/ 289
623

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 148


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm mười sáu:


(Sao) Tam ngôn hương giả, thử phương bỉ quốc tương giảo thắng liệt, diệc hữu nhị nghĩa.

(鈔) 三言香者,此方彼國相較勝劣,亦有二義。

(Sao: Ba là nói về hương, so sánh sự hơn kém giữa phương này và cõi kia thì cũng có hai nghĩa).


Đây là nói về hoa sen “vi diệu hương khiết”, trong phần trước, đã giới thiệu ý nghĩa “vi diệu”. Dưới đây, chúng ta xem ý nghĩa của hai chữ “hương khiết”. Trong chú giải, đại sư đã giảng rõ: Hương của hoa sen trong thế giới Sa Bà đem so với hương trong thế giới Cực Lạc thì cũng có hai ý nghĩa:


(Sao) Nhất giả, thử phương tắc xuất ô nê trung, nghi v sở hỗn, nhi thanh hinh chiêm nhiên, thị vi “uế trung hương”.

(鈔) 一者,此方則出汙泥中,宜為所溷,而清馨澹然,是為穢中香。

(Sao: Một là [hoa sen] nơi cõi này mọc từ bùn nhơ, lẽ ra phải nhuốm bẩn, mà lại nghiễm nhiên thơm sạch. Đó là Hương trong chốn ô uế).


Hoa sen trong thế gian này cũng có hương, nhưng kém hơn thế giới Cực Lạc.


(Sao) Nhị giả, bỉ quốc tắc như Đại Bổn ngôn.

(鈔) 二者,彼國則如大本言。

(Sao: Hai là nước kia thì như kinh Đại Bổn đã nói).

Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ, giảng rất tỉ mỉ.


(Sao) Quang sắc ký dị, hương khí diệc dị, phân phương phức úc, bất khả thắng ngôn. Cố thanh liên hoa hương, bạch liên hoa hương. Tụng tư kệ giả, thượng trí khẩu xuất liên hoa chi hương, siêu nhất thiết hương, hương vô dữ tỷ, thị vi “hương trung hương”. Tắc tri thử phương chi hương, dĩ thắng dư hoa, bỉ quốc nãi thắng nhi hựu thắng giả dã.

 (鈔) 光色既異,香氣亦異,芬芳馥郁,不可勝言,故青蓮華香,白蓮華香。誦斯偈者,尚致口出蓮華之香,超一切香,香無與比,是為香中香。則知此方之香,已勝餘華,彼國乃勝而又勝者也。

(Sao: Quang minh và màu sắc đã lạ lùng, hương thơm cũng lạ, thơm tho, ngào ngạt, chẳng thể kể xiết. Vì thế, hương hoa sen xanh, hương hoa sen trắng, người tụng bài kệ ấy còn đến nỗi miệng có mùi thơm hoa sen, vượt trỗi hết thảy các thứ hương, chẳng có hương nào sánh bằng. Đó là “hương thơm nhất trong các loại hương”. Vì thế biết hương sen trong cõi này (Sa Bà) đã trỗi vượt [mùi hương của] các thứ hoa khác, nhưng cõi kia lại còn thù thắng hơn nữa).


Đoạn văn này chẳng khó hiểu. Nói thực tại thì thế giới Tây Phương cảm ứng đạo giao chẳng thể nghĩ bàn. Nói đến cảm ứng thì hôm qua có một đồng tu ở Tân Trúc gọi điện thoại cho tôi, tôi và ông ta chưa gặp mặt, ông ta nghe băng thâu âm lời giảng kinh của tôi, nghe rất hoan hỷ. Ông ta hỏi tôi một câu: “Phật, Bồ Tát hóa thân có phải là thật hay không?” Tôi nói: “Xác thực là có chuyện ấy”. Ông ta kể: Cách đây không lâu, vợ ông ta qua đời, do niệm Phật mà vãng sanh. Có một vị xuất gia đến đưa tiễn (nghĩa là hộ niệm) vợ ông ta, trong miệng cũng niệm liên tục, nhưng nghe chẳng ra ông ta đang niệm điều gì. Vị xuất gia ấy tướng mạo hết sức đoan nghiêm, trước nay chưa hề thấy, cũng chẳng biết vị ấy trụ nơi đâu, cũng chẳng biết tên gì. Vị ấy ngồi trong nhà rất lâu, còn chơi giỡn với cháu nội ông ta. Khi vị ấy đã rời đi, hỏi dò hàng xóm, chưa có ai trông thấy vị ấy. Vì lẽ đó, ông ta hỏi về chuyện này, hết sức lạ lùng, có người như vậy đến viếng!

Tôi liền kể: Xưa kia, phu nhân Châu Bang Đạo khi ở Nam Kinh đã gặp Địa Tạng Vương Bồ Tát đến nhà bà ta hóa duyên, đó cũng là hóa thân. Do vậy, tôi hỏi ông ta: “Vợ ông nhất định hết sức thiện lương, thiện căn sâu dầy?” Ông ta đáp: “Đúng vậy, lời ấy chẳng sai tí nào! Tôi và bà ta kết hôn ba mươi năm, miệng bà ta trước nay chưa hề thốt lời thô tháp, trước nay chưa từng tranh cãi với người nhà”. Tôi nói: “Nếu không phải là thiện căn khá sâu dầy, lâm chung sẽ chẳng thể cảm Phật, Bồ Tát hóa thân hiện tiền. Đó là thụy tướng vô cùng tốt đẹp, là vị Phật, Bồ Tát nào hóa thân hiện đến, chẳng biết, nhưng quyết định là hóa thân”. Nói thật ra, Phật, Bồ Tát thường thị hiện trong nhân gian, nhưng chúng ta là phàm phu mắt thịt chẳng thể nhận biết. Đó là nói về sự cảm ứng.

Hoa sen trong thế giới Tây Phương, không chỉ là quang minh chiếu khắp, mà còn là “bảo hương phổ huân” (hương báu xông khắp), nên thế giới ấy được gọi là thế giới Hương Quang, tất cả hết thảy các chất báu đều có mùi thơm. Chẳng giống như chất báu trong thế gian này có ánh sáng, nhưng không có mùi thơm. Mùi thơm có thể khác nhau, nhưng xác thực là thật sự có mùi thơm. Chúng ta niệm kinh, niệm kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, niệm A Di Đà Phật, trong miệng đều tỏa hương, đều có sự cảm ứng ấy. Người học Phật hơi miệng còn hôi thì chính mình phải cảnh giác, nghiệp chướng nặng nề, một chút cảm ứng nhỏ nhặt cũng không có. Mùi hôi có thể biến đổi, người tu hành thật sự chẳng cầu mà tự nhiên có.

/ 289