446

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 147

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm mười bốn:

 

  (Sớ) Vi diệu hương khiết, ngôn kỳ đức dã. Cử tứ đức giả, diệc văn tỉnh cố.

  (疏) 微妙香潔,言其德也。舉四德者,亦文省故。

  (Sớ: “Vi diệu hương khiết” là nói về đức. Nêu lên Tứ Đức cũng là nói tỉnh lược).

 

  Phẩm đức của hoa sen cũng là vô lượng vô biên, nói tới bốn đức này là nêu ra đại lược, nói vắn tắt.

  (Sao) Tứ đức giả, ly cấu thị liên hoa chánh nghĩa, thôi quảng kỳ nghĩa, lược thuyết vi tứ.

  (鈔) 四德者,離垢是蓮華正義,推廣其義,略說為四。

  (Sao: “Bốn đức”: “Lìa nhơ” là ý nghĩa chánh yếu của hoa sen, do mở rộng ý nghĩa ấy bèn nói đại lược bốn đức).

 

  “Vi diệu hương khiết” đều có thể nói theo Lý. Trước hết, lời Sao nói đến ý nghĩa Ly Cấu. Trong thế gian này, [rễ củ của] hoa sen mọc trong đất bùn, hoa nở trên mặt nước; đức Phật thường dùng hoa sen để biểu thị pháp, tượng trưng [ý nghĩa] “hai bên nhiễm và tịnh đều chẳng trụ”. Đất bùn trong ao tượng trưng cho nhiễm, nhiễm là cảnh giới lục phàm, lục đạo. Phía trên đất bùn là nước, nước là thanh tịnh, tượng trưng cho bốn thánh pháp giới: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, và Phật. Hoa sen nở trên mặt nước, tức là hai bên nhiễm và tịnh đều lìa, tượng trưng Nhất Chân pháp giới vượt trỗi mười pháp giới. Trong mười pháp giới, Phật pháp giới cao nhất, nhưng chẳng rốt ráo, vì sao? “Phật” [trong mười pháp giới] là nói tương đối, “vượt thoát” [mười pháp giới] mới là lìa khỏi tương đối, thật sự nhập cảnh giới viên mãn rốt ráo. Đó là “chánh nghĩa” (ý nghĩa chủ yếu) được biểu thị bởi hoa sen. Từ hình tướng của hoa sen, có thể lãnh hội “tứ đức” vi diệu hương khiết.

 

  (Sao) Nhất ngôn vi giả, phục hữu tứ nghĩa, nhị đồng, nhị biệt. Nhất giả, căn tiềm trì để, bất khả khuy thị, thị vi “u vi”.

  (鈔) 一言微者,復有四義,二同二別。一者,根潛池底,不可窺視,是為幽微。

  (Sao: Một là nói đến ý nghĩa Vi, lại có bốn nghĩa, hai nghĩa đồng và hai nghĩa biệt. Một là rễ ẩn kín dưới đáy ao, chẳng thể nhìn ngó, đó là “u vi”).

 

  Ý nghĩa thứ nhất là Vi. Rễ hoa sen mọc trong đất bùn, nhục nhãn của chúng ta chẳng thấy. Vì thế, nó có ý nghĩa “u vi” (ẩn kín, huyền nhiệm). Ao bảy báu trong Tây Phương Cực Lạc thế giới cát vàng trải đất, đáy ao thanh tịnh, chẳng bị nhuốm bẩn. Nhưng nói thật ra, hoa sen ấy lại càng u vi, vì sao? Hoa sen ấy chẳng phải do con người gieo trồng, mà cũng chẳng do A Di Đà Phật biến hiện, mà do hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới phát tâm niệm Phật, trong ao liền nẩy sanh một đóa hoa sen, đương nhiên hoa sen ấy cũng sanh từ cát bằng vàng, nên ý nghĩa “u vi” lại càng sâu hơn ý nghĩa trong thế gian này nhiều lắm!

 

  (Sao) Nhị giả, bất sanh cao nguyên, lục địa, dữ phồn hoa lệ nhụy nhi tranh nghiên diễm, thị vi “ẩn vi”.

  (鈔) 二者,不生高原陸地,與繁華麗蕊而爭妍艷,是為隱微。

  (Sao: Hai là chẳng sanh nơi cao nguyên hay đất liền, chẳng đua tranh sắc vóc đẹp đẽ cùng các loài hoa rực rỡ chốn phồn hoa, đó là “ẩn vi”).

 

  Hoa sen thanh cao, khiết bạch, chẳng tranh sắc đua hương cùng những loài hoa khác. Nó mọc trong ao nước, đó là ý nghĩa “ẩn vi”. Chúng ta xem Nhị Thập Ngũ Sử[1], những nhân vật lịch sử trong ấy đều có cống hiến rất lớn đối với quốc gia, dân tộc thì mới có thể lưu danh trong sử xanh. Những vị ẩn sĩ tuy có học vấn và đạo đức, nhưng cả đời chẳng ra mặt làm chuyện gì, lịch sử cũng phải chép về họ, vì sao? Nói chung là nghĩ không ra! Những người ấy chẳng có cống hiến gì cho quốc gia, dân tộc, xã hội, hằng ngày du sơn ngoạn thủy, uống rượu, làm thơ, họ sống cuộc đời như thế. Sau này, chúng tôi mới thật sự hiểu rõ vì sao [các sử gia] chép truyện của họ? Nói thật ra, những người ấy đều có năng lực, thật sự có đức hạnh, nhưng chẳng ra làm việc, ẩn cư trong chốn núi rừng, chẳng hỏi đến thế sự, đại biểu điều gì? Thiên hạ thái bình. Thông thường, những kẻ chẳng có đức hạnh kha khá, tự mình có bản lãnh, mà nếu chẳng đạt được địa vị trong xã hội, ắt muốn làm loạn, muốn tạo phản! Nhưng các vị ấy chẳng tạo phản, chẳng dấy loạn, lỗi lạc thay! Tiến chẳng bằng thoái, có những người ấy thị hiện: Trong xã hội, họ có thể lùi một bước, an phận giữ đúng bổn phận, đó là giáo dục người khác hết sức tốt đẹp bằng hành động gương mẫu (thân giáo). Thật sự hiểu rõ nhân quả, có thể tiến bèn tiến, không thể tiến bèn lui, trọn chẳng miễn cưỡng! Vì thế, vô cùng khó có, đáng quý, lịch sử chép truyện của họ là có lý. Đó là ý nghĩa “ẩn vi”.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net