/ 289
741

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 145


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm lẻ chín:


(Sao) Nhị giả, khúc vị độn căn phàm phu, tu thị khổ lạc, linh sanh hân yếm, tiên dĩ dục câu khiên, hậu linh nhập Phật trí.

(鈔) 二者,曲為鈍根凡夫,須示苦樂,令生忻厭,先以欲鉤牽,後令入佛智。

(Sao: Hai là thuận theo kẻ độn căn phàm phu, cần phải chỉ ra sự khổ và vui, khiến cho họ ưa thích và chán nhàm, trước hết là dùng dục để lôi kéo, sau đó làm cho họ nhập Phật trí).


Đoạn trước là nói với bậc thượng căn lợi trí, đoạn này nhằm nói với hàng phàm phu. Đương nhiên, từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy đối tượng chủ yếu của pháp môn này là lục đạo phàm phu, còn Bồ Tát và Thanh Văn là những căn cơ được độ kèm thêm. Do điều này mà biết là “khúc vị độn căn phàm phu” (nhằm tùy thuận độn căn phàm phu), quả thật lấy điều này làm chủ yếu. Phàm phu chẳng có tầm nhìn xa rộng như bậc thượng trí, trí huệ cũng chẳng cao như thế. Quý vị nói chân tướng của nhân sinh và vũ trụ với họ, họ rất khó thể lý giải, [do họ chấp] những gì họ trông thấy là hiện thực. Nếu luận định theo hiện thực, phàm phu vui thích nhất và cũng bằng lòng tiếp nhận; do vậy, phải phô bày, hiển thị. Nay chúng ta gọi Thị (示) là “triển hiện” (phô bày, chỉ rõ) hai thứ cảnh giới khổ và vui khác nhau; phàm phu trông thấy những cảnh giới ấy sẽ tự nhiên biết lấy và bỏ như thế nào!

Thế giới này thật sự rất khổ, có một người lái taxi nói với tôi: “Trong thế giới hiện tại, dường như con người chẳng thể nào sống được!” Ông ta có cảm xúc như vậy, nói thế giới dường như chẳng còn là thế giới nữa. Tôi khuyên ông ta: “Nếu ông đã biết thế giới này chẳng phải là cuộc sống của con người, vậy thì hãy nhanh chóng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Còn có một thế giới tốt đẹp, chúng ta có thể đến đó thành công”. Có cảm xúc ấy tức là bắt đầu giác ngộ, tâm “hân yếm” (ưa thích và chán nhàm) tự nhiên sanh khởi. Hân (忻) là vui thích, tức là vui thích Tây Phương Cực Lạc thế giới, sanh lòng chán ngán, nhàm lìa thế giới này. Vì lẽ này, kinh mới nói đến y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nếu không, chỉ giảng lý luận và đạo lý là được rồi, cần gì phải nói những sự trang nghiêm nơi y báo và chánh báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới? Dụng ý đều là vì hạ căn phàm phu mà nói, nhưng những điều Ngài đã nói đều là sự thật, trọn chẳng phải là vọng ngữ, chẳng phải là lừa gạt chúng ta, những câu ấy đều là lời chân thật.

“Tiên dĩ dục câu khiên, hậu linh nhập Phật trí” (trước hết, dùng dục để lôi kéo, sau đó làm cho họ nhập Phật trí), đây là phương cách hóa độ chúng sanh của đức Phật. Nhưng trước hết dùng lạc dục để dẫn dắt quý vị, Ngài chẳng lừa dối quý vị, chẳng phải là những lời lẽ khi ấy chẳng đáng coi trọng, chẳng phải vậy! Lời đức Phật đã nói tuyệt đối là chân thật ngữ. Kinh Kim Cang dạy chẳng sai: “Như Lai là bậc chân ngữ, thật ngữ, như ngữ, chẳng nói sai khác, chẳng nói dối gạt”, chắc chắn là như vậy. Tuy nói “[dùng] dục để lôi kéo”, nhưng Ngài chẳng lừa gạt, những sự dục lạc ấy là chuyện chân thật. Đúng như trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nói về y báo và chánh báo trang nghiêm của thế giới Hoa Tạng; tục ngữ có câu: “Chẳng đọc Hoa Nghiêm, chẳng biết sự phú quý trong nhà Phật”. Có phải là Phật, Bồ Tát thật sự ham thích phú quý như vậy hay không? Chẳng phải! Đó là tự nhiên, phước báo của các Ngài là tự nhiên, chẳng phải giống như chúng ta phải mong cầu. Ở trong hoàn cảnh ấy, các Ngài cũng trọn chẳng biết hoàn cảnh ấy là lạc, các Ngài cũng chẳng có lạc thọ (cảm nhận vui sướng). Nếu có lạc thọ thì lạc thọ là phiền não, các Ngài há có phiền não? Các vị Phật, Bồ Tát đến thăm địa ngục, trông thấy núi đao, vạc dầu, nếu tới đó, các Ngài cũng chẳng cảm thấy khổ, năm thứ “khổ, lạc, ưu, hỷ, xả”, các Ngài đã đều lìa khỏi, đều chẳng có. Vì sao có cảnh giới ấy? Kinh đã giảng rất rành mạch, đó là do Tánh Đức tự nhiên hiển hiện, chẳng tới từ bên ngoài, mà cũng chẳng phải do chính quý vị mong mỏi như thế này, như thế nọ. Chẳng phải vậy! Hết thảy đều là tự nhiên, là Chân Như bổn tánh lưu lộ. Bởi lẽ, trong bổn tánh vốn trọn đủ vạn đức, vạn năng, Tánh Đức là như vậy đó!

Lục đạo phàm phu chúng ta, nếu nói sâu hơn một chút, kể cả Thanh Văn, Duyên Giác, và Quyền Giáo Bồ Tát đều chưa kiến tánh. Chưa kiến tánh thì quý vị tuy có Tánh Đức, nhưng bị vô minh phiền não chướng ngại, chẳng thể hiện tiền, nên sự thụ dụng liền biến thành Tu Đức. Hiện thời, chúng ta phải tu. Quý vị chẳng tu điều lành, sẽ chẳng thể có phước báo, đó là “thiện có thiện báo, ác có ác báo”. Quả báo thiện ác do tu mà có, chẳng phải là Tánh Đức, Tánh Đức chẳng cần phải tu. Bậc kiến tánh Bồ Tát, trong Viên Giáo là từ Sơ Trụ trở lên, trong Biệt Giáo là từ Sơ Địa trở lên, thụ dụng giống như trong kinh Hoa Nghiêm và kinh Di Đà đã nói, thụ dụng tự nhiên, chẳng cần lo liệu, chẳng cần cầu lấy, mà do Tánh Đức tự nhiên lưu lộ. Chúng ta hãy nên hiểu điều này. Hiểu chuyện này thì mới biết vì sao học Phật nhất định phải kiến tánh. Chẳng kiến tánh có được hay không? Chẳng kiến tánh thì vẫn được, nhưng chưa kiến tánh thì trong cuộc sống, quý vị vẫn phải suy tính, phải nghĩ cách tìm kiếm, lo liệu. Nếu kiến tánh thì hết thảy đều chẳng cần; điều này cho thấy tầm trọng yếu của sự kiến tánh.

/ 289