/ 289
552

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 146


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm mười một.

Tam, liên hoa.

(Kinh) T trung liên hoa, đại như xa luân, thanh sắc thanh quang, hoàng sắc hoàng quang, xích sắc xích quang, bạch sắc bạch quang, vi diệu hương khiết.

三、蓮華。

(經) 池中蓮華。大如車輪。青色青光。黃色黃光。赤色赤光。白色白光。微妙香潔。

(Ba là hoa sen.

Kinh: Hoa sen trong ao to như bánh xe, màu xanh, ánh sáng xanh; màu vàng, ánh sáng vàng; màu đỏ, ánh sáng đỏ; màu trắng, ánh sáng trắng; vi diệu thơm sạch).


Đoạn kinh văn này nói về hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới vô cùng trọng yếu, nên thế giới Cực Lạc còn có tên là thế giới Liên Hoa. Thế giới ấy hoa sen đặc biệt nhiều, có quan hệ hết sức mật thiết với mỗi người cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, vì Đại Kinh đã dạy rõ ràng: Vãng sanh thế giới Tây Phương là liên hoa hóa sanh, cho nên chỗ để sanh vào là hoa sen, mà chỗ cư trụ cũng là hoa sen. Vì thế, đoạn kinh văn này phải giới thiệu tỉ mỉ. Xin hãy xem chú giải:


(Sớ) Thượng ngôn trì ngoại, kim biểu trì trung.

(疏) 上言池外,今表池中。

(Sớ: Phần trên nói về [sự trang nghiêm] bên ngoài ao, nay nói đến [những sự trang nghiêm] trong ao).


Đoạn trước nói đến sự trang nghiêm phía ngoài ao bảy báu, ở đây là nói đến sự trang nghiêm trong ao bảy báu.


(Sớ) Liên hoa, Phạn ngữ Phân Đà Lợi, diệc vân Ưu Bát La, diệc vân Bát Đặc Ma, diệc vân Câu Vật Đầu.

(疏) 蓮華,梵語芬陀利,亦云優缽羅,亦云缽特摩,亦云拘勿頭。

 (Sớ: Hoa sen tiếng Phạn là Phân Đà Lợi (Puṃḍarīkaṃ), còn gọi là Ưu Bát La (Utpala), còn gọi là Bát Đặc Ma (Padma), còn gọi là Câu Vật Đầu (Kumuda)).

Đây là dịch âm từ tiếng Phạn của Ấn Độ. Trong phần trước đã nói đến bốn màu, [tức là hoa sen] gồm có bốn loại màu sắc [khác nhau]. Phân Đà Lợi là hoa sen trắng.


(Sao) Phạn ngữ Phân Đà Lợi, thử vân Bạch Liên Hoa, vị khai danh Khuất Ma La, tương lạc danh Ca Ma La.

(鈔) 梵語芬陀利,此云白蓮華,未開名屈摩羅,將落名迦摩羅。

(Sao: Tiếng Phạn là Phân Đà Lợi, cõi này dịch là Bạch Liên Hoa, chưa nở gọi là Khuất Ma La (Kuvala), sắp rụng gọi là Ca Ma La (Kamala)).


Những danh xưng này đều là cách gọi cổ xưa tại Ấn Độ. Đại chúng chúng ta ở nơi đây thật sự phát tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, trong ao bảy báu liền trổ một đóa sen. Nếu quý vị ngã lòng, chẳng muốn vãng sanh, hoặc là đổi sang học pháp môn khác, hành tham Thiền, niệm chú, đóa sen ấy liền khô héo, chẳng còn nữa, tiêu mất! Do vậy, hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới có héo rũ, nhưng chư vị phải biết: Hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, hoa sen ấy cũng là hoa sen tồn tại đời đời, vĩnh viễn chẳng diệt, giống như kinh Vô Lượng Thọ đã dạy: Hoa sen tươi đẹp, vĩnh viễn chẳng bị biến đổi. Có thể thấy hoa sen tàn héo, rơi rụng là lúc chúng ta chưa vãng sanh vì tâm quý vị biến đổi, thái độ biến đổi; chứ sau khi vãng sanh sẽ không có [những chuyện tàn héo, rơi rụng ấy].


(Sao) Xử trung chánh khai, danh Phân Đà Lợi.

(鈔) 處中正開,名芬陀利。

(Sao: Ngay trong lúc hoa sen đang nở thì gọi là Phân Đà Lợi).


Phân Đà Lợi là danh xưng trong khi hoa sen nở.


(Sao) Ưu Bát La giả, thanh liên hoa dã. Bát Đặc Ma giả, hồng liên hoa dã. Câu Vật Đầu giả, hoàng liên hoa dã.

(鈔) 優缽羅者,青蓮華也;缽特摩者,紅蓮華也;拘勿頭者,黃蓮華也。

(Sao: Ưu Bát La là hoa sen xanh. Bát Đặc Ma là hoa sen đỏ. Câu Vật Đầu là hoa sen vàng).

Kinh nêu ra bốn loại màu, bốn màu ấy thế gian này đều có. Theo như Đại Kinh đã nói, hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới có vô lượng màu, không chỉ là bốn thứ này. Do vậy, kinh này nói đại lược. Hoa ấy to như bánh xe.


(Sớ) Xa luân giả, ngôn kỳ hình dã, đại tiểu vô định.

(疏) 車輪者,言其形也,大小無定。

(Sớ: “Bánh xe” là nói đến hình dáng, [chứ hoa sen] lớn hay nhỏ không nhất định).


Hoa có hình tròn, không chỉ là tròn, mà còn là viên mãn, chẳng có mảy may khiếm khuyết, nên dùng “xa luân” làm tỷ dụ. Trong hết thảy các dụng cụ, bánh xe viên mãn nhất. Nó có tâm, có vành, có trục; trong hết thảy các pháp, nó biểu thị sự viên mãn, lại còn biểu thị Không và Có chẳng hai! Tâm bánh xe trống không, chắc chắn chẳng tìm được. Hiện thời, học Toán, học Hình Học đều biết, đường tròn có tâm hay không? Chắc chắn là có, nhưng ở đâu? Chẳng tìm được! Vì thế, nói là Không. “Không” được nói trong Phật pháp chẳng phải là Vô. “Không” chẳng phải là không có, Không là Có. Đã có thì sao gọi là Không? Mắt chẳng thấy được, tai cũng chẳng nghe được, sáu căn của chúng ta chẳng có cách nào tiếp xúc, nên gọi là Không. Nó xác thực là Có. Vì thế, [hình tròn, bánh xe] biểu thị Có và Không bất nhị, biểu thị tánh và tướng bất nhị. Tâm hình tròn tượng trưng Chân Như bổn tánh, chu vi hình tròn tượng trưng cho tướng. Tâm hình tròn chẳng thể tách lìa đường tròn, đường tròn chẳng thể tách rời tâm hình tròn. Vì thế, nó biểu thị tánh và tướng bất nhị, Không và Có bất nhị. Đó là ý nghĩa viên mãn. Trong hết thảy các pháp, rất khó tìm được một thứ cụ thể như vậy, có thể hiển thị rất rõ rệt ý nghĩa này, chỉ có hình tròn là có thể hiển thị. Vì thế, dùng bánh xe để biểu đạt.

/ 289