơ Địa Bồ Tát thiên trọng Bố Thí Ba La Mật, Nhị Địa Bồ Tát chuyên tu Trì Giới Ba La Mật, Tam Địa Bồ Tát chuyên tu Nhẫn Nhục Ba La Mật, cho đến Thập Địa Bồ Tát, mỗi địa vị có sự chuyên tu riêng. Tuy chuyên tu một hạnh ấy, nhưng chẳng phải là các hạnh khác không tu, thảy đều tu. Tuy đều tu, nhưng trong đó, lấy một hạnh làm chủ yếu. Ở đây nói Lục Độ, “dĩ Thí vi chuyên chủ” (lấy Bố Thí làm pháp tu chủ yếu) là nói về Sơ Địa. Quý vị đọc kinh Hoa Nghiêm liền biết Sơ Địa Bồ Tát chuyên dùng Bố Thí Ba La Mật làm hạnh chuyên chủ, tức là [dùng Bố Thí Độ] để chuyên tu, chủ tu, nhưng Ngài vẫn phải tu chín Độ kia, trọn chẳng phải là không tu!

  “Đản tùy lực, tùy phận” (chỉ tùy sức, tùy phận), đối với Thập Ba La Mật, ở đây chỉ nói Lục Độ, tức là đại sư tỉnh lược, vì trong kinh Hoa Nghiêm, quả thật có những độ ấy. Vì sao kinh Hoa Nghiêm có Thập Độ? Thông thường, kinh Đại Thừa đều nói Lục Độ, kinh Hoa Nghiêm nói Thập Độ, nhưng nội dung của Thập Độ và Lục Độ chẳng sai khác! Thập Độ là Độ thứ sáu [trong Lục Độ], tức Bát Nhã Ba La Mật, được triển khai thành năm Độ; do vậy, năm Độ sau hoàn toàn là Bát Nhã. Bởi lẽ, Bát Nhã Ba La Mật là Căn Bản Trí, bốn thứ sau là Phương Tiện Ba La Mật, Nguyện Ba La Mật, Lực Ba La Mật và Trí Ba La Mật (trí này là Quyền Trí), bốn loại này thuộc về Hậu Đắc Trí.

  Chẳng có Bát Nhã Ba La Mật, nói cách khác, quyết định chẳng có phương tiện. Phương tiện thiện xảo sanh từ Bát Nhã Ba La Mật; phương tiện thiện xảo chẳng dễ dàng! Nếu chẳng có Bát Nhã Ba La Mật, quý vị muốn dùng phương tiện thiện xảo sẽ bị rắc rối to! Trong Phật môn thường nói “Phương tiện thành hạ lưu!” Vì sao phương tiện trở thành hạ lưu? Kẻ ấy chẳng có Bát Nhã Ba La Mật, học đòi hành theo phương tiện của Bồ Tát, chắc chắn trở thành hạ lưu. Đó gọi là “từ bi lắm họa hại, phương tiện thành hạ lưu”. Lại nói: “Từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”. Chúng ta nghe như vậy, dường như rất mâu thuẫn; thật ra, nó có đạo lý, từ bi và phương tiện đều phải kiến lập trên cơ sở Bát Nhã Ba La Mật. Vì thế, có thể biết, sau khi viên mãn Lục Độ thì mới có thể tu phương tiện từ bi, chẳng có Lục Độ, làm sao có phương tiện từ bi cho được? Đây là Bồ Tát tu học, lấy Lục Độ làm chủ; Lục Ba La Mật đang được nói ở đây chính là Thập Ba La Mật.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net