A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 144
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm lẻ tám.
(Sao) Kim giả tứ nghĩa, nhất sắc vô biến, nhị thể vô cấu, tam chuyển tác vô ngã, tứ năng linh nhân phú.
(鈔) 金者四義,一色無變,二體無垢,三轉作無我,四能令人富。
(Sao:Vàng có bốn ý nghĩa: Một là màu sắc chẳng biến đổi, hai là Thể chẳng nhơ, ba là tuy lần lượt được chế biến thành các thứ khác nhau, vàng vẫn vô ngã, bốn là có thể khiến cho con người giàu có).
Bảy báu đều chú trọng sự biểu thị pháp. “Vô biến” có nghĩa là Thường. Kinh thường nói Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Vàng biểu thị ý nghĩa này. Màu sắc của vàng chẳng thay đổi, có ý nghĩa Thường (thường hằng). “Vô cấu” là ý nghĩa thanh tịnh, trong sạch. “Chuyển tác vô ngã” là ý nghĩa Ngã trong Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. “Năng linh nhân phú” (có thể làm con người giàu có) là ý nghĩa Lạc. Do vậy, nó bao hàm bốn ý nghĩa Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
(Sao) Ngân tứ nghĩa đồng, nhi công sảo liệt.
(鈔) 銀四義同,而功稍劣。
(Sao: Bạc có bốn nghĩa giống như vậy, nhưng công năng hơi kém hơn).
Bạc cũng có bốn ý nghĩa ấy, nhưng nói theo mặt thể chất, bạc chẳng bằng vàng!
(Sao) Lưu Ly thanh sắc, thị kỳ chánh dịch.
(鈔) 琉璃青色,是其正譯。
(Sao: Lưu Ly màu xanh, nên [tiếng Hán dịch là Thanh Sắc Bảo] là chính xác).
Đây là cách giải thích thông thường trong hiện thời.
(Sao) Hựu danh Bất Viễn giả. Bất Viễn, sơn danh, sơn xuất thử bảo, dĩ cận Ba La Nại thành cố.
(鈔) 又名不遠者,不遠,山名,山出此寶,以近波羅奈城故。
(Sao: Lại còn có tên là Bất Viễn. Bất Viễn là tên núi. Núi này sanh ra thứ báu ấy, do núi ấy gần thành Ba La Nại).
Nó còn có tên gọi là Bất Viễn. Quả núi có quặng Lưu Ly chẳng xa thành Ba La Nại (Vārāṇasī, Benares) cho mấy. Chỗ chẳng xa [kinh thành Ba La Nại] bèn có [thứ báu ấy, nên gọi chất báu ấy là Bất Viễn] là do ý nghĩa này.
(Sao) Thủy ngọc giả, kim thủy tinh dã.
(鈔) 水玉者,今水晶也。
(Sao: Thủy ngọc nay được gọi là thủy tinh).
“Kim” là cận đại, “cận đại” ở đây chính là những năm cuối đời Minh. Vì Liên Trì đại sư sống vào cuối đời Minh, Ngài nói “kim” là nói về thời đó, thời ấy đã gọi [pha lê] là “thủy tinh”.
(Sao) Xa cừ ngôn đại bối giả.
(鈔) 硨磲言大貝者。
(Sao: “Xa cừ” là một loại sò lớn).
Tức là vỏ sò, [xa cừ là] vỏ của một loại sò lớn.
(Sao) Bối vi hải trung giới trùng, đại giả danh bảo, nhất vân phi Phạn ngữ, dĩ kỳ tự xa chi cừ. Cừ giả, võng dã.
(鈔)貝為海中介蟲,大者名寶,一云非梵語,以其似車之渠。渠者,輞也。
(Sao: Sò là một loài trùng có vỏ trong biển cả. Thứ to được gọi là Bảo. Có thuyết nói [xa cừ] không phải là tiếng Phạn, mà là do [vỏ của] nó giống như “vành bánh xe”. “Cừ” là cái vành bánh xe).
“Võng” là bánh xe, ở đây là nói tới đường vằn trên vỏ sò, giống như bánh xe.
(Sao) Xích châu giả, Phật Địa Luận vân: “Xích trùng sở xuất. Hữu thiên xích châu, danh Nhân Đà La, phi thế sở hữu”. Đại Luận: “Chân châu hoặc xuất ngư phúc, hoặc xuất xà não, hoặc xuất bạng thai, hoặc sanh trúc trung, tắc sắc phi định xích”. Cố dĩ tiền dịch vi chánh.
(鈔) 赤珠者,佛地論云:赤蟲所出,有天赤珠,名因陀羅,非世所有。大論,真珠或出魚腹,或出蛇腦,或出蚌胎,或生竹中,則色非定赤,故以前譯為正。
(Sao: “Xích châu”, Phật Địa Luận nói: “[Xích châu] do loài xích trùng sanh ra. Có loài xích châu cõi trời tên là Nhân Đà La, trong cõi đời chẳng có”. Theo Đại Luận, chân châu sanh từ bụng cá, hoặc sanh từ óc rắn, hoặc xuất phát từ thai sò, hoặc sanh trong tre, nên màu sắc không nhất định là đỏ. Do vậy, [xích châu hiểu] theo cách dịch trước (tức cách giải thích trong Phật Địa Luận) thì đúng hơn).
“Xích châu” do loài xích trùng sanh ra. Thứ này rất hiếm, nên rất quý báu, nổi tiếng, là một trong bảy thứ báu. Đại Trí Độ Luận giảng xích châu là một loại chân châu (真珠), nhưng thông thường, trân châu (珍珠) sanh từ trai sò, cũng có loại kết tinh trong bụng cá, hoặc óc rắn, còn có loại sanh trưởng từ cây trúc, nên màu sắc không nhất định là đỏ. Vì thế, giảng [chữ “xích châu”] theo cách trước (thuyết của Phật Địa Luận) sẽ đúng hơn.